Khốn khổ vì “dự án treo” gần 20 năm

Thứ Hai, 26/09/2022, 08:05

Được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận địa điểm thuê đất làm khu nghỉ dưỡng cao cấp từ năm 2004, thế nhưng đến nay Công ty CP Toàn Tích Thiện vẫn đang “giậm chân tại chỗ”, nhiều hộ dân ở đây phải “sống mòn” trên chính thửa đất của mình.

Dự án từng “chết yểu”

Theo Quyết định số 1642QĐ/UB, ngày 19/5/2004, UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi hơn 60.000m2 đất tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay là phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn) giao cho Công ty CP Toàn Tích Thiện (địa chỉ số 125 phố Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội) để xây dựng Khu nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện. Sau 3 năm dự án không triển khai, năm 2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 118/QĐ-UBND ngày 11/1/2007 thu hồi diện tích đất nêu trên giao cho UBND xã Quảng Vinh quản lý.

20220920_143633.jpg -0
Căn nhà của gia đình bà Phượng hiện phải căng bạt qua mái để che mưa, che nắng.

Năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa lần thứ hai chấp thuận cho doanh nghiệp này làm chủ đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Nam Sầm Sơn (tên thương mại Mai Trang Resort Sầm Sơn), sau đó được đổi tên thành Khu nghỉ dưỡng Toàn Tích Thiện. Tiếp đó, ngày 12/1/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 95/QĐ-UBND quy định việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tiền sử dụng đất đối với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Nam Sầm Sơn trên cơ sở đề nghị của Sở Tài chính.

Ngày 26/11/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án này. Tiếp đến, ngày 30/11/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định về việc cho thuê đất, giao đất (đợt 1) để thực hiện dự án. Theo đó, tổng diện tích đất được giao là 26.364m2, trong đó 22.540m2 cho công ty thuê đất để xây dựng khách sạn, nhà nghỉ biệt thự, nhà nghỉ gia đình, nhà lễ tân cây xanh, mặt nước, thể thao, giao thông nội bộ và 3.824m2 đất giao thông không thu tiền sử dụng đất (đất giao thông đối ngoại). Công ty đã được bàn giao đất trên thực địa ngày 8/3/2019 và được ký Hợp đồng thuê đất số 52/HĐTĐ ngày 20/3/2019 với UBND tỉnh, công ty chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo nội dung Công văn số 8770/UBND-THKH ngày 24/7/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện, thời gian khởi công xây dựng tháng 10/2018 và hoàn thành đưa dự án vào hoạt động tháng 12/2020.

Tuy nhiên, hết thời hạn được giao, chủ đầu tư này vẫn không triển khai xây dựng, hoàn thành dự án. Ngày 28/01/2021, Công ty tiếp tục gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, gia hạn thời gian đầu tư thực hiện dự án.

Ngày 16/8/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức buổi làm việc để rà soát, kiểm tra dự án. Kết quả, Công ty Toàn Tích Thiện đã san lấp mặt bằng, đang xây dựng hạ tầng đường nội bộ đối với diện tích đất đã được giao đợt 1 và xây dựng được 1 nhà cấp 4 phục vụ cho điều hành thực hiện dự án với diện tích khoảng 300m2. Tính từ ngày bàn giao đất trên thực địa đến nay, dự án đã chậm tiến độ sử dụng đất 15 tháng.

Đi không được, ở không xong

Đó là tình cảnh dở khóc, dở cười của nhiều hộ dân đang sinh sống tại khu phố Nam Bắc, phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn chịu ảnh hưởng từ dự án trên. Dù có đất nguyên thổ từ lâu đời, song nhiều hộ dân ở đây không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không được xây dựng, cơi nới nhà cửa; không được đầu tư hạ tầng an sinh xã hội...

Bà Lê Thị Phượng (SN 1965), trú tại khu phố Nam Bắc, cho biết: Gia đình bà có hơn 500m2 đất, vợ chồng bà làm nhà từ năm 1991, đến nay nhà hư hỏng xập xệ, tường bong tróc, nứt vỡ nhưng không thể sửa chữa, làm lại được, đang lợp bạt để ở... Trong khi đó, ngôi nhà này lại đang là nơi cư ngụ của 3 thế hệ và 3 cặp vợ chồng sinh sống (vợ chồng bà Phượng và vợ chồng 2 người con trai), với 7 đứa trẻ. Ông Phan Viết Toàn (SN 1964, chồng bà Phượng) đang mang trọng bệnh, khi biết chúng tôi đến ông vẫn cố gắng lên tiếng: Dự án không làm thì trả đất lại cho người dân, dân ở đây quá khổ rồi, đừng làm khổ dân nữa...

Tương tự, ông Phan Viết Khôn (SN 1957), khu phố Nam Bắc bức xúc nói: “Tôi đề nghị nhà nước nên thu hồi dự án để dân được làm “sổ đỏ” cho con cháu vay vốn làm ăn, sinh nghề sinh nghiệp. Dự án có từ khi con chúng đang còn nhỏ mà giờ các cháu đã xây dựng gia đình, có con, có cháu cả rồi. Dù có đất nhưng con cái chúng tôi không được tách thửa để làm nhà, mấy thế hệ, mấy gia đình đều phải ở chung đụng, quá bất tiện”.

Đối với một số hộ đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, về khu tái định cư của dự án, tình trạng cũng không mấy khá hơn. Đơn cử, gia đình chị Cao Thị Hồng (40 tuổi) đã về khu tái định cư, được chia đất, xây nhà ở nhưng đến nay gia đình này vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tài sản thế chấp, muốn vay vốn làm ăn, gia đình phải vay tiền lãi suất cao.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Cao Viết Hoàng, Chủ tịch UBND phường Quảng Vinh cho biết: Dự án chậm tiến độ, không chỉ người dân khổ mà chính quyền địa phương cũng vất vả vì an sinh xã hội không đảm bảo. Tại khu phố Nam Bắc, dân cư ở đây chịu ảnh hưởng của 2 dự án là Khu nghỉ dưỡng Toàn Tích Thiện và Dự án mở rộng tuyến đường 4C, các hộ dân trong vùng quy hoạch dự án không thể làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo đó, có 28 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 11 hộ dân ở mép đường 4C rơi vào quy hoạch 2 dự án. Trong 17 hộ dân còn lại, hiện đã có 11 hộ chuyển về khu tái định cư (3 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), 6 hộ chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Cao Viết Hoàng cho biết thêm, dự án khu nghỉ dưỡng Toàn Tích Thiện thuộc diện dự án nhà nước thu hồi đất, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, do việc chuyển giao phường Quảng Vinh có sự giao thoa giữa huyện Quảng Xương và TP Sầm Sơn nên hồ sơ thủ tục khá phức tạp. Cùng với đó, dự án kéo dài không triển khai nên công tác giải phóng mặt bằng càng khó, do biến động giá qua nhiều năm.

Chiều 20/9, có mặt tại vị trí dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện được giao đất, chúng tôi thấy, cả khu đất cỏ dại mọc um tùm, trên khu vực này chỉ có một ngôi nhà cấp 4 (nhà điều hành của chủ đầu tư dự án) nhưng bên trong không có người làm việc...

Trần Thắng
.
.
.