Nhiều khách hàng “mơ hồ” về dự án đất của Công ty Alibaba

Thứ Sáu, 20/09/2019, 15:53
Thủ đoạn chính của các đối tượng là “vẽ” dự án khống để phân lô, bán nền cho khách hàng. Tùy từng dự án, quỹ đất mà phải được sự cấp phép của chính quyền địa phương về chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hòa (63 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Tôi có số tiền khoảng 300 triệu đồng, mà gửi ngân hàng thì lãi suất thấp. Khi đó, người nhà tôi nói nên đầu tư đất đai để được lãi cao. Tôi từng đi theo dò tin của một số dự án để tìm hiểu đầu tư, rồi quyết định tham gia dự án Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu) của Công ty Alibaba. Tôi đầu tư 2 nền. Sau khoảng nửa năm, tôi lãi được 50 triệu đồng. Công ty hứa hẹn cứ mua, nếu lỗ thì công ty mua lại cho mình. Cứ như vậy, tôi vừa góp số vốn cũ và số tiền lời đầu tư vào lô tiếp theo. Đồng thời, tôi huy động vốn của các người thân trong gia đình (mỗi người vài chục triệu đồng) để đầu tư mua đất dự án của Công an Alibaba để mua được lô đất 400 triệu đồng. Và, cứ chờ đợi ngày để nhận lãi từ công ty”.

Bà Hòa kể lại sự việc

Nói về sự cố lãnh đạo Công ty Alibaba bị bắt, bà Hòa, lo lắng: “Tôi bất ngờ khi hay tin sự việc trên. Công ty luôn trấn an và tạo tin tưởng cho khách hàng. Trước đó, vào tháng 6-2019, sự việc khiến nhân viên của công ty bị bắt để điều tra làm rõ về hành vi gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản tại dự án Tân Thành. Tôi cũng dính đến phần đất sắp đến ngày được nhận lãi từ công ty. Khi đó, tôi về nhà giấu gia đình về sự việc. Tôi âm thầm đến Công ty Alibaba tìm gặp Thái Văn Luyện và nói rằng tôi đã được nhận lãi. Thời điểm này, Luyện đã cho nhân viên thủ quỹ giải quyết cho tôi được nhận tiền ngay. Đáng lẽ, tôi mang tiền về nhà cất. Tuy nhiên, tôi bước ra ngoài thì thấy nhiều khách hàng khác vẫn mang tiền đến Công ty Alibaba để đầu tư. Do vậy, tôi vẫn quyết định đầu tư lại…”.

Đáng lo ngại, khi được hỏi về pháp lý của thửa đất mà bà Hòa đã đặt chỗ tại dự án Tân Thành thì khách hàng không rõ lý do mà dự án Tân Thành bị chính quyền địa phương cưỡng chế. Bà Hòa thừa nhận: “Tôi từng có thửa đất trồng cây lâu năm ở Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh và đã được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở lâu dài đô thị. Sau sự việc dự án bị chính quyền địa phương cưỡng chế, tôi mới biết, dự án ở Tân Thành mà mình đầu tư là sai quy định, do chưa chuyển đổi đổi mục đích từ đất nông nghiệp năm sang đất ở lâu dài. Đối với đất dự án, thì cũng cần phải được chủ trương của Nhà nước, của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì mới được phân lô, bán nền”.

Cùng chung tâm trạng với bà Hòa, khách hàng tên D. (ngụ TP Hồ Chí Minh), bày tỏ: “Tôi đầu tư ở Công ty Alibaba. Đến nay, tôi chỉ còn vài lô ở dự án bị cưỡng chế ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau khi hay tin lãnh đạo Công ty Alibaba bị bắt, tôi rất lo lắng về số vốn hàng trăm triệu đồng đã đầu tư. Tôi có gọi điện trực tiếp cho nhân viên bán hàng thì họ trấn an rằng, anh hãy bình tĩnh, công ty vẫn hoạt động bình thường. Lãnh đạo công ty chỉ đến cơ quan Công an “hợp tác điều tra". Hầu như, họ không tin rằng lãnh đạo công ty mình đã bị Công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Được biết, vụ án lừa đảo Công ty Alibaba đã được Bộ Công an chuyển giao cho Công an TP Hồ Chí Minh thụ lý, mở rộng điều tra theo thẩm quyền. Liên quan đến vụ án này, Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết: Thủ đoạn chính của các đối tượng là “vẽ” dự án không có thật để phân lô, bán nền cho khách hàng. 

Đến nay, nạn nhân tại nhiều tỉnh thành đã đến cơ quan Công an và gọi điện trình báo tố giác hành vi lừa đảo của Công ty Alibaba.

Đức Mừng
.
.
.