Thông tin về việc người dân khai thác những cây sưa hàng trăm năm tuổi tại Quảng Nam

Thứ Ba, 02/11/2021, 07:51

Mấy ngày nay, dư luận tại xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam xôn xao về việc một người dân địa phương đã khai thác nhiều cây sưa vườn (giáng hương quả to) hàng trăm năm tuổi tại thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc. Vậy thực hư sự việc này như thế nào?

Qua tìm hiểu của PV Báo CAND, số cây sưa vườn này do ông Nguyễn Văn Quang (SN 1977, trú thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc) khai thác. Theo trình bày của ông Quang với Kiểm lâm địa bàn xã Tam Lộc và cơ quan chức năng xã, ông có 15 cây sưa vườn do ông bà của ông trồng trước đây để lại trên rừng Ma Phan thuộc địa bàn xã Tam Lộc.

Số cây sưa này nằm trong diện tích đất lâm nghiệp của gia đình ông Quang được UBND thị xã Tam Kỳ (cũ) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) vào ngày 9/3/2004 với diện tích 54.290m2, mục đích để xây dựng trang trại; thời hạn sử dụng đến năm 2054 (Tờ bản đồ số 07, số thửa 837).

Thông tin mới nhất về việc khai thác những cây sưa hàng trăm năm tuổi tại Quảng Nam -0
Số gỗ sưa còn lại tại hiện trường trong khu vực trang trại của ông Quang.

Kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng xác định ông Quang đã khai thác 3 cây sưa vườn, trong đó có 1 cây đã cắt thành 4 lóng. Sau khi xem xét, Kiểm lâm địa bàn xã Tam Lộc đã hướng dẫn cho ông Quang làm thủ tục khai thác, vận chuyển theo quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

Tiếp đó, ông Quang khai thác thêm 5 cây sưa, nâng tổng số cây sưa đã khai thác thành 8 cây. Hiện nay, một số cây còn tại hiện trường chưa vận chuyển hết khỏi trang trại.

Đến ngày 26/10, sau các buổi làm việc của UBND huyện Phú Ninh và UBND xã Tam Lộc (để nghe UBND xã Tam Lộc báo cáo việc khai thác cây sưa của ông Quang), Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam tổ chức cuộc họp, kết luận giao Trạm Kiểm lâm Phú Ninh và Kiểm lâm địa bàn xã Tam Lộc tạm dừng việc khai thác cây sưa, giao ông Quang quản lý gỗ sưa đã khai thác để Hạt Kiểm lâm làm việc với cơ quan liên quan và UBND xã Tam Lộc xử lý việc khai thác những cây sưa này.

Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam, việc khai thác những cây sưa này mặc dù có GCNQSDĐ năm 2004 nhưng trong sơ đồ không có tọa độ thể hiện trên Giấy chứng nhận để xác định vị trí nên Kiểm lâm địa bàn chủ quan, xác định nguồn gốc toàn bộ số cây sưa nằm trong khu vực đã được cấp GCNQSDĐ và không có ai tranh chấp. Do đó, Kiểm lâm địa bàn xã Tam Lộc đã hướng dẫn cho ông Quang khai thác theo quy định của Nhà nước.

Ông Đặng Ích Phúc, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh khẳng định, số cây sưa tại thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc không nằm trong diện tích quản lý của đơn vị này. Còn ông Huỳnh Xuân Chính, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, đã giao các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với lực lượng Kiểm lâm rà soát lại vị trí các cây sưa tại thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc có nằm trong phần diện tích đã cấp GCNQSDĐ của ông Nguyễn Văn Quang hay không rồi mới đưa ra hướng xử lý tiếp theo.

Ngọc Thi
.
.
.