Viện Kiểm sát: Nguyên giám đốc Bệnh viện tỉnh Hòa Bình xuất cảnh là được phép

Thứ Năm, 24/05/2018, 20:14
Ngày 24-5, phiên tòa xét xử 3 bị cáo trong vụ chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 9 nạn nhân tử vong tiếp tục diễn ra phần tranh tụng. 3 nhân chứng bắt buộc được HĐXX triệu tập để làm rõ một số nội dung liên quan đến tài liệu vụ án đều có mặt.


Theo đó, trong phần tranh tụng với đại diện Viện Kiểm sát trước HĐXX vào buổi sáng, Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn cho rằng, để xem xét thấu đáo vụ án thì cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của người ký hợp đồng. 

Cụ thể, ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng vật tư, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) là người đầu tiên phải xem xét trong vấn đề này, tiếp theo là điều dưỡng tại Bệnh viện. 

Theo Luật sư, thì điều dưỡng liên quan đến mọi hoạt động tại Bệnh viện, điều dưỡng làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình thì hoạt động Bệnh viện mới tốt và bộ phận này thuộc quyền quản lý của Giám đốc Bệnh viện. 

Do đó, Luật sư cho rằng trong vụ án, chưa đủ căn cứ  để buộc tội Sơn và đề nghị Tòa xem xét trả hồ sơ điều tra vụ án, đồng thời cho Sơn được tại ngoại trong quá trình điều tra.

Nhân chứng tại phiên tòa

Về phía VKS khẳng định có đủ căn cứ cáo buộc đối với Sơn, những nội dung buộc tội Sơn đều được dựa trên nhiều hồ sơ điều tra, cáo trạng và diễn biến lời khai tại phiên tòa, do vậy không vi phạm tố tụng như ý kiến của Luật sư đã trình bày (cho rằng VKS vi phạm tố tụng). 

"Chúng tôi xác định nguyên nhân của vụ án không liên quan đến hệ thống máy móc mà do chất lượng nguồn nước nên không cần thiết phải mở rộng điều tra" - đại diện VKS trình bày. Theo hồ sơ, ông Trần Văn Thắng phân công nhiệm vụ cho Sơn và đã được Sơn xác nhận tại phiên tòa. Sau khi sự việc xảy ra, Sơn không báo cáo cụ thể lại với ông Thắng nên VKS xác định trách nhiệm của Sơn.

Về vấn đề trách nhiệm của điều dưỡng, Viện Kiểm sát đề nghị cá nhân có liên quan, nếu tại phiên tòa có tình tiết mới, HĐXX sẽ xem xét thêm.

Trong phần tranh tụng đối với bị cáo Quốc, Luật sư Trần Vũ Hải (bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc) cho rằng, phải xem xét trách nhiệm đối với cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát (VKS), vì không mời được ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình đến tòa, do ông Dương đã đi nước ngoài.

Việc này có phần lỗi của VKS, vì theo Nghị định 138 năm 2007 về vấn đề xuất nhập cảnh nêu rõ: Trong trường hợp người có liên quan đến công tác điều tra hoặc đang trong quá trình tranh chấp về dân sự kinh tế thì cơ quan điều tra, VKS hoặc tòa án có quyền yêu cầu ngừng xuất cảnh.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương trước HĐXX.

Trước nội dung trên, đại diện VKS cho rằng, theo Bộ Luật Tố tụng hình sự về việc tạm hoãn xuất nhập cảnh, Điều 124 quy định rất rõ ràng có thể tạm hoãn xuất nhập cảnh với 2 trường hợp: người bị tố giác, quá trình điều tra người đó bị nghi là tội phạm sẽ có biện pháp ngăn chặn ngay người đó bỏ trốn; người đó là bị can hoặc bị cáo. 

Tuy nhiên, quá trình điều tra xác định cá nhân ông Trương Quý Dương là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và cũng đã điều tra, xác minh làm rõ thời điểm điều tra cũng đã kết luận hành vi của ông Dương chưa đủ căn cứ để khởi tố hình sự, nên VKS không đề nghị cơ quan điều tra áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh" . Việc ông Dương xuất cảnh là được phép vì người này không thuộc trường hợp cấm nên không thể áp dụng biện pháp ngăn chặn. 

Đại diện VKS giải thích thêm, theo Nghị định 138 có quy định về việc tạm hoãn xuất nhập cảnh nếu có tranh chấp về dân sự, trong sự cố này về phía xem xét trách nhiệm dân sự VKS có căn cứ vào Bộ Luật Dân sự trước hết thuộc về pháp nhân (BVĐK tỉnh Hòa Bình), pháp nhân phải bồi thường trước tiên, nếu phát sinh tranh chấp giữa cá nhân với pháp nhân thì sẽ giải quyết ở giai đoạn sau. VKS cũng cho rằng, chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình).

Tại phiên tòa, 3 nhân chứng bắt buộc được tòa triệu tập là ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng vật tư, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình), bà Bùi Thị Phương Thúy (phó trưởng phòng kế toán Bệnh viện Đa khoa tỉnh HB) và bà Thục (nguyên Kế toán trưởng) đều có mặt để làm rõ một số nội dung liên quan đến tài liệu vụ án.

Ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng vật tư, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) trình bày phần nội dung tranh tụng ngày 24-5.

Trước đó, ngày 23-5, luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) đã bàn giao cho HĐXX một chiếc USB bên trong có chứa một clip với nội dung là cuộc trò chuyện giữa ông Hoàng Đình Khiếu, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình với bà Bùi Thị Phương Thúy (Phó trưởng Phòng Tài chính – Kế toán BVĐK tỉnh Hòa Bình) về việc hoàn thiện hồ sơ, bàn giao và thanh lý hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước chạy thận RO số 2 giữa bệnh viện và công ty Thiên Sơn sau khi xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017.

Tại phiên tòa ngày hôm nay, bà Bùi Thị Phương Thúy (Phó trưởng Phòng Tài chính – Kế toán BVĐK tỉnh Hòa Bình) cũng xác nhận trả lời “có” trong clip đó, bà rất bất ngờ về chứng cứ gọi là “Clip” vì bà mới chỉ thấy trên mạng chứ thực tế chưa được nghe nói hay nhìn thấy.

“Tôi nhớ là cuộc hội thoại đó giữa tôi và ông Khiếu diễn ra vào thời gian tôi đi công tác tại Nha Trang, nhưng tôi không nhớ rõ là ông Khiếu đề cập đến hồ sơ nào và trong những hồ sơ tôi đã nộp cho cơ quan công an điều tra thì không có bản hợp đồng 315”, bà Thuý nói.

Phiên tòa tiếp tục vào ngày mai thứ 6, ngày 25-5.

Ngô Thủy – Thanh Hoa
.
.
.