Công tác cảnh báo thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Thứ Tư, 22/11/2023, 07:41

Theo dự báo, từ ngày 24-27/11 tới, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế khả năng xảy ra một đợt mưa lớn, có nơi trên 800mm và nguy cơ gây ra lũ lụt, sạt lở đất như đợt mưa giữa tháng 11 vừa qua. Các địa phương trên toàn tỉnh đang triển khai công tác ứng phó, hồ đập tiếp tục vận hành đưa về mực nước thấp nhất trước lũ để chuẩn bị cho đợt mưa tới.

Đợt mưa lũ lịch sử giữa tháng 11 vừa qua khiến toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 17.000 ngôi nhà bị ngập, hơn 80% tuyến đường của 36 xã, phường TP Huế đều ngập lũ, có nơi ngập sâu hơn 1,5m. Tại các huyện thuộc vùng hạ du và hạ lưu sông Hương, nước lũ ngập hơn 80%. Giao thông trên toàn tỉnh hầu hết bị chia cắt, đường sá sạt lở, rau màu hư hại… gây thiệt hại lớn. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ đêm 24-27/11, tại địa bàn tỉnh có khả năng rất cao sẽ xảy ra đợt mưa lớn với xác suất trên 80%.

2.jpg -0
Đợt mưa lũ lịch sử giữa tháng 11/2023 khiến 17.000 ngôi nhà trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập, giao thông hầu hết bị chia cắt.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh nhận định, đợt mưa này lượng mưa không có sự phân hóa mạnh giữa các địa phương trong tỉnh. Dự báo tổng lượng mưa phổ biến từ 150-300mm, có nơi trên 500mm. Những điểm tâm mưa ở 2 huyện Nam Đông, Phú Lộc có thể từ 300-500mm, có nơi trên 800mm.

Với nhận định diễn biến mưa lũ từ nay đến cuối năm còn phức tạp, đặc biệt để chuẩn bị phương án tốt nhất nhằm ứng phó đợt mưa lớn từ ngày 24-27/11 tới, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu, các huyện, thị, thành phố trên toàn tỉnh chuẩn bị các phương án, kịch bản để triển khai công tác ứng phó nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Cụ thể, UBND các huyện tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan... ven sông, suối, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn. Kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. “Các hồ đập rà soát lại số liệu, cập nhật chuẩn xác hàng giờ, hàng ngày. Số liệu chính xác thì công tác vận hành mới chính xác, ứng phó thiên tai mới hiệu quả”, ông Hoàng Hải Minh chia sẻ.

Theo ông Đặng Văn Hòa, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Ban PCLