Bầu cử Israel: Cuộc trưng cầu dân ý với thủ tướng kỳ cựu

Thứ Hai, 22/03/2021, 17:35
Người dân Israel ngày 23/3 sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội lần thứ tư chỉ trong vòng hai năm qua, đây không chỉ là cuộc đua giữa các đảng mà còn là cuộc trưng cầu dân ý đối với nhiệm kỳ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Trước thềm cuộc bỏ phiếu này, ông Netanyahu, người đã giữ cương vị thủ tướng trong 12 năm qua, hy vọng cử tri sẽ ủng hộ ông thông qua những thành quả như chiến dịch triển khai vaccine COVID-19 thành công và hoạt động ngoại giao nổi bật với các nước thuộc thế giới Arab. Tuy vậy, những đối thủ của ông cũng không vừa khi liên tục nhắm vào những sai lầm trước đó của vị thủ tướng kỳ cựu trong cuộc chiến chống đại dịch, sự phụ thuộc của ông vào các đồng minh tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc cực đoan gây chia rẽ cũng như phiên tòa tham nhũng đang diễn ra của ông, theo AP. 

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Israel đưa ra dự báo về nhiều khả năng, có thể là một cuộc chạy đua cực kỳ sít sao, bế tắc chính trị tiếp diễn hay thậm chí là một cuộc bầu cử thứ năm liên tiếp, một điều chưa từng có tiền lệ. Ông Netanyahu dường như có một chút lợi thế vì sự phức tạp của hệ thống chính trị của Israel. Ở Israel, người dân bỏ phiếu cho các đảng phái chứ không phải cá nhân các ứng cử viên. 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, dù đã tại vị 12 năm, vẫn nuôi hy vọng tiếp tục nhiệm kỳ. Ảnh minh họa AP. 

Hiện nay, đảng Likud của ông Netanyahu vẫn được coi là một đảng đủ tiềm lực nhất. Tuy vậy, chưa từng có đảng nào tại Israel giành được ít nhất 61 ghế để chiếm thế đa số trong quốc hội, vì vây, các các đảng chính trị đôi khi phải gạt đi sự khác biệt để thành lập một liên minh cầm quyền. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, dù có bê bối chính trị, ông Netanyahu vẫn là ứng viên hàng đầu có thể xây dựng một chính phủ liên minh, khả năng này cao hơn một loạt các đối thủ khác của ông, những người không có điểm chung nào nổi bật ngoài sự đối nghịch với vị thủ tướng kỳ cựu. 

Để giành lấy lá phiếu từ cử tri và nắm giữ được đa số trong quốc hội, theo các chuyên gia, ông Netanyahu hay bất kỳ đối thủ nào cũng phải giải quyết một loạt các vấn đề. Đầu tiên là chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Ông Netanyahu đã đặt hy vọng tái đắc cử của mình vào sự thành công của chiến dịch tiêm vaccine. Tháng 12/2020, ông Netanyahu đã đích thân vận động các lãnh đạo của Pfizer và Moderna để đảm bảo đủ vaccine cho 9,3 triệu dân Israel. 

Trong vòng chưa đầy 3 tháng, Israel đã tiêm phòng cho khoảng 80% dân số trưởng thành. Với tỷ lệ lây nhiễm đang giảm đáng kể, Israel có thể mở cửa trở lại trường học, nhà hàng, bảo tàng và sân bay chính ngay trước ngày bầu cử. Tuy nhiên, các đối thủ của Thủ tướng Israel đã viện dẫn những sai lầm trong chống dịch của chính phủ Netanyahu là nguyên nhân gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, hàng nghìn doanh nghiệp thất bại và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức hai con số. 

Dù vậy, nề kinh tế Israel đang dần hồi sinh, ông Netanyahu hy vọng các cử tri có thể phần nào quên đi những khó khăn trong năm qua. Yohanan Plesner, chủ tịch Viện Dân chủ Israel, cho biết: “Trong tâm trí của người dân, đầu tiên và quan trọng nhất khi tham gia một cuộc bầu cử, là hồ sơ của thủ tướng. Điều này có lợi cho ông Netanyahu vì nhiều người không rõ các ứng viên khác là ai”. 

Các cuộc khảo sát ý kiến cho thấy, khoảng 15% cử tri tại Israel còn phân vân. Cuộc bầu cử ngày 23/3 sẽ không chỉ phụ thuộc vào việc những cử tri này ủng hộ ai mà còn phụ thuộc vào việc họ có bỏ phiếu hay không. Các nhà phân tích dự đoán tỷ lệ cử tri đi bầu sẽ thấp hơn mức 71% trong cuộc bầu cử gần đây nhất cách đây một năm, do lo ngại về đại dịch cũng như sự mệt mỏi của cử tri nói chung. Israel đã cho xây dựng nhiều phòng bỏ phiếu đặc biệt và di động để giúp những người ốm hay bị cách ly vẫn có thể bỏ phiếu. 

Ngoài ra, một đảng phải nhận được ít nhất 3,25% số phiếu bầu để được vào quốc hội và có thể giành tối thiểu 4 trong tổng số 120 ghế. Theo một cuộc thăm dò, 4 đảng nhỏ đang chấp chới mức này. Đáng chú ý, đảng Meretz và đảng Xanh Trắng, nằm trong liên minh chống ông Netanyahu, là hai đảng có nguy cơ không đủ sự ủng hộ, trong khi một đảng tôn giáo khác ủng hộ thủ tướng lại dường như đang mạnh lên.

Trong 3 cuộc bầu cử gần đây, ông Netanyahu luôn đề cập đến mối quan hệ đồng minh tốt đẹp và chặt chẽ với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, ông Donald Trump, các biển cổ động cỡ lớn treo trên các đường cao tốc và nhà cao tầng cho thấy bức ảnh ông bắt tay với vị cựu Tổng thống Mỹ. Tuy vậy, thời thế nay đã khác, Nhà Trắng đã có chủ mới còn ông Netanyahu hầu như không đề cập nhiều đến tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Chính ông Biden cũng chưa đưa ra chính sách rõ ràng với Israel và vấn đề nổi cộm khác có liên quan như Palestine. 

Trong những năm qua, ông Netanyahu được mệnh danh là “ảo thuật gia” chính trị hay “nhà thao túng bậc thầy” có khả năng sống sót qua bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Trong bối cảnh các nhân chứng sẽ đứng ra chống lại ông trong phiên tòa vào tháng tới, ông Netanyahu đang hy vọng một phép màu có thể xảy đến khiến quốc hội sẵn sàng trao cho ông quyền miễn trừ hoặc đóng băng phiên tòa xét xử. 

Vẫn còn đó nhiều ý kiến phản đối ông Netanyahu, cho rằng ông đã gây ra sự tê liệt chính trị khi đặt sinh mạng chính trị và các rắc rối pháp lý của mình lên trên cả lợi ích quốc gia. Bất chấp những rắc rối pháp lý hay các cuộc biểu tình phản đối, ông Netanyahu vẫn đang dành nhiều tâm huyết để tiếp tục tại vị trên cương vị lãnh đạo Israel. 

Duy Tiến (Theo AP)
.
.
.