Đầu tư XDCB và quản lý, sử dụng đất đai ở Hà Tĩnh: ‘Tiền trảm, hậu tấu’

Thứ Tư, 15/04/2015, 08:29
Ngày 14/4, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đã ký Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2004-2011.

Những sai phạm tại các dự án ở Hà Tĩnh được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là: Tình trạng chậm tiến độ các gói thầu quá lớn, có 557.1.120 gói thầu chậm tiến độ (chiếm 49,73%). Đáng chú ý, có 60% số gói thầu trong tổng số 405 gói thầu thực hiện đấu thầu hạn chế và 34,92% gói thầu trong tổng số 252 gói thầu thực hiện chỉ định thầu chậm tiến độ. Ngoài một số nguyên nhân khách quan do thời tiết, bão lũ, thì nguyên nhân chủ quan là do chậm giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu từ năng lực tài chính đến năng lực tổ chức thi công yếu…

Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra trách nhiệm của thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng đã để xảy ra vi phạm Điều 52 Luật Đầu tư 2005 do Ban Quản lý dự án KKT Vũng Áng cấp giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho nhà đầu tư Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Công ty Formosa) khi chưa được Chính phủ đồng ý. Bên cạnh đó, các sở, ngành của Hà Tĩnh đã để diễn ra việc chậm thu thuế tài nguyên và thu chưa đủ phí bảo vệ môi trường đối với cát dùng để san lấp mặt bằng xây dựng nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Công ty Formosa.

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho KKT Vũng Áng là dự án có tính chất cấp bách, là một trong những điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật không thể thiếu nhằm thu hút đầu tư những dự án quan trọng như sản xuất thép của Formosa Hà Tĩnh, nhiệt điện Vũng Áng 1&2. Tuy nhiên, từ năm 2012 trở về trước, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng quyết định phê duyệt dự án khi chưa xác định được nguồn vốn đầu tư là không đúng quy định. UBND tỉnh chọn chủ đầu tư là đơn vị không chuyên ngành, chưa có kinh nghiệm, trong khi dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, có tính chất đa mục tiêu, gồm nhiều hạng mục phức tạp, thi công trên địa bàn rộng. Tiến độ thực hiện từ năm 2012 trở về trước quá chậm.

Khi chưa xác định được phần vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư đã phê duyệt và cơ chế quản lý phần vốn hỗ trợ, thực tế đến ngày 15/3/2013 đã giải ngân số tiền 240 tỷ đồng/600,487 tỷ đồng vốn Ngân sách Nhà nước nhưng chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là vi phạm các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng. Trình tự, thủ tục chọn chủ đầu tư dự án không tuân thủ quy định (trước khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo), thể hiện sự “tiền trảm, hậu tấu”, nóng vội, chủ quan và duy ý chí…

Ngoài ra, trong việc quản lý sử dụng đất đai nói chung và đất lâm nghiệp nói riêng tại một số huyện của Hà Tĩnh có dấu hiệu buông lỏng quản lý trong thời gian dài. Công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng ở huyện Kỳ Anh có một số khuyết điểm lớn, tiềm ẩn gây thất thoát Ngân sách Nhà nước và phát sinh khiếu kiện…

Trong quản lý đất đai đối với một số dự án khai thác khoáng sản có việc cấp 30 giấy phép khai thác khoáng sản  làm vật liệu xây dựng nằm ngoài quy hoạch, cấp 15 giấy phép khai thác khoáng sản trong KKT Vũng Áng không đúng quy hoạch chung… 

Qua thanh tra, phát hiện tổng số tiền sai phạm là 493.666.411.539 đồng.

Việt Hà
.
.
.