Tranh cãi về “vùng nhận dạng phòng không” của Trung Quốc

Thứ Năm, 28/11/2013, 08:50
Gần một tuần sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc thành lập “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên biển Hoa Đông, tình hình ở Đông Á ngày càng trở nên phức tạp khi cả Hàn Quốc, Nhật Bản đều bày tỏ sự bất bình và quyết định rằng các hãng hàng không nước này không phải tuân thủ theo yêu cầu của ADIZ. Autralia cũng thể hiện sự phản đối của mình bằng hành động triệu tập nhà ngoại giao Trung Quốc, còn Mỹ thì phớt lờ mọi cảnh báo và cho phép 2 máy bay ném bom B-52 đi qua ADIZ.

Theo tin từ tờ Japanese Times, từ 0h ngày 27/11, hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản là ANA Holdings INC và Japan Airlines Co đã chấm dứt việc tuân thủ các quy định về ADIZ do Trung Quốc đơn phương thiết lập trên biển Hoa Đông. Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Tokyo có lời kêu gọi các hãng hàng không ngừng cung cấp thông tin về những chuyến bay cho phía Trung Quốc với lý do yêu cầu này là một sự phi lý.

Máy bay do thám P-3C Orion của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang bay qua vùng biển tranh chấp thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Trung Quốc vừa đơn phương thiết lập ADIZ.

Đáng chú ý là ngay sau khi Japan Airlines Co công bố quan điểm của mình, một số hãng hàng không tư nhân khác cũng đang chuẩn bị các bước cần thiết để bác bỏ các quy định liên quan đến ADIZ của Trung Quốc. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng, đây là động thái cần thiết và trong những ngày cuối tháng 11 này, chính quyền Tokyo sẽ tiếp tục vận động thêm nhiều các hãng hàng không khác trong và ngoài nước cùng lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc.

Ông Fumio Kishida nói: "Điều quan trọng là phải cùng nhau phối hợp hành động để Trung Quốc thấy quyết tâm mạnh mẽ của chúng ta". Chưa hết, tờ Yomiuri Shimbun số ra ngày 27/11 còn đưa tin rằng, Nhật Bản đang cân nhắc mở rộng ADIZ mà nước này thiết lập từ năm 1969 trên Thái Bình Dương. Hiện ADIZ của Nhật Bản mới chỉ bao phủ 4 đảo chính và chuỗi đảo Okinawa ở cực Nam nước này, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong bối cảnh hiện nay, Nhật Bản cũng sẽ xem xét cả việc triển khai máy bay chiến đấu tại các căn cứ ở khu vực tranh chấp.

Hiện tại, để gia tăng các hoạt động an ninh trong nước, hôm 25/11, Ủy ban đặc biệt về an ninh quốc gia thuộc Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật thành lập Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) theo mô hình của Mỹ. Khi dự luật này có hiệu lực, nó sẽ trao quyền cho Văn phòng Thủ tướng xử lý hiệu quả hơn các vấn đề ngoại giao và quốc phòng. Thủ tướng, Chánh văn phòng nội các và Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao sẽ phải gặp nhau mỗi tháng 2 lần để thảo luận chính sách dựa trên những thông tin thu thập được.

Điều đáng nói là không chỉ phải đối mặt với những phản ứng gay gắt từ Nhật Bản, Trung Quốc còn bị nhiều quốc gia khác chỉ trích khi thiết lập ADIZ. Cụ thể là hôm 26/11, Australia đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc để phản ánh mối quan ngại của chính quyền Canberra và yêu cầu Bắc Kinh giải thích “ý đồ của mình”. Quốc gia láng giềng Hàn Quốc cũng có thái độ tương tự.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-Se thậm chí còn cảnh báo, tranh chấp chủ quyền ngày một gia tăng có nguy cơ làm tình hình an ninh tại Đông Bắc Á xấu đi nhanh chóng. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng khẳng định, ADIZ mà Trung Quốc thiết lập mới đây ở biển Hoa Đông đã chồng lấn một phần vùng phòng không của Hàn Quốc.

Riêng Mỹ, mặc dù không phải quốc gia nằm trong khu vực Đông Á, song nước này lại luôn đề cao quyền lợi trong việc về tự do hàng hải ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Vì thế, ngay từ đầu, Washington đã tuyên bố không công nhận vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc thiết lập trên biển Hoa Đông và gọi đây là hành vi “gây bất ổn”.

Thậm chí, để thể hiện việc Mỹ không tuân thủ “các quy định vô lý” của Trung Quốc, hôm 26/11, hai máy bay ném bom B-52 không mang vũ khí của Mỹ cất cánh từ Guam, đã bay qua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, nằm trong ADIZ mà Bắc Kinh vừa thiết lập. Sau gần 1h bay trong khu vực ADIZ dưới sự giám sát chặt chẽ của Trung Quốc, hai máy bay này không gặp một chiếc máy bay nào của Trung Quốc và đã trở về căn cứ vào tối cùng ngày.

Và cho đến chiều 27/11, Liên hợp quốc (LHQ) đã phải lên tiếng về những diễn biến mới nhất trên biển Hoa Đông. Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Martin Nesirky cho rằng vấn đề lãnh thổ cần được giải quyết hòa bình thông qua đối thoại

Phan Hiển
.
.
.