Dân khát khô bên công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang

Chủ Nhật, 01/02/2015, 09:49
Đó là thực trạng của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 4 buôn của xã Ea Sin, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk trong nhiều năm qua.   

Từ trung tâm huyện Krông Búk, chúng tôi vượt qua hơn hai chục cây số trên con đường bụi mù mịt của đất đỏ bazan Tây Nguyên mới đến được khu tái định cư của 4 buôn dự án thuộc xã Ea Sin. Giữa cái nắng gay gắt, chứng kiến hàng trăm người dân chật vật xách từng can nước từ lòng suối về dùng mới thấu hiểu những khó khăn khi họ phải đối mặt với cơn “khát” nước triền miên ở đây như thế nào. Nguồn nước khan hiếm nên việc muốn mở rộng, phát triển sản xuất hay chăn nuôi cũng hết sức khó khăn.

Bà Hníp Mlô (55 tuổi, trú tại buôn Cư Kanh) chia sẻ: “Năm ngoái, gia đình tôi được xã hỗ trợ hơn 200 cây bơ giống và một số gia cầm để phát triển kinh tế nhưng bơ trồng lên thì chết dần chết mòn, còn gà vịt thì mắc bệnh chết hết cũng chỉ vì không có nước”.

Công trình nước sạch lại bị bỏ hoang.

Ông Y Thương, Trưởng buôn Cư Mtao cho biết: “Công trình nước sạch tập trung này được xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2008 theo Chương trình 134. Tuy nhiên, sau gần một năm thì xảy ra tình trạng nước bị nhiễm phèn nặng, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu nên không thể sử dụng được. Để có nước sinh hoạt, bà con phải tự đi tìm nguồn nước cho riêng mình”.

Còn ông Y Dinh Niê, Trưởng thôn Ea Sin cho hay, người dân trong buôn đi lấy nước rất vất vả, nhiều người đã cố gắng đầu tư khoan giếng để lấy nước dùng nhưng địa hình ở đây đồi dốc, khoan xuống là gặp đá nên không thể làm gì được. Công trình nước sạch tập trung này được xây dựng theo Chương trình 134 cho hơn 400 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số theo chương trình giãn dân của huyện. Công trình do Ban quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư với tổng kính phí gần 1,7 tỷ đồng. Công trình đưa vào sử dụng chưa đầy một năm thì ngừng.

“Chúng tôi cũng đã nhiều lần tham mưu cho UBND huyện xin chủ trương của tỉnh chuyển công trình này thành một công trình khác đã được UBND tỉnh điều chỉnh thành nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với nguồn kinh phí dự toán hơn 7,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, huyện chưa được bố trí vốn để khởi công xây dựng lại công trình nên người dân vẫn phải chịu cảnh không có nước sinh hoạt”, ông Y Tuyên Niê – Phó phòng Dân tộc, huyện Krông Búk giải thích.

Qua tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn tồn tại hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị bỏ hoang như trên. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nơi đây cần sớm rà soát, xét thấy dự án nào có thể khắc phục, tiếp tục đầu tư mang lợi ích dân sinh thì đề xuất kiến nghị Trung ương bố trí vốn hoặc tỉnh trích ngân sách để sớm khắc phục. Dự án nào không hiệu quả, không thiết thực thì nên dừng lại để tránh gây thất thoát, lãng phí tiền của Nhà nước.

Văn Thành
.
.
.