Vợ Phan Văn Anh Vũ đề nghị Toà xem xét quyền lợi trong một số tài sản kê biên

Thứ Sáu, 10/01/2020, 11:10
Sáng 10-1, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Trần Văn Minh (SN 1955, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn từ năm 2006-2011) và Văn Hữu Chiến (SN 1954, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn từ năm 2011-2014) cùng 19 đồng phạm trong vụ thâu tóm nhà, đất công sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 22.000 tỷ đồng tiếp tục phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho thân chủ.

Trước tòa, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ bị cáo Phan Văn Anh Vũ) được triệu tập với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nói, những tài sản liên quan đối với bà bây giờ không có ý nghĩa gì khi chứng kiến chồng và em ruột đều là bị cáo trong phiên tòa. Em ruột của bà Hiền là bị cáo Nguyễn Quang Thành (SN 1980, cựu Giám đốc Công ty TNHH Minh Hưng Phát). 

Thành khai, việc đứng tên sở hữu tỷ lệ vốn góp và chức danh Giám đốc Công ty TNHH Minh Hưng Phát là do Phan Văn Anh Vũ chủ động thực hiện và Vũ là người trực tiếp chỉ đạo điều hành các công ty nêu trên. Bị cáo Thành truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai và bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 7-9 năm tù. 

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ.

Theo bà Hiền, tất cả những tài sản của bị cáo Vũ đang bị cơ quan tố tụng kê biên đều có sự đóng góp công sức chung của bà, chứ không chỉ riêng của bị cáo Vũ. Vì thế bà Hiền đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc đến những tài sản mà cơ quan tố tụng đã kê biên, xem xét đến quyền lợi của cá nhân bà. 

Cụ thể, bà Hiền cho rằng, mảnh đất ở số 22 Cô Giang (Đà Nẵng) là tài sản của cá nhân bà. Bà Hiền lý giải về nguồn tiền sử dụng để mua mảnh đất này là do tích góp và vay ngân hàng nên mong Hội đồng xét xử xem xét phần tài sản đang bị kê biên này. Ngoài mảnh đất số 22 Cô Giang, bà Hiền đề cập tới một số tài sản khác mà cơ quan tố tụng đã kê biên có liên quan đến quyền lợi của bà như: ngôi nhà số 17 Lê Duẩn, ngôi nhà số 90, số 92, số 76 Trần Quốc Toản và nhiều lô đất khác nhưng bà không biết nguồn gốc các tài sản này từ đâu. 

“Tôi là người đại diện cho bị cáo Vũ kê biên những tài sản trên, nhưng tôi không sử dụng, không biết nguồn gốc những tài sản này”, bà Hiền khẳng định. Theo trình bày của bà Hiền, hơn 500 người lao động đang làm việc trên tài sản, giá trị đất của bà và bị cáo Vũ đã xây dựng đầu tư và họ đang cần việc làm. Vì thế mong Hội đồng xét xử xem xét những đóng góp của vợ chồng bà cho thành phố.

Trong quá trình giải quyết vụ án này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND tối cao đã kê biên 42 tài sản và bất động sản để đảm bảo thi hành án, trong đó có 10 tài sản, bất động sản liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ. Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản ở Trung ương xác định, tổng giá trị của 42 tài sản, bất động sản trên có giá trị hơn 3.519 tỷ đồng.

Và vợ Vũ là bà Nguyễn Thị Hiền (áo trắng đứng).

Ngoài ra còn nhiều tài sản, bất động sản khác đứng tên Phan Văn Anh Vũ và vợ là bà Nguyễn Thị Thu Hiền cũng được cơ quan tố tụng kê biên.

Trước đó, khi trả lời thẩm vấn Hội đồng xét xử về hành vi thâu tóm 22 nhà đất và 7 dự án bất động sản tại thành phố Đà Nẵng gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 22.047 tỷ đồng, Phan Văn Anh Vũ cho biết, bị cáo là là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng 79 và Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79. 

Ngoài ra, bị cáo còn nắm cổ phần tại Công ty TNHH I.V.C; Công ty TNHH Minh Hưng Phát và Công ty cổ phần Đầu tư Nhất Gia Phúc. Đây là các doanh nghiệp có tính gia đình, việc mua bán nhà đất tại thành phố Đà Nẵng do bị cáo quyết định. Bị cáo Vũ cho rằng, cáo trạng truy tố mình không chính xác. 

Lý do bị cáo Vũ không thừa nhận hành vi phạm tội vì, để mua các dự án, bị cáo là người ký đơn hoặc các công ty bị cáo có tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng xin ý kiến, còn giải quyết hay không là thẩm quyền của UBND thành phố và điều này được thể hiện qua đường văn thư.

Cáo trạng xác định, Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng mối quan hệ với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, lợi dụng chủ trương trái pháp luật tại các văn bản của UBND TP Đà Nẵng do bị cáo Trần Văn Minh, khi đó là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký để thâu tóm thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố nhằm trục lợi cá nhân. 

Vũ liên hệ và đề nghị bị cáo Trần Văn Minh và bị cáo Văn Hữu Chiến (khi cả hai đương chức) chỉ đạo cấp dưới nhanh chóng giao, chuyển nhượng 22 nhà, đất công sản và 7 dự án bất động sản trái quy định, không qua đấu giá cho các công ty do Vũ góp vốn. Hành vi của Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc giao trái quy định dự án 29 ha gây thiệt hại trên 11.000 tỷ đồng. 

Giai đoạn 2002-2010, Vũ thành lập 5 công ty và sử dụng tư cách pháp nhân các công ty này mua nhà, đất công sản và nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, qua đó Vũ đã trục lợi 15/22 nhà, đất công sản và 4 dự án bất động sản ở thành phố Đà Nẵng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 19.000 tỷ đồng.

Nguyễn Hưng
.
.
.