Kết thúc phiên xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm làm thất thoát 800 tỷ đồng:

Tuyên phạt ông Thăng 18 năm tù, buộc bồi thường 600 tỷ đồng

Thứ Năm, 29/03/2018, 16:12
Sau nhiều ngày nghỉ nghị án, chiều 29-3, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gây thất thoát số tiền 800 tỷ đồng.

Thay mặt Hội đồng xét xử, Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ toạ phiên toà đã công bố bản án.

Bản án sơ thẩm xác định, trong thời gian giữ chức vụ cao nhất tại PVN, ông Thăng đã cùng với cán bộ cấp dưới gây thiệt hại 800 tỷ đồng, là số tiền PVN góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) nhưng không thông qua Hội đồng quản trị PVN. Ông Thăng có hành vi ký Thỏa thuận hợp tác số 6934 ngày 18-9-2008 tham gia góp vốn với ông Hà Văn Thắm, khi đó là Chủ tịch HĐQT Oceanbank nhưng không thông qua Hội đồng quản trị PVN. Sau đó, ông Thăng quyết định việc góp vốn vào Oceanbank khi biết rõ năng lực yếu kém của ngân hàng này.

Ông Đinh La Thăng và đồng phạm tại phiên xử.

Ngoài ra, ông Thăng còn ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, không thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn với tổng số tiền PVN góp vốn vào Oceanbank 800 tỷ đồng.

Ngày 1-1-2011, khi Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực, với vai trò Chủ tịch HĐTV PVN, ông Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại Oceanbank để đảm bảo tỷ lệ sở  hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15% mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn của PVN tại Oceanbank trái quy định.

Từ những việc làm trái quy định của ông Thăng đã tạo điều kiện cho các ông: Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng vào Oceanbank. Hậu quả từ hành vi của ông Thăng và đồng phạm đã thực hiện dẫn tới việc toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh.

Trong vụ án này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về ông Thăng khi ông quyết định chủ trương, chỉ đạo việc thực hiện. Với tư cách là người đứng đầu PVN, ông Thăng có trách nhiệm bảo toàn vốn của PVN vì thế phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng góp vào Oceanbank.

Hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Hành vi ấy không chỉ gây thiệt hại số tiền 800 tỷ đồng của Nhà nước mà còn xâm hại đến sự đúng đắn trong công tác quản lý tài sản Nhà nước, xâm hại nghiêm trọng đến uy tín đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý Nhà nước nói chung và quản lý doanh nghiệp của Nhà nước nói riêng, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước và tạo ra dư luận xấu trong xã hội.

Các bị cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong việc quản lý tài sản, điều hành PVN, là những cán bộ đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật với những quyết định làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, dẫn đến hậu quả PVN mất vốn 800 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.

“Ông Đinh La Thăng biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank và bị cáo biết theo các quy định pháp luật khi muốn đầu tư vốn để trở thành cổ đông chiến lược của Oceanbank thì phải báo cáo xin chủ trương và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ trước khi ký thỏa thuận góp vốn và ban hành nghị quyết về việc tham gia góp vốn vào Oceanbank. Nhưng ông Thăng đã cố ý không thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái các quy định của Nhà nước; thực hiện các hành vi vi phạm sau đó mới có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm hợp thức hóa các hành vi vi phạm. Cụ thể là làm trước, báo cáo sau”, Chủ toạ nhấn mạnh.

Ông Thăng cho rằng, đã làm đúng pháp luật và đã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, lời khai của ông Thăng là bao biện cho hành vi vi phạm pháp luật, né tránh trách nhiệm với hậu quả thiệt hại của PVN, thể hiện sự coi thường pháp luật khi không thực hiện các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về các biện pháp bảo đảm cho hiệu quả của các hoạt động đầu tư. Do vậy, Viện KSND tối cao truy tố ông Thăng và đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ, đúng pháp luật.

Bị cáo Thắng.
Bị cáo Vũ Khánh Trường.
Bị cáo Đức.

Riêng bị cáo Quỳnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vì vụ lợi nên bị cáo còn có hành vi chiếm đoạt số tiền 20 tỷ đồng. Vì thế bị cáo Quỳnh bị truy tố thêm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là đúng pháp luật. Nhưng trong quá trình điều tra, xét xử, bị cáo Quỳnh thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội. Bị cáo đã cùng gia đình khắc phục toàn bộ số tiền 20 tỷ đồng chiếm đoạt. Vì vậy cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Quỳnh.

Với quan điểm trên, Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên hình phạt tù đối các bị cáo như sau:

1. Bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT/HĐTV PVN 18 năm tù, buộc bồi thường 600 tỷ đồng.

2. Bị cáo Vũ Khánh Trường, cựu thành viên HĐTV PVN 5 năm tù, buộc bồi thường 40 tỷ đồng.

3. Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, cựu thành viên HĐTV PVN: 22 tháng tù, buộc bồi thường 15 tỷ đồng.

4. Bị cáo Nguyễn Xuân Liêm, cựu thành viên HĐTV PVN: 20 tháng cải tạo không giam giữ, buộc bồi thường 15 tỷ đồng.

5. Bị cáo Phan Đình Đức, cựu thành viên HĐTV PVN: 15 tháng cải tạo không giam giữ, buộc bồi thường 15 tỷ đồng.

6. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN: 30 tháng tù, buộc bồi thường 15 tỷ đồng.

7. Bị cáo Ninh Văn Quỳnh, cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN : 7 năm tù tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 16 năm tù tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt chung là 23 năm tù; buộc bồi thường 100 tỷ đồng.


Nguyễn Hưng
.
.
.