Ai hưởng lợi từ việc Mỹ rút quân khỏi Syria?
- Israel tìm đến Nga sau quyết định bất ngờ của ông Trump về Syria
- Thổ Nhĩ Kỳ dội "bão lửa" vào cứ điểm người Kurd ở Bắc Syria
- Thổ Nhĩ Kỳ điều thiết giáp tới sát Syria sau lời cảnh báo "lạnh gáy"
Nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011 với sự xuất hiện của hàng chục phe phái đối lập, khiến chế độ của Tổng thống Bashar al- Assad nhiều phen chao đảo. Tháng 6-2014, khối u Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông bùng phát ở cả Iraq và Syria với sự xuất hiện đẫm máu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tháng 9-2014, nhân danh liên minh quốc tế chống IS, quân đội Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama khởi động chiến dịch không kích có hệ thống nhằm vào các mục tiêu ở Syria và Iraq.
Binh sĩ Mỹ rút khỏi Bắc Syria trên xe bọc thép. Ảnh: Getty Images |
Washington quảng cáo mục đích cho hoạt động này là để tiêu diệt IS, song các chuyên gia nhận định Mỹ cũng muốn lợi dụng các hoạt động quân sự để trợ giúp phiến quân chống chính phủ ở Syria đánh vào lực lượng của Tổng thống Assad.
Tháng 9-2015, với sự xuất hiện đầy bất ngờ của Nga ở Syria, chế độ của Tổng thống Assad không những thoát cảnh bị phiến quân uy hiếp mà còn liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường chống IS. Cả hai phe từ đó tiến hành các chiến dịch chống IS riêng rẽ và cơ bản đẩy lùi tổ chức khủng bố này vào năm 2018.
Về phần Tổng thống Donald Trump, người luôn tin mình đắc cử một phần nhờ lời hứa đưa Mỹ thoát khỏi "những cuộc chiến tranh bất tận vô lý" ở Syria, Iraq và Afghanistan, tháng 12 năm ngoái tuyên bố IS đã bị đánh bại và rút quân, song duy trì trên dưới 100 chuyên gia trợ giúp Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là dân quân người Kurd, phòng khi IS trỗi dậy.
Bản đồ thể hiện tình hình Syria, trong đó phần gạch chéo là vùng đệm an toàn Thổ Nhĩ Kỳ muốn YPG rút khỏi, vùng màu đỏ do phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng, vùng màu xanh lá do dân quân người Kurd kiểm soát còn vùng màu xanh nước biển đã được quân đội Syria giải phóng. |
Hôm 7-10, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Trump một lần nữa khẳng định Mỹ đã đánh bại IS và lệnh rút lập tức toàn bộ chuyên gia khỏi Bắc Syria.
Các chuyên gia nhận định, bước đi trên, vẫn chưa rõ nguyên nhân sâu xa là gì, có thể phá hủy mọi mục tiêu Washington đặt ra ở Trung Đông và khiến vai trò của Mỹ ở khu vực nhanh chóng bị các thế lực khác khỏa lấp. Việc Mỹ rút đi cũng sẽ mang lại lợi ích cho không ít bên trên chiến trường Syria.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này từ lâu coi Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) – lực lượng nòng cốt của SDF, là khủng bố và dọa tấn công nhóm vũ trang này trên đất Syria, nên việc Mỹ rút đi chắc chắn mở ra cơ hội không thể tốt hơn cho Ankara.
Vài giờ sau tuyên bố của Tổng thống Trump, truyền thông Syria cho biết chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ đã dội đợt hỏa lực đầu tiên vào sở chỉ huy của SDF ở miền Bắc. Giới chuyên gia cho rằng cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria không dễ dàng bởi dân quân người Kurd rất kỷ luật và tận tụy, đã được rèn luyện qua nhiều năm chiến tranh đô thị với IS.
Trận địa pháo do Thổ Nhĩ Kỳ triển khai đến biên giới Syria hôm 6-10. Ảnh: AMN |
Tuy nhiên, Ankara cũng hiểu rõ điều đó và không đặt mục tiêu hiện diện lâu dài trên lãnh thổ quốc gia láng giềng mà chỉ muốn YPG phải rút xa khỏi đường biên giới.
Theo Washington Post, quyết định rút khỏi Syria của Mỹ được coi là tin tốt cho Chính phủ Syria. Lâu nay Damascus vẫn luôn phản đối sự hiện diện của Mỹ trên lãnh thổ của mình.
Thêm vào đó, việc Mỹ rút quân sẽ nhanh chóng khiến SDF, nhóm phiến quân lớn nhất, suy yếu và đây là cơ hội để Syria hoặc là chiến đấu giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ rộng gần 30.000km2 ở bờ Đông sông Euphrates với sự hỗ trợ của các đồng minh, hoặc là thúc ép người Kurd kí một thỏa thuận chính trị có lợi.
Năm ngoái, sau tuyên bố rút đi của Mỹ, SDF từng để ngỏ khả năng đàm phán với phe chính phủ để binh sĩ trung thành với Tổng thống Assad cùng kiểm soát vùng Đông Bắc Syria, song chưa rõ các cuộc đàm phán này tiến triển đến đâu.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: SANA |
Với Nga, một trong những đồng minh quan trọng của chính quyền Tổng thống Assad, việc binh sĩ Mỹ không còn hiện diện ở Syria, Moscow có thể dễ dàng mở rộng vai trò ở Syria. Dù rằng các nỗ lực quân sự của Moscow đã lật ngược hoàn toàn thế trận theo hướng có lợi cho Tổng thống Assad, song việc Mỹ rút quân sẽ giúp Nga không phải kiêng dè bất cứ đối tượng nào trong khu vực.
Hơn nữa, khi cuộc chiến ở Syria đã ngã ngũ, Nga đang hậu thuẫn một giải pháp chính trị toàn diện cho quốc gia Trung Đông, nên sự rút đi của Mỹ sẽ giúp Moscow tăng cường tiếng nói với các bên đối địch ở Syria.
Trong khi đó, đối với Iran, việc Mỹ rút quân càng là một tin tốt lành. Dù Mỹ chỉ duy trì lượng nhỏ binh sĩ ở Syria, song các hoạt động giám sát trên không đi kèm với nó đóng vai trò như một chốt chặn đối với Tehran, gần như khóa chặt đường di chuyển từ biên giới Iran tới các đồng minh ở Lebanon.
Việc Mỹ rời đi là cơ hội để Iran tăng cường hơn nữa hiện diện ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung, bất chấp những tuyên bố ngăn chặn Iran mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực của chính quyền Tổng thống Trump.
Trên CNN, chuyên gia Nick Paton Walsh bày tỏ lo ngại sự rời đi của Mỹ mang lại lợi ích cho khủng bố IS. Walsh cho rằng khi phải bận rộn chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ chính mình, nhiệm vụ kiềm chế IS chắc chắn sẽ trở thành thứ yếu đối với dân quân người Kurd. Tuy nhiên, khả năng này sẽ khó xảy ra bởi tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, đã cam kết không để IS trỗi dậy ở khu vực bằng mọi giá.