Khá Bảnh trốn thuế như thế nào?

Thứ Sáu, 05/04/2019, 16:31
Tại buổi họp báo của Bộ Tài chính diễn ra chiều 5-4, nhiều vấn đề nóng được báo chí quan tâm, đặc biệt nghi án trốn thuế của đối tượng Ngô Bá Khá (Khá Bảnh) được các phóng viên chất vấn tới cơ quan Thuế.


Ngày 3-4, Khá Bảnh cùng 4 đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc. Theo một lãnh đạo công an Từ Sơn, Bắc Ninh, cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng làm rõ các tội danh khác của Ngô Bá Khá, trong đó có hành vi trốn thuế.

Theo lời khai của Khá Bảnh thì đối tượng này bắt đầu đăng tải các clip trên kênh YouTube từ năm 2017. Do có lượng truy cập và tương tác cao, nên vài tháng trở lại đâu, Khá được Google trả tiền cho những video đăng trên YouTube. Mấy tháng đầu được 7000 – 8000 USD/tháng.


Tháng cao nhất được trả lên tới 19.500 USD (gần 500 triệu đồng). Trước nguồn thu nhập “khủng” của Ngô Bá Khá từ Youtube, Chi cục Thuế Từ Sơn cho hay, Khá Bảnh không kê khai, đóng thuế trên địa bàn. Theo quy định, việc kiếm tiền như Khá bảnh từ nguồn thu nước ngoài (tức Google) sẽ phải đóng thuế trước cho cơ quan chức năng.

Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh thông tin này, ông Đặng Ngọc Minh Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết theo quy định, Thuế thu nhập cá nhân do các cá nhân có thu nhập chịu trách nhiệm kê khai, các tổ chức chi trả thu nhập cho các cá nhân có trách nhiệm khấu trừ

Với trường hợp của Ngô Bá Khá trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong hồ sơ của cơ quan thuế, chưa có đăng  ký kê khai mã số thuế Thu nhập cá nhân. Khi nắm thông tin Khá Bảnh có thu nhập từ YouTube, được nhận thu nhập qua việc đăng tải các clip này, cơ quan công an đang điều tra. Việc xác định Khá có thu nhập hay không thuộc trách nhiệm cơ quan điều tra, còn về phía cơ quan thuế chưa có thông tin đăng ký thu nhập của Khá Bảnh.

Thông tin thêm, ông Minh cho biết trong thời gian vừa rồi, cơ quan thuế có nhiều biện pháp tăng cường quản lý kinh doanh qua mạng, từ 2017 ngành thuế có văn bản chỉ đạo các địa phương tuyên truyền về nghĩa vụ đăng ký kê khai các cá nhân có hoạt động kinh doanh qua mạng.

Ví dụ tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, các cục thuế này đã tuyên truyền tới các YouTuber, nhiều người đã đến đăng ký tự nguyện nộp thuế, đồng thời, ngành thuế có lực lượng tra cứu các hoạt động kinh doanh mạng, và khi phát hiện có thu nhập, ngành thuế đã kiểm tra tại chỗ, tăng cường thực hiện nghĩa vụ thuế. 

“Với trường hợp cụ thể như Khá Bảnh, nếu thu nhập này thông qua hình thức quảng cáo, thì trách nhiệm chi trả thuế cho các thu nhập này là của các đơn vị; nếu là các doanh nghiệp trong nước thì họ sẽ khấu trừ thuế.

Song hiện nay, nếu nói về việc đăng ký kinh doanh, thì chưa có quy định nào cho phép việc thực hiện đăng tải trên các kênh YouTube này một cách chính thức, mà đây là họ đăng ký thông qua Google và các kênh mạng của nước ngoài.

Gần đây, theo quy định của Chính phủ, đã truyền thông theo hướng tăng cường siết chặt các quy định về đăng tải các video. Trong thời gian tới, ngành thuế tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với các cơ quan thuế các nước, đặc biệt là trong việc sử đổi luật quản lý Thuế, chúng tôi cũng đã đặt ra những yêu cầu mới như trao đổi thông tin, đặc biệt là phía ngân hàng có thông tin trao đổi về luồng tiền để quản lý.

Với trường hợp Ngô Bá Khá, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp với cơ quan công an để xác định nếu có hành vi trốn thuế sẽ bị xử lý theo pháp luật”, ông Minh khẳng định.

Lệ Thúy
.
.
.