Giám đốc Công ty Cổ phần MGA Việt Nam làm giả quyết định giao đất của UBND tỉnh

Thứ Tư, 08/05/2019, 10:16

Trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Lê Văn Tiền, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, qua làm việc, ông Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần MGA Việt Nam (gọi tắt là Công ty MGA Việt Nam), chủ đầu tư dự án du lịch cáp treo Núi Sam (phường Núi Sam, TP Châu Đốc, An Giang) đã thừa nhận hành vi làm giả quyết định của UBND tỉnh An Giang về việc giao 16.000m2 đất trên đỉnh núi cho công ty thực hiện dự án.


Theo hồ sơ vụ việc mà PV Báo CAND có được, vào ngày 21-3-2018, ông Nguyễn Phi Tiến – Giám đốc Công ty Cổ phần MGA Việt Nam (gọi tắt Công ty MGA Việt Nam), chủ đầu tư dự án Khu du lịch Bà Chúa Xứ - Cáp treo Núi Sam (phường Núi Sam, TP Châu Đốc, An Giang) gửi hình ảnh của quyết định số 29006 ngày 9-2-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh ký với nội dung giao lại 16.000 m2 đất trên đỉnh núi Sam để thực hiện dự án Khu du lịch văn hoá tâm linh Bà Chúa Xứ cáp treo núi Sam cho ông Lê Hoàng Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Núi Sam qua Zalo.

Quyết  định số 29006 do ông Nguyễn Phi Tiến làm giả của UBND tỉnh An Giang.

Ông Phương chuyển tin nhắn trên cho ông Lê Bảo Kỳ, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường TP Châu Đốc. Ông Kỳ tiếp tục chuyển tin nhắn cho ông Trần Thanh Tùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang) để hỏi ông Tùng có tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định số 29006 không? Ông Tùng trả lời Sở Tài nguyên và Môi trường không tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định trên.

Đến ngày 2-6-2018, ông Kỳ trình báo với Cơ quan CSĐT Công an TP Châu Đốc về dấu hiệu nghi vấn làm giả tài liệu, quyết định trên của Giám đốc Công ty MGA Việt Nam. Từ đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Châu Đốc đã vào cuộc điều tra, xác định: “Quyết định số 29006 ngày 9-2-2018 có hình dấu UBND tỉnh và chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh (vừa mới nghỉ hưu) là quyết định giả cho chính ông Nguyễn Phi Tiến làm ra”.

Theo như quan sát, quyết định giả phía bên trái đề dòng chữ UBND tỉnh An Giang in nghiêng. Ngoài ra phía bên trái quyết định không đề cập đến các nơi gửi đến như quy định của các văn bản thường thấy. Trong quá trình điều tra, ông Tiến khai mục đích tạo ra quyết định giả là để “khè” lãnh đạo phường Núi Sam.

Khu du lịch do Công ty Cổ phần MGA Việt Nam đầu tư - nơi ông Nguyễn Phi Tiến làm giả quyết định của UBND tỉnh An Giang.

Theo kết quả điều tra của Công an TP Châu Đốc, ông Tiến dùng máy tính bàn và điện thoại di động có kết nối internet, tự soạn thảo nội dung quyết định dựa trên quyết định số 2906 ngày 2-10-2017 của UBND tỉnh An Giang. Sau đó, dùng kỹ thuật photoshop sao chụp hình dấu UBND tỉnh và chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh trên quyết định số 2906 sang quyết định số 29006.

Cơ quan điều tra cho biết, ông Tiến khai mục đích là nhằm xả stress. Đồng thời, cũng chưa phát hiện ông Tiến dùng quyết định giả này để thực hiện hành vi trái pháp luật khác. Mặc dù hành vi của ông Tiến có dấu hiệu của tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, Công an TP Châu Đốc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là có căn cứ. "Việc ông Nguyễn Phi Tiến tạo ra quyết định số 29006 giả của UBND tỉnh An Giang đã ít nhiều gây ảnh hướng đến uy tín của UBND tỉnh An Giang và uy tín cá nhân ông Vương Bình Thạnh (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) nên cần phải xử lý hành chính để cảnh cáo, răng đe, không tiếp tục tái phạm. Do vậy mức phạt đưa ra là 2,5 triệu đồng" - Đại tá Lê Văn Tiền, thông tin.

Trao đổi với PV về sự việc này, ông Nguyễn Bảo Trung - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh An Giang cho biết: “Ông Nguyễn Phi Tiến đã thừa nhận hành vi làm giả quyết định trên của UBND tỉnh, nhưng xin kiểm điểm rút kinh nghiệm, không xử lý trách nhiệm hình sự (!)”.

Xung quanh vấn đề trên, luật sư Hà Thị Hồng Quyên, Văn phòng Luật sư Trần Thành, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh khẳng định, hành vi trên của ông Nguyễn Phi Tiến đã hoàn thành, đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm nên không thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sư Quyên cho biết thêm, người làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức dù có sử dụng hay không cũng đều phạm tội. “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”, luật sư Hồng Quyên cho biết.

Trước đó, như Báo CAND đã có loạt bài viết phản ánh, vào đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm Mậu Tuất 2018, Công ty MGA Việt Nam đã bị các cơ quan chức năng phát hiện việc xây dựng trái phép một tượng bà Chúa Xứ ngay trên đỉnh Núi Sam. Tượng được thi công bằng vật liệu composit với chiều cao hơn 20m, rộng 4-5m trên đỉnh núi, nơi đặt ga đến của tuyến cáp treo Núi Sam do Công ty MGA Việt Nam làm chủ đầu tư. 

Tuy nhiên, việc xây dựng tượng bà Chúa Xứ vào thời điểm trên là trái pháp luật vì chưa được cơ quan chức năng tỉnh An Giang cấp phép xây dựng. Sau đó, UBND TP Châu Đốc, Sở Xây dựng tỉnh An Giang đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và buộc Công ty MGA Việt Nam phải tháo dỡ tượng xây dựng trái quy định… 

Các thùng công đức mà Công ty MGA Việt Nam tự ý đặt để quyên góp tiền du khách thập phương dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Tiếp đó, ngày 7-2-2019, khách du lịch đến tham quan tại khu vực Núi Sam đã vô cùng bức xúc trước việc Công ty Cổ phần MGA Việt Nam – đơn vị đầu tư Khu du lịch Văn hoá tâm linh Bà Chúa Xứ tại phường Núi Sam (TP Châu Đốc, An Giang) tăng giá vé tham quan từ 10.000 lên 90.000 đồng/lượt. Bên cạnh đó, Công ty MGA Việt Nam còn tự ý đặt 12 thùng công đức tại các điện, đền trong khu du lịch. Chưa dừng lai, một số hạng mục công trình như sân khấu biểu diễn ca nhạc, nhà vệ sinh… không có giấy phép xây dựng vẫn đưa vào khai thác, hoạt động, bán vé tham quan trong khi một số hạng mục vẫn đang thi công đặt âm thanh, ánh sáng. 




Trần Lĩnh
.
.
.