Lĩnh án 7 năm 6 tháng tù vì nhận tiền tỷ “chạy án”

Thứ Hai, 20/04/2020, 17:14
Hoàng Văn Tú (SN 1987, trú tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) lợi dụng sự cả tin của người phạm tội trộm cắp tài sản để nhận tiền tỷ “chạy án”. Kết quả từ việc “chạy án” chẳng thấy đâu mà ngược lại, chính bị cáo Tú lại phải nhận bản án 7 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 


Sau phiên toà sơ thẩm, bị cáo Tú làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. TAND cấp cao tại Hà Nội vừa mở phiên toà hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo này.

Theo bản án sơ thẩm, ngày 12/5/2017, Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1989, trú tại xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) và bạn đã trộm cắp màn hình điện thoại di động tại Công ty Sam Sung ở tỉnh Bắc Ninh. 

Sau khi phát hiện hành vi phạm tội, Công an tỉnh Bắc Ninh đã triệu tập Quỳnh lên lên làm việc, nhưng do sợ bị bắt nên Quỳnh không đến cơ quan Công an làm việc theo yêu cầu mà tìm người nhờ “chạy án”. Được người quen giới thiệu, Quỳnh đã nhờ Tú giúp đỡ và bị yêu cầu phải đưa số tiền 300 triệu đồng để lo việc. Đầu tháng 6-2017, Quỳnh và bạn mang 300 triệu đồng đến một quán cà phê ở quận Nam Thăng Long, Hà Nội gặp Tú. 

Tại đây, Tú giới thiệu với Quỳnh một người tên Đỗ Trọng Tâm và nói sẽ giúp Quỳnh giải quyết trót lọt việc trộm cắp. Số tiền 300 triệu đồng sau đó được Quỳnh đưa cho nhóm này. 

Hai ngày sau, Tâm trả lời không giúp được Quỳnh giải quyết việc trộm cắp. Nhưng do đang cần tiền nên Tâm hỏi vay 150 triệu đồng (trong số 300 triệu đồng đã nhận) và Quỳnh đồng ý. Sau đó, Tâm nhờ vợ đưa trả cho Quỳnh 150 triệu đồng, còn nợ Quỳnh 150 triệu đồng.

Do Tâm không không giúp được Quỳnh nên sau đó, Tú tiếp tục giới thiệu Quỳnh với người đàn ông tên Phong, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Khi giới thiệu, Tú nói, Phong có thể lo cho Quỳnh được trắng án, nhưng phải chi phí 700 triệu đồng. Quỳnh chỉ gặp Phong một lần và cũng không biết Phong là ai, nhưng do Tin tưởng Tú nên Quỳnh đã nhiều lần đưa cho Tú tổng cộng hơn 1 tỷ đồng. 

Tuy nhiên sau đó, Quỳnh vẫn bị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Ninh khởi tố, truy tố và xét xử về tội trộm cắp tài sản. Vì thế Quỳnh đã nhiều lần tìm gặp Tú để đòi lại tiền. Do không có tiền để trả cho Quỳnh nên tháng 1/2018, Tú đưa cho Quỳnh một viên đá màu xanh ngọc với mục đích gán nợ. 

Ngày 23/1/2018, Quỳnh có đơn gửi cơ quan Công an tố cáo hành vi phạm tội của Tú. Ngày 11-6-2018, Tú bị bắt tạm giam. Trong thời gian Tú bị tạm giam, người nhà của Tú đã trả lại cho Quỳnh số tiền Tú đã nhận để khắc phục hậu quả. Tháng 9-2019, Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Tú 7 năm 6 tháng tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trình bày lý do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Tú thừa nhận, có nhận tiền của Quỳnh để lo cho anh này không bị đi tù. Nhưng sau khi nhận tiền, Tú không làm gì giúp anh Quỳnh như đã hứa. “Trước khi bị tố cáo, bị cáo đã trả lại cho anh Quỳnh 1 viên đá màu xanh ngọc và hai bên thỏa thuận trị giá 300 triệu đồng. Còn số tiền 743 triệu đồng, bị cáo chiếm đoạt”, Tú khai. 

HĐXX phúc thẩm xác định, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án xác định, từ tháng 6 đến tháng 7/2017, bị cáo Tú đã nhận của anh Quỳnh số tiền hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, bản án sơ thẩm không xem xét toàn bộ số tiền bị cáo đã nhận là hơn 1 tỷ đồng, mà chỉ xem xét hành vi chiếm đoạt của bị cáo đối với số tiền còn lại là 743 triệu đồng đã là có lợi cho bị cáo. 

Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo cũng không xuất trình được tài liệu gì mới để HĐXX phúc thẩm có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt. Với phán quyết trên, HĐXX phúc thẩm quyết định bác kháng cáo của bị cáo Quỳnh. Như vậy, bị cáo Quỳnh vẫn phải chấp hành hình phạt như bản án sơ thẩm đã tuyên phạt.

Nguyễn Hưng
.
.
.