Kết quả định giá tài sản các khu đất ở Bình Thuận giao cho doanh nghiệp thấp hơn hàng nghìn tỷ đồng

Chủ Nhật, 16/10/2022, 06:09

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có các thông báo về kết luận giám định tài sản đất đai tại một số dự án tại Bình Thuận. Theo các thông báo trên thì mức định giá của Hội đồng định giá trong Tố tụng hình sự cấp Bộ cao hơn hàng nghìn tỷ đồng so với giá tiền do Hội đồng định giá tỉnh Bình Thuận đưa ra.

Sự “ưu ái” định giá thấp này đã khiến nhà nước thiệt hại số tiền rất lớn. Được biết, các dự án liên quan đến tố cáo sai phạm đất đai tại Bình Thuận đều nằm ở những vị trí đắc địa, được xem là "đất vàng" tại TP Phan Thiết. Trong đó, có nhiều dự án được tỉnh giao cho doanh nghiệp nhưng không đấu giá quyền sử dụng đất.

sp (1).jpg -0
Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2.

Điều tra 9 dự án có dấu hiệu sai phạm

Việc sai phạm của các cán bộ tỉnh Bình Thuận được phát hiện từ đơn tố cáo của công dân, trong đó có đơn của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Đinh Trung về những dấu hiệu vi phạm quy định trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã điều tra, làm rõ, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 5 người, gồm: Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Lương Văn Hải, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận; Hồ Lâm, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; Lê Nguyễn Thanh Danh, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận và Ngô Hiếu Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.

Liên quan đến việc quản lý đất đai tại Bình Thuận, ngày 21/4, UBKT Trung ương đã ban hành kết luận tại kỳ họp thứ 12 về vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và một số tổ chức, cá nhân. Theo đó, căn cứ các quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng các ông: Lê Nguyễn Thanh Danh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Ngô Hiếu Toàn, Đảng ủy viên, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận; cảnh cáo các ông: Lê Tuấn Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và Nguyễn Trần Nam, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; khiển trách các ông: Đặng Công Huẩn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và Vũ Văn Họa, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước vì đã vi phạm trong chỉ đạo thanh tra, giải quyết tố cáo và kiểm toán tại tỉnh Bình Thuận.

Trước đó, tháng 11/2020, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo chuyên đề liên quan đến việc giao đất cho các doanh nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất tại một số dự án vị trí đắc địa. Động thái này diễn ra sau khi một số dự án "đất vàng" bị tố cáo có dấu hiệu lợi ích nhóm, bất thường trong việc giao đất. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thời điểm trên là ông Nguyễn Đức Hòa thông tin về 4 dự án được quan tâm, căn cứ giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất, gồm: Dự án khu du lịch cộng đồng Biển Quê Hương; dự án Trường Mầm non Lê Quý Đôn; dự án lấn biển, bố trí, sắp xếp dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long - Phan Thiết (Hamubay) và dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2.

Sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu, lý lịch trích ngang của những người có liên quan 9 dự án "đất vàng" tại TP Phan Thiết bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai. 9 dự án trên bao gồm: Dự án sân golf Phan Thiết; dự án Biển Quê Hương; dự án Khu du lịch Hòn Lan; dự án lấn biển, bố trí, sắp xếp dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long - Phan Thiết (Hamubay); dự án Trường Mầm non Lê Quý Đôn; Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (lô đất số 18, 19 và 20); dự án rừng dầu Hồng Liêm; dự án bồng lai tiên cảnh và du lịch sinh thái Xuân Quỳnh và dự án Khu liên hợp Hồ điều hòa phường Hưng Long.

Kết quả định giá tài sản các khu đất ở Bình Thuận giao cho doanh nghiệp thấp hơn hàng nghìn tỷ đồng -0
Ông Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã bị khởi tố, bắt giam.

