Diễn biến ngày thứ 2 xét xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng trong vụ PVN

Thứ Ba, 08/05/2018, 16:50
Ngày 8-5, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục điều hành phiên toà hình sự phúc thẩm xét xử ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các bị cáo khác. 

Trong ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử thẩm vấn một số bị cáo từng là cấp dưới của ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và hành vi tham ô tài sản.

Bị cáo Nguyễn Anh Minh, cựu Phó Tổng Giám đốc PVC xin nhận tội thay cho các bị cáo là cấp dưới của mình ở Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch. 

Bị cáo Minh cho biết, bị cáo chỉ là người thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên là Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, cựu Tổng Giám đốc PVC. Vì thế hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo quá nặng. 

Bị cáo Nguyễn Anh Minh.

Bị cáo Minh phân trần, bị cáo không muốn lời khai của mình làm tăng nặng trách nhiệm cho các bị cáo từng là cấp trên mình. Nhưng bị cáo nghĩ, nguyên nhân gây ra vụ án tham ô tài sản thì trách nhiệm của cấp trên phải cao hơn cấp dưới, vì nếu cấp trên không chỉ đạo thì cấp dưới sao dám tự ý thực hiện.

Bị cáo mong muốn Hội đồng xét xử phúc thẩm nhìn nhận vấn đề này để xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. “Việc bị cáo chỉ đạo anh em cấp dưới gây ra hành vi rất nghiêm trọng trong vụ án này, bị cáo xin nhận trách nhiệm cho các anh em”, bị cáo Minh nói. 

Bản án sơ thẩm xác định, theo đạo của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, bị cáo Nguyễn Anh Minh đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ rút trên 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. 

Với phán quyết này, bị cáo Minh phạt bị phạt 16 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Trả lời Hội đồng xét xử về việc rút tiền Nhà nước để ăn chia, bị cáo Lương Văn Hòa, cựu Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng- Quảng Trạch thuộc PVC thừa đã lập 4 hạng mục khống, rút trên 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. 

Trong đó, Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng và cá nhân Hòa giữ lại hơn 700 triệu đồng. 

Đến lượt mình khai báo trước tòa, bị cáo Vũ Đức Thuận cho biết, chủ trương chuyển tiền từ Ban quản lý dự án lên PVC là của Trịnh Xuân Thanh. Những người khác là cấp dưới của Trịnh Xuân Thanh và cũng là bị cáo trong vụ án này có thể không nắm rõ hết nên có lời khai chưa chính xác. 

Bị cáo Thuận phủ nhận nhiều lời khai của các bị cáo từng là cấp dưới của mình. Trong đó, bị cáo Thuận cho rằng, mình không được báo cáo về hai hợp đồng khống vì theo quy chế thì Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng công việc được phân cấp, phân quyền rõ ràng sẽ ký hợp đồng mà không phải báo cáo Tổng Giám đốc. 

Khi Hội đồng xét xử nhắc lại đề nghị của bị cáo Nguyễn Anh Minh về “trách nhiệm của người chỉ đạo phải cao hơn người thực hiện”, bị cáo Thuận chối rằng, mình chưa bao giờ chỉ đạo trực tiếp bị cáo Minh. Việc lập hồ sơ khống là do bị cáo Minh trực tiếp chỉ đạo bị cáo Lương Văn Hòa. 

Bị cáo Vũ Đức Thuận.

Giải thích về lý do xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Thuận cho rằng, với trách nhiệm là Tổng Giám đốc PVC, bị cáo là đại diện cho pháp nhân nên được Hội đồng quản trị giao ký hợp đồng, nhận tiền tạm ứng để trả nợ ngân hàng và góp vốn vào các công ty thành viên, chứ bản thân bị cáo không được hưởng lợi gì.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Thuận bị tuyên phạt 22 năm tù về hai tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản. 

Sau phiên toà sơ thẩm, bị cáo Thuận làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đối với cả hai tội và giảm trách nhiệm dân sự với lý do, bị cáo thấy Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo như vậy là rất nặng cả về hình sự và trách nhiệm dân sự.

Trình bày trước Hội đồng xét xử phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, cựu Phó TGĐ PVN rút kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự vì muốn chấp hành pháp luật. Và đến nay, gia đình bị cáo Khánh đã khắc phục được 6 tỷ đồng. 

Về nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, bị cáo Khánh cho biết, mình bị cấp trên thúc ép về tiến độ nên dù biết hợp đồng chưa đủ điều kiện nhưng vẫn đôn đốc ký. Được triệu tập đến tòa với tư cách người làm chứng, bị án Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN khai, dù Hợp đồng số 33 chưa đủ các điều kiện nhưng vẫn được ký vì tiến độ gấp rút. 

Theo lời khai của Nguyễn Xuân Sơn “Khi ông Nguyễn Quốc Khánh và ông Đinh La Thăng làm việc với nhau có gọi tôi lên. Tôi nghe ông Thăng chỉ đạo ông Khánh phải đẩy nhanh tiến độ vì đây là công trình trọng điểm quốc gia”. 

Một số bị cáo khác được thẩm vấn tiếp theo cũng đều đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét và giảm nhẹ trách nhiệm cho mình cả phần hình sự lẫn dân sự. Lý do các bị cáo đưa ra là, phạm tội do bị cấp trên chỉ đạo phải thực hiện chứ họ không nắm rõ nội dung Hợp đồng số 33 và đã tích cực khắc phục hậu quả khi vụ án xảy ra.

Theo bản án sơ thẩm, do không có năng lực thi công nên Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chậm 18 tháng so với tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc chậm tiến độ làm đội vốn công trình hàng nghìn tỷ đồng, lãi phát sinh đối với các khoản vay trong và ngoài nước mà hiện nay Nhà nước đang phải trả. 

Nhiều máy móc, thiết bị đắp chiếu đã hết thời hạn bảo hành khi nhà máy chưa vận hành. Những tổn thất này chưa thể thống kê hết trong giai đoạn điều tra và sẽ tiếp tục phát sinh sau vụ án. 

Sau khi ký Hợp đồng EPC số 33 và Hợp đồng EPC số 4194, dưới áp lực của ông Đinh La Thăng giao, PVC đã được tạm ứng số tiền hơn 6.607 USD và hơn 1.312 tỷ đồng. PVC đã dùng số tiền hơn 1.115 tỷ đồng không đúng mục đích.

Nguyễn Hưng
.
.
.