Ngày thứ 5 xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm:

Các cổ đông của Oceanbank "đòi" nhận lại tiền đã góp vốn

Thứ Ba, 24/04/2018, 15:59
Ngày 24-4, Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục điều hành phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và đồng phạm.

Trong ngày xét xử thứ 5, vợ cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn là bà Võ Thị Thanh Xuân (tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về số tài sản mà gia đình bà bị kê biên.

Bà Xuân cho rằng, trong nhiều tài sản của vợ chồng bà bị cơ quan tiến hành tố tụng kê biên có nhiều tài sản chung hình thành từ trước thời điểm bị cáo Sơn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Oceanbank. “Tòa án cấp sơ thẩm xác định chồng tôi đã chiếm đoạt 246 tỷ đồng trong vụ án này thì tôi xin dùng tài sản riêng của mình để bồi thường thay chồng. Nhưng tôi xin được giữ lại ngôi biệt thự tại Khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Bị cáo Hà Văn Thắm.

Bởi hiện nay, ngôi nhà trên gia đình tôi, trong đó có mẹ già 92 tuổi đang ở cùng. Đây cũng là nơi để gia đình tôi phụng dưỡng mẹ già và thờ cúng liệt sỹ là anh tôi”, bà Xuân nói.

Theo giải thích của bà Xuân, ngôi nhà này được mua trước khi chồng bà về làm việc tại Oceanbank. Nguồn tiền mua ngôi nhà này chủ yếu của mẹ bà cung cấp. Lý do bà Xuân sẵn sàng dùng tài sản riêng của mình để bồi thường tối đa số tiền cho chồng mình được bà giải thích là, để chồng được hưởng khoan hồng của pháp luật và không phải nhận án tử hình.

Trước những đề nghị của bà Xuân, Hội đồng xét xử giải thích, pháp luật dù nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn. Các bị cáo nói chung, trong đó bị cáo Sơn nói riêng nếu có ý khắc phục hậu quả sẽ được xem là tình tiết để giảm nhẹ hình phạt. Và nếu bị cáo Sơn và gia đình bị cáo khắc phục được 3/4 số tiền đã chiếm đoạt sẽ được xem xét để giảm từ tử hình xuống chung thân.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

Tại bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Sơn hình phạt chung là tử hình về 3 tội danh: tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, bị cáo Sơn còn bị tuyên buộc phải bồi thường 69 tỷ đồng ở tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 49 tỷ đồng ở tội tham ô tài sản và liên đới bồi thường trong khoản tiền 197 tỷ đồng ở tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng cộng, bị cáo Sơn phải bồi thường số tiền 246 tỷ đồng từ những hành vi sai phạm trong ba tội danh trên.

Trong ngày xét xử thứ 5, Hội đồng xét xử dành thời gian để các cổ đông của Oceanbank là một số tổ chức và cá nhân từng góp vốn vào Oceanbank được trình bày kháng cáo. Các cổ đông đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, đồng thời buộc bị cáo Sơn phải bồi thường cho họ số tiền đã chiếm đoạt với tỉ lệ góp vốn tương ứng. Bản án sơ thẩm xác định, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và đã góp vốn 800 tỷ đồng (tương ứng 20% vốn điều lệ của Oceanbank).

Vì thế trong số tiền hơn 246 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt, tính theo tỷ phần 20% thì có ít nhất hơn 49 tỷ đồng là tiền của Nhà nước.

Hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 49 tỷ đồng này của bị cáo Sơn được Toà án cấp sơ thẩm xác định là phạm tội tham ô tài sản. Và đây là số tiền thuộc sở hữu Nhà nước do PVN làm đại diện quản lý. PVN có yêu cầu được nhận lại số tiền 49 tỷ đồng nên Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên buộc bị cáo Sơn phải bồi hoàn số tiền này.

Hai cổ đông của Oceanbank là Công ty TNHH VNT và Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương kháng cáo với nội dung, họ là cổ đông của Oceanbank nên đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét đến quyền lợi của họ như cổ đông PVN. Bà Lâm Khánh Hồng, đại diện theo pháp luật của VNT trình bày, VNT cũng là cổ đông sở hữu 20% vốn điều lệ tại Oceanbank như PVN nên cũng phải được Toà án cấp phúc thẩm tuyên trả lại số tiền 49 tỷ đồng như PVN thì mới công bằng.

Bà Hồng còn đề nghị Hội đồng xét xử tuyên các tổ chức, cá nhân đã nhận tiền chi lãi ngoài trái quy định của Oceanbank phải trả lại tiền cho VNT. “VNT là cổ đông của Oceanbank nhưng không được có ý kiến về việc Oceanbank bị Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc với giá 0 đồng. Vì thế VNT đương nhiên bị mất khoản vốn đầu tư từ khi thành lập Oceanbank là không thỏa đáng nên VNT mong có được quyền lợi công bằng như PVN”, bà Hồng nói.

Tại phiên xử, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương cũng trình bày kháng cáo tương tự như nội dung VNT đã trình bày. Hàng chục cổ đông của Oceanbank cũng kháng cáo đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét quyền lợi cho họ.

Trong đơn kháng cáo, các cổ đông Oceanbank cho rằng, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội nhận định, trong tổng số tiền hơn 1.576 tỷ đồng mà bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm chi lãi ngoài, có khoản tiền hơn 246 tỷ đồng chi cho bị cáo Sơn để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN.

Tuy nhiên, bị cáo Sơn không giao lại tiền này cho PVN mà chiếm đoạt, trong đó có hơn 49 tỷ đồng là tiền của Nhà nước. Do đó, họ đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo Sơn phải bồi thường cho các cổ đông tương ứng với tỉ lệ vốn góp của họ.

Sau khi nghe đại diện các cổ đông trình bày, Chủ tọa phiên toà cho biết, đòi hỏi của các cổ đông Oceanbank là có lý nhưng việc đòi lại tiền khó khả thi vì Ban lãnh đạo Oceanbank thời điểm đó đã có chủ trương và thống nhất thực hiện việc trả lãi ngoài trên toàn quốc. Các khách hàng của Oceanbank thời điểm đó là đối tượng được Oceanbank “chăm sóc” thì không dễ gì để đòi lại số tiền Oceabank đã “tặng thưởng” cho họ. Nếu Tòa án ra bản án buộc những người đã nhận tiền lãi suất ngoài của Oceanbank bồi thường sẽ rất khó thực hiện. Từ phân tích của mình, Chủ toạ phiên toà cho rằng, các cổ đông của Oceanbank có quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự khác để đòi quyền lợi cho mình.

“Quá trình nghị án, nếu Hội đồng xét xử thấy có đủ căn cứ, đúng quy định của pháp luật thì Hội đồng xét xử sẽ xem xét yêu cầu đòi bồi thường 49 tỷ đồng (tương đương 20% vốn) của VNT góp vào Oceanbank”.

Nguyễn Hưng
.
.
.