Định giá thấp hàng nghìn tỷ đồng so với giá thực tế

Theo kết quả định giá của Hội đồng định giá trong Tố tụng hình sự cấp Bộ thì giá đất của Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết tại thời điểm 10/4/2015 đến 25/11/2015 là hơn 2.863 tỷ đồng. Số tiền này chỉ là phần diện tích hơn 363.000m2 đất ở đô thị được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, trong tổng số hơn 620.000m2 của dự án Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết. Trong khi trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với diện tích hơn 363.000m2 nêu trên là 936,8 tỷ đồng.

Như vậy, số tiền mà tỉnh Bình Thuận đã áp thu đối với dự án nêu trên thấp hơn khoảng 1.900 tỷ đồng so với kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự cấp Bộ. Dự án Khu du lịch đô thị biển Phan Thiết của Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, thuộc Tập đoàn Rạng Đông (trụ sở tại TP Phan Thiết, Bình Thuận) có diện tích hơn 62ha. Toàn bộ dự án này trước đây là sân golf Phan Thiết, được một tỷ phú Mỹ được xây dựng từ năm 1993, đến năm 1997 đưa vào khai thác cùng với khách sạn Phú Thủy (nay là Ocean Dunes).

Đến ngày 15/11/2013, dự án được chuyển nhượng chủ đầu tư lần thứ 4 sang Công ty CP Rạng Đông. Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Bình Thuận cấp với mục tiêu “xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ kèm theo”. Nhưng hơn 1 tháng sau, ngày 24/12/2013, Công ty CP Rạng Đông có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển hơn 36ha đất thể dục, thể thao của sân golf Phan Thiết thành đất ở đô thị để kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình phụ trợ.

Tại Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận ngày 26/12/2014 về việc ban hành quy định về bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận áp dụng từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2019, giá đất đường Nguyễn Tất Thành 11 triệu đồng/m2, giá đất đường Tôn Đức Thắng 14 triệu đồng/m2 và giá đất trục đường ven biển là 8,4 triệu đồng/m2.

Đến ngày 25/11/2015, UBND tỉnh Bình Thuận lại có Quyết định số 3371/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất đối với diện tích hơn 363.000m2 được phép chuyển mục đích sử dụng đất của dự án Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết. Trong đó, tính tiền sử dụng đất đối với diện tích hơn 363.000m2 là 936,8 tỷ đồng, tức chỉ gần 2,6 triệu đồng/m2.

Về dự án “Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị” của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải (phường Đức Long, TP Phan Thiết, tên thương mại là Hamubay Phan Thiết), Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp Bộ cũng xác định số tiền chênh hơn 1 nghìn tỷ đồng so với giá của tỉnh Bình Thuận đưa ra.

Cụ thể, toàn bộ diện tích đất 269.915m2 giai đoạn 1 của dự án Hamubay Phan Thiết (trong đó có 105.079m2 là đất ở đô thị và 3.474m2 là đất ở kết hợp thương mại dịch vụ) được định giá thời điểm mà UBND tỉnh Bình Thuận giao đất vào ngày 27/2/2018 với số tiền định giá là hơn 476,8 tỷ đồng. Còn tại thời điểm ngày 15/5/2021, số tiền định giá tại dự án Hamubay Phan Thiết là hơn 1.382 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận thông báo tạm nộp tiền sử dụng đất, thuê đất ở dự án Hamubay Phan Thiết với số tiền là hơn 248 tỷ đồng cho toàn bộ diện tích đất 269.915m2 nêu trên. Công ty Trường Phúc Hải đã nộp vào ngân sách tỉnh Bình Thuận số tiền này.

Tương tự, dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (phường Phú Hài, TP Phan Thiết) được Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp bộ định giá 3 lô đất mà UBND tỉnh Bình Thuận giao cho Công ty CP Tân Việt Phát (lô 18,19 và 20) số tiền định giá thời điểm ngày 7/3/2017 là hơn 156,4 tỷ đồng. Trong khi đó, thời điểm mà UBND tỉnh Bình Thuận giao đất cho Công ty CP Tân Việt Phát không đấu giá 3 lô đất ở dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 với giá 111 tỷ đồng, chênh lệch hơn 40 tỷ đồng.  

Phương Thủy
.
.
.