Anh - EU cùng “chạy nước rút” tới Brexit
- Brexit với những bước đột phá đầu tiên
- Lãnh đạo Anh và EU sẽ mở "lối thoát hẹp" cho đàm phán Brexit?
- Thủ tướng Anh khăn gói đến Brussels tháo gỡ bế tắc Brexit
Euronews ngày 10/12 đưa tin, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã có cuộc gặp trực tiếp tại Brussels, nhằm tháo gỡ những bất đồng trong đàm phán về thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Tuy vậy, đã không có bất cứ đột phá nào trong cuộc họp kéo dài ba giờ mà hai bên mô tả là "thẳng thắn".
Ngay sau cuộc đàm phán này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nêu rõ, hai bên vẫn còn các cách biệt rõ rệt trong quan điểm về một số điều khoản của thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Cụ thể, ba vấn đề khúc mắc được chỉ ra bao gồm việc EU yêu cầu phía Anh đảm bảo cho giới kinh tế EU cạnh tranh thật sự công bằng và bình đẳng trên thị trường Anh sau Brexit, vấn đề cơ chế xử lý xung khắc và tranh chấp lợi ích nảy sinh sau Brexit và vấn đề hạn ngạch đánh bắt hải sản ở vùng biển xung quanh nước Anh. Theo The Guardian, trao đổi thương mại hàng năm giữa hai bên đạt gần 1.000 tỷ USD.
Tại Thượng đỉnh EU - Anh, hai bên nhất trí đẩy nhanh tiến độ đàm phán. Ảnh: PA |
Nếu tình trạng đàm phán như thế này tiếp diễn đến hết năm 2020, thì Anh sẽ nói lời chia tay với thị trường chung và liên minh thuế quan của EU mà không “dắt túi” thỏa thuận nào đẹp lòng đôi bên, kéo theo đó có thể sẽ là những xáo trộn ngoài mong đợi do những tác động của Brexit cứng mang đến. Đó là việc tắc nghẽn biên giới, đảo lộn thị trường tài chính và phá vỡ chuỗi cung ứng mỏng manh trên khắp châu Âu, những vấn đề vốn đặc biệt nghiêm trọng trong bối cảnh châu Âu đang cố gắng đối phó với thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Theo Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier, hơn 90% thỏa thuận trên bàn đàm phán đã được nhất trí với Anh. Do đó, bà Ursula von der Leyen và ông Boris Johnson tại hội nghị thượng đỉnh đã cùng nhất trí rằng, các nhóm đàm phán nên được triệu tập ngay, đồng thời cho hai bên thêm thời hạn năm ngày, tức đến 13/12, để chấm dứt bốn năm căng thẳng ngoại giao và cứu vãn "những phần trăm còn lại".
Giới chuyên gia phân tích chính trị thế giới bình luận, dù hội nghị lần này chưa đạt được tiến triển, nhưng việc ông Boris Johnson quyết định tới Brussels để đàm phán trực tiếp đã thể hiện sự thiện chí và nỗ lực của nước Anh, đồng thời truyền đi thông điệp rằng, đã đến lúc hai bên đưa ra quyết định chính trị ở cấp cao nhất, nhằm tháo gỡ những vướng mắc mang tính kỹ thuật.
Hôm 7/12, phía Anh đã công bố một bước đệm quan trọng, nhằm rút ngắn sự khác biệt giữa London và Brussels. Theo đó, chính phủ Anh thông báo có thể xóa bỏ các điều khoản luật vi phạm thỏa thuận Brexit với EU và xem xét các điều khoản trong dự luật khác, nếu đàm phán về Thỏa thuận Rút lui đạt tiến triển.
"Nếu những giải pháp được cân nhắc trong các cuộc thảo luận được nhất trí, chính phủ Anh sẽ sẵn sàng xóa 44 điều khoản trong Dự luật Thị trường Nội địa Anh, liên quan tới các tờ khai xuất khẩu", thông báo nêu rõ.
Ngoài ra, Anh cũng sẵn sàng vô hiệu hóa các điều khoản 45 và 47, liên quan đến gói cứu trợ nhà nước. Dưới góc độ các cuộc thảo luận, chính phủ Anh sẽ tiếp tục xem xét nội dung sắp tới của Dự luật Thuế. Trước đó, Người Phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này phản đối việc kéo dài giai đoạn chuyển tiếp Brexit hay tiến hành thêm các cuộc đàm phán vào năm 2021.
Phát biểu trên truyền hình nước này hôm 9/12, Thủ tướng Boris Johnson vẫn tái khẳng định rằng Anh sẽ không thể chấp nhận một thỏa thuận không tôn trọng các nguyên tắc cơ bản về chủ quyền và giành lại quyền kiểm soát của nước này.
"Chúng ta đều sẵn sàng cho mọi tình huống. Chúng ta đã đạt được thỏa thuận song phương với Canada hay Australia và cho dù chúng ta có đạt được thỏa thuận với EU hay không thì vẫn sẽ có nhiều việc làm được tạo ra. Tôi hoàn toàn không nghi ngờ rằng, từ đầu năm tới, đất nước chúng ta vẫn sẽ tiếp tục thịnh vượng, mạnh mẽ", ông Johnson cho hay.
Về phía đại diện EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, bà vẫn nhận thấy triển vọng cho một thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU, song EU cũng cần phải bác bỏ các điều kiện không phù hợp nhưng không được phép làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của thị trường chung. Bà Markel nêu rõ: "EU cần phải duy trì "giới hạn đỏ".
Trong trường hợp phía Anh đòi hỏi điều kiện khó chấp nhận, EU cần chấp nhận viễn cảnh không thỏa thuận thay vì chịu đựng các điều kiện cạnh tranh không công bằng trong tương lai".
Ngày 31/12 tới đánh dấu thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp và Anh chính thức rút khỏi EU. Đây cũng là thời hạn chót để hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại cho giai đoạn hậuBrexit. Cả Anh và EU đều cần có thời gian để Quốc hội và Nghị viện của bên mình thông qua bất cứ thỏa thuận nào mà đoàn đàm phán đạt được.
Trước “những bất đồng đáng kể” còn hiện hữu sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, đoàn đàm phán hai bên chắc chắn sẽ phải đẩy nhanh tốc độ đàm phán.