Nhiều khu tái định cư cao tốc Bắc - Nam ì ạch về đích

Thứ Sáu, 24/11/2023, 07:21

Mặc dù được đồng loạt triển khai xây dựng hạ tầng từ tháng 4/2023, với thời hạn từ 90 - 120 ngày sẽ hoàn thiện, song đến nay phần lớn các khu tái định cư (TĐC) phục vụ Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa thể về đích. Nhiều dự án chủ đầu tư buộc phải xin gia hạn, lùi thời gian đến cuối năm để hoàn thiện.

Khu tái định cư (TĐC) phục vụ Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua thôn Thịnh Lộc, xã Sơn Lộc là một trong 5 khu TĐC trên địa bàn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) được lựa chọn, phê duyệt để người dân có đất đai, nhà cửa, tài sản bị ảnh hưởng, nằm trong diện phải di dời để phục vụ công trình Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Dự án được triển khai xây dựng từ tháng 4/2023 và dự kiến trong thời gian 90 ngày sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật gồm san nền, hệ thống mương thoát nước, nền đường, giếng nước và điện chiếu sáng để bàn giao cho các hộ dân xây dựng nhà ở. Theo hồ sơ được phê duyệt, khu TĐC tại xã Sơn Lộc được quy hoạch 11 lô đất ở, diện tích 250m2/lô. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nghĩa là đã quá thời hạn hơn 3 tháng, dự án này vẫn đang còn dang dở, chỉ mới thi công được khoảng 50m mương thoát nước, hệ thống cột điện và lát nền phía trước nên chưa thể bàn giao để cho người dân tiến hành xây dựng nhà ở. Đồng nghĩa với việc, các đơn vị thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi vẫn chưa có mặt bằng sạch để thi công, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ chung của toàn dự án.

2.jpg -0
Người dân tiến hành xây dựng nhà cửa tại khu tái định cư xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc.

Liên quan đến dự án này, ngày 4/8/2023, UBND huyện Can Lộc có công văn xin điều chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng của dự án. Theo lý giải của chủ đầu tư, khi tính toán áp giá đền bù chênh lệch, tiền người dân phải đóng thêm lớn hơn so với tiền đất được bồi thường khoảng 280 triệu đồng/lô. Nguyên nhân do các lô đất bị thu hồi có diện tích chỉ khoảng 200m2/lô, do không đủ kinh phí đóng thêm nên các hộ dân kiến nghị giảm diện tích các lô đất tái định cư xuống 200m2. Để sớm có mặt bằng bàn giao cho Ban quản lý dự án Thăng Long thực hiện đảm bảo tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, huyện Can Lộc xin phép điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất khu TĐC tại xã Sơn Lộc các lô đất từ 250m2/lô xuống 200m2/lô.

Ngoài lý do trên, khi UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu giải trình thêm, ngày 12/10/2023, huyện Can Lộc tiếp tục có văn bản, cho rằng ngoài việc giảm diện tích các lô đất tái định cư xuống bằng với diện tích đất ở của các hộ bị thu hồi GPMB để đảm bảo kinh phí xây dựng nhà ở cho người dân, huyện Can Lộc cho rằng, phần đất xây dựng mái taluy để bảo vệ kết cấu mương thoát nước theo quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận trước đó chưa đáp ứng, nên cần phải tăng thêm 5m đất phía sau để xây dựng mái taluy đảm bảo tính ổn định cho mương thoát nước và trồng cây xanh ngăn cách khu vực sản xuất nông nghiệp đến khu TĐC, nên buộc phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất chung, giảm diện tích các lô đất ở để tăng diện tích đất công cộng. 

Tương tự, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn có tổng chiều dài là 30,5km, đi qua địa bàn 8 xã, ảnh hưởng đến 2.318 hộ dân phải GPMB. Để thực hiện dự án, từ tháng 6/2023, huyện Cẩm Xuyên đã xây dựng 8 khu tái định cư để di dời hơn 150 hộ dân đến nơi ở mới, thời gian thực hiện việc xây dựng hạ tầng là 3 tháng. Đến nay, sau hơn 5 tháng triển khai xây dựng, tại các khu TĐC phục phụ di dời để thi công đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Cẩm Xuyên, phần lớn đang còn ngổn ngang, dang dở.

Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, đến thời điểm hiện nay tiến độ chung của các khu TĐC trên địa bàn huyện đạt khoảng 86%. Trong đó,  có một số dự án đã cơ bản hoàn thiện như khu TĐC Lạc Thọ tại xã Cẩm Lạc; khu TĐC Thống Nhất tại xã Cẩm Duệ; khu TĐC Hòa Sơn tại xã Cẩm Thịnh… Vừa qua, huyện Cẩm Xuyên cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xin gia hạn thời gian hoàn thiện các dự án khu TĐC phục vụ cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn huyện này đến ngày 31/12/2023.

Lý do của việc không hoàn thành đúng tiến độ, ông Phạm Hoàng Anh cho biết, ngoài yếu tố thời tiết mùa này ở miền Trung không thuận lợi, tại các dự án TĐC này chủ đầu tư tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình vừa làm hạ tầng, vừa để nhân dân tiến hành xây dựng nhà cửa nên ít nhiều làm giãn tiến độ thi công hạ tầng của dự án. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra thuận lợi là người dân đã đồng thuận, tự nguyện bàn giao mặt bằng sớm để các nhà thầu có mặt bằng sạch để triển khai thi công cao tốc Bắc - Nam.

Được biết, để có mặt bằng phục vụ cho việc thi công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với tổng chiều dài 102,38km cùng 3 tuyến song hành, kết nối cao tốc, tỉnh Hà Tĩnh cần bàn giao 902ha đất các loại. Trong gần 9.000 hộ dân bị ảnh hưởng và cất bốc hơn 1.285 ngôi mộ, có 572 hộ dân đủ điều kiện tái định cư và 801 mộ di chuyển về nghĩa trang mới. Tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt, xây dựng 28 khu TĐC và 4 khu nghĩa trang.

Tính đến ngày 20/11/2023, toàn tỉnh có 7 khu TĐC và 3 khu nghĩa trang đạt khối lượng 100%, các khu còn lại đạt khối lượng từ 67 - 99%. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành kiểm đếm, phê duyệt phương án bồi thường đạt 99,5%, bàn giao mặt bằng đạt 98,2%; một số địa phương đã hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng là huyện Đức Thọ, thị xã Kỳ Anh. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tiến độ bàn giao mặt bằng ở một số địa phương vẫn còn chậm so với mức chung của tỉnh. Trên địa bàn vẫn còn hơn 250 hộ tái định cư chưa di dời, tỉ lệ hoàn thành các khu TĐC đang còn thấp so với yêu cầu đặt ra.

Cùng với đó, tiến độ thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật lưới điện còn chậm. Cá biệt, hiện nay tại 6 huyện, thị xã trên địa bàn Hà Tĩnh có dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam chạy qua, chưa có bất cứ địa phương nào hoàn thành việc thẩm định hồ sơ di dời đường điện 220kV và 500kV tại Bộ Công Thương.

Thiên Thảo
.
.
.