Đề phòng trộm, bắt trộm thế nào cho đúng pháp luật?

Thứ Năm, 14/12/2017, 09:15
Thời gian qua, xảy ra một số vụ việc vì phòng trộm cắp hoặc bắt trộm cắp mà từ “bị hại” trở thành “bị can”. Cũng có người hoang mang không biết sẽ ứng xử ra sao để bảo vệ tài sản của mình, hoặc để ứng phó khi kẻ trộm đột nhập vào nhà. Bài viết dưới đây sẽ lý giải phần nào thắc mắc đó.


Mới đây, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội “Giết người” đối với ông Lê Minh Phương, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Trước đó, Nguyễn Đăng Tùng, 15 tuổi, cùng trú tại phường Tây Tựu đã đột nhập vào cửa hàng bán hàng tạp hóa của ông Phương với mục đích trộm cắp tài sản. 

Khi phát hiện có người đột nhập vào nhà mình, ông Phương sử dụng thanh kiếm chém liên tiếp vào người Tùng, làm Tùng bị vỡ xương đỉnh, tụ máu trong não, đứt gân cơ, lộ xương khuỷu tay… tỷ lệ tổn hại sức khỏe tạm thời là 61%.  

Khi báo chí thông tin việc ông Phương bị khởi tố về tội danh nêu trên, có nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội; người thì lên án hành động của ông Phương đối với một thiếu niên như Tùng; nhưng cũng có ý kiến tỏ ra băn khoăn không biết sẽ hành động thế nào khi phát hiện kẻ trộm đột nhập vào nhà mình?

Một bị cáo đánh chết trộm bị TAND TP Hà Nội xét xử (ảnh minh họa).

Điều 22, Hiến pháp năm 2013 qui định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”. 

Pháp luật cũng qui định bất cứ người dân nào khi phát hiện phạm tội quả tang đều có quyền bắt giữ, giao cho cơ quan Công an xử lý. Việc Tùng đột nhập vào nhà ông Phương với mục đích trộm cắp là vi phạm pháp luật. 

Tuy nhiên, Điều 20, Hiến pháp năm 2013 cũng qui định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. 

Như vậy, trong trường hợp này, ông Phương có quyền bắt giữ Tùng, giao cho Công an xử lý, không được xâm phạm đến thân thể của Tùng. Trong trường hợp kẻ trộm kháng cự, hành hung để tẩu thoát; hoặc ngay từ đầu chủ động dùng hung khí nguy hiểm tấn công, đe dọa đến tính mạng của những thành viên trong gia đình thì pháp luật cho phép sử dụng biện pháp phòng vệ chính đáng để ngăn chặn hành vi nguy hiểm. Nhưng những biện pháp phòng vệ phải là cần thiết.

Thực tế cho thấy, tình trạng người dân “tự xử” khi bắt được đối tượng trộm cắp xảy ra khá nhiều, như vụ đối tượng trộm chó ở xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bị người dân quây bắt, đánh đập. Khi đó, Công an xã, Công an huyện đã kịp thời có mặt tại hiện trường, đưa đối tượng trộm cắp về trụ sở Công an giải quyết. Nếu không, rất có thể, đối tượng trộm chó sẽ bị người dân bức xúc tấn công dẫn đến hậu quả xấu.

Như trên đã phân tích, một người chỉ bị coi là có tội khi bị Tòa án xét xử và bị trừng trị bởi pháp luật của Nhà nước. Việc người dân “tự xử” kẻ trộm là đi ngược lại nền văn minh loài người, coi thường pháp luật, coi thường danh dự, sức khỏe, tính mạng người khác. Xét về góc độ con người với con người, kẻ trộm cắp cũng có gia đình, có bố mẹ, có vợ chồng, con cái, chúng ta không thể tước đoạt sức khỏe, cuộc sống của họ. Ngay cả khi họ có tội, bị pháp luật trừng trị, cũng phải tính đến tính giáo dục, răn đe; nhưng cũng đảm bảo cho họ có điều kiện cải tạo, làm lại cuộc đời.

Một vụ việc khác, là trường hợp của ông Nguyễn Văn Hoàn, 61 tuổi, ở tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Để đề phòng kẻ gian, ông Hoàn đã giăng dây điện trần 220v ra giàn mướp trước cổng nhà mình. Trong trường hợp này, ông Hoàn biết rõ nếu ai vướng phải dây điện sẽ bị điện giật chết, nhưng vẫn cố tình giăng dây điện, bỏ mặc hậu quả xảy ra. Vì vậy, ông Hoàn bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi “Giết người”.

Qua những vụ việc dẫn chứng nêu trên cho thấy, việc phòng trộm, bắt đối tượng trộm cắp tài sản là cần thiết. Tuy nhiên, người dân cũng cần tìm hiểu về pháp luật để nắm bắt được giới hạn, kịp thời xử trí trong từng tình huống cụ thể; không nên “tự xử” dẫn tới những hậu quả xấu như một số vụ việc nêu trên.

Đào Minh Khoa
.
.
.