Xử lý dứt điểm việc khai thác khoáng sản trái phép ở hồ Biển Lạc và sông La Ngà

Thứ Bảy, 09/09/2023, 12:35

Khi nước hồ Biển Lạc và sông La Ngà lên cao, các đối tượng khai thác cát trái phép bắt đầu có dấu hiệu hoạt động trở lại. Trước tình hình đó, cuối tháng 8/2023, gần 100 cán bộ chiến sĩ Công an 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh (Bình Thuận) cùng với 150 cán bộ của UBND huyện, Ban chỉ huy Quân sự  2 huyện cùng nhiều phương tiện đồng loạt ra quân xử lý.

Sáng 9/9, ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh (Bình Thuận) cho biết, sau một thời gian diễn ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại hồ Biển Lạc thuộc 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh khiến nhiều người dân bức xúc; sau nhiều ngày ra quân, lực lượng chức năng 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh đã tổ chức lai dắt, vận động xử lý 27 tàu có dấu hiệu vi phạm khai thác khoáng sản trái pháp luật.

Xử lý dứt điểm việc khai thác khoáng sản trái trái phép ở hồ Biển Lạc -0
Công an huyện Tánh Linh đưa các phương tiện vi phạm ra khỏi hồ Biển Lạc.

Hồ Biển Lạc là hồ tự nhiên có từ lâu đời, nối với sông La Ngà qua suối Loăng Quăng. Hồ Biển Lạc có diện tích lưu vực khoảng 205 km2; mùa khô diện tích ngập ứng với mực nước thấp nhất khoảng 436 ha; mùa mưa ngập với diện tích khoảng 1.659 ha ứng với cao trình mực nước lũ lớn nhất +113.79 m (theo số liệu điều tra mực nước lũ năm 1994 là +113.7m).

Xử lý dứt điểm việc khai thác khoáng sản trái trái phép ở hồ Biển Lạc -0
Một tàu hút cát trái phép được di chuyển ra khỏi hồ Biển Lạc và đưa lên bờ để tạm giữ.

Hồ Biển Lạc rộng nhưng không sâu, có vùng bán ngập lớn khoảng trên 1.000 ha; người dân 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh sử dụng vùng bán ngập để canh tác sản xuất nông nghiệp như: trồng lúa, hoa màu… trong mùa khô và sử dụng khu vực lòng hồ để nuôi trồng, khai thác thủy sản. Các hoạt động này là nguồn thu nhập chính của người dân xã Gia An sinh sống từ lâu đời; trong đó, hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản hàng năm được UBND xã Gia An tổ chức đấu thầu.

Xử lý dứt điểm việc khai thác khoáng sản trái trái phép ở hồ Biển Lạc -0
Một chủ tàu tự nguyện cắt đôi phần thân tàu sau khi khai thác cát trái phép đoạn hồ Biển Lạc và sông La Ngà.

Về mùa khô, khi nước rút các khu vực bán ngập được nhân dân be bờ, sản xuất nông nghiệp với diện tích trên 500 ha. Theo quy hoạch sử dụng đất, các khu vực này được quy hoạch là đất 1 vụ lúa.

Trong vùng bán ngập, trước đây có quy hoạch diện tích khoảng 230 ha khai thác đất sét sản xuất gạch ngói, cát xây dựng. Từ năm 1983 người dân đã bắt đầu khai thác sét phục vụ cho việc sản xuất gạch ngói thủ công. Từ năm 1990 đến nay khu vực này tiếp tục được cấp phép khai thác sét cho 36 tổ chức, cá nhân, hợp tác xã nhằm phục vụ cho các cơ sở sản xuất gạch ngói tại huyện Tánh Linh và Đức Linh.

Ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho biết, trong lòng hồ Biển Lạc và khu vực sông La Ngà giáp ranh giữa 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh, trước đây có xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. "Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận về xử lý tình hình khai thác cát trái phép tại địa điểm nói trên, UBND huyện Tánh Linh đã phối hợp với UBND huyện Đức Linh đã xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý phương tiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép", ông Bắc cho biết thêm.

Xử lý dứt điểm việc khai thác khoáng sản trái trái phép ở hồ Biển Lạc -0
Các phương tiện vi phạm lần lượt được lai dắt ra khỏi hồ Biển Lạc nhằm chấm dứt tình trang khai thác khoáng sản trái phép tại đây.

Từ đầu tháng 6/2023, khi nước sông La Ngà, hồ Biển Lạc lên cao, các đối tượng khai thác cát trái phép bắt đầu có dấu hiệu hoạt động trở lại.

Trước tình hình đó, cuối tháng 8/2023, gần 100 cán bộ chiến sĩ Công an 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh cùng với 150 cán bộ của UBND huyện, Ban chỉ huy Quân sự 2 huyện cùng nhiều phương tiện đồng loạt ra quân xử lý. Sau 5 ngày đồng loạt ra quân, lực lượng chức năng đã tổ chức lai dắt, vận động xử lý 27 tàu của công dân xã Gia An đang neo đậu tại khu vực hồ Biển Lạc và sông La Ngà thuộc địa phận huyện Tánh Linh và Đức Linh.

Trong đó, khu vực hồ Biển Lạc có 18 tàu, khu vực sông La Ngà 9 tàu. Hiện, các tàu này đã đưa ra khỏi khu vực hồ Biển Lạc, sông La Ngà và đưa về các bãi tạm giữ giao UBND xã Gia An (huyện Tánh Linh) giám sát. Đồng thời, chờ cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Xử lý dứt điểm việc khai thác khoáng sản trái trái phép ở hồ Biển Lạc -0
Tiếp tục theo dõi việc khai thác khoáng sản trái phép qua hệ thống camera an ninh.

Hiện, UBND huyện Tánh Linh giao UBND xã Gia An mời các chủ tàu vi phạm làm việc cho ký cam kết, yêu cầu chủ tàu tự tháo gỡ tất cả máy móc thiết bị có giá trị như: máy bơm hút cát, máy chạy tàu, bình ắc quy, ống dây có gắn đầu hút cát,…. để đem về tự bảo quản, quản lý. Nếu tự ý vận chuyển tàu đến các khu vực có cát với mục đích lén lút hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thì bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đồng thời bị điều tra, xem xét truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định.

Ông Đào Văn H. (một người dân trú tại xã Gia An, huyện Tánh Linh) phấn khởi, việc lực lượng chức năng 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh ra quân xử lý dứt điểm các tàu khai thác khoáng sản trái phép trên hồ Biển Lạc và sông La Ngà đã khiến người dân rất yên tâm nuôi trồng thủy sản trên các khu vực này”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, về định hướng đầu tư hồ thủy lợi Biển Lạc, tại Thông báo số 554-TB/VPTU ngày 27/7/2023, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo huyện ủy Tánh Linh và huyện ủy Đức Linh phối hợp tổ chức khảo sát, đánh giá tổng thể, thống nhất đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương, định hướng quy hoạch, phát triển khu vực hồ Biển Lạc trong quý IV/2023.

Đồng thời, UBND tỉnh đã giao Sở TN-MT, Sở NN-PTNT phối hợp cùng UBND các huyện Tánh Linh và Đức Linh rà soát diện tích đất trong lòng hồ, đề xuất phương án tích nước để báo cáo UBND tỉnh. Dự kiến giai đoạn sau 2025 sẽ triển khai công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư hồ thuỷ lợi Biển Lạc, cùng các công trình kênh chuyển nước để cung cấp nước cho thị xã La Gi và huyện Hàm Tân phù hợp với quy hoạch phát triển thuỷ lợi khu vực phía Nam của tỉnh.

Hải Lan
.
.
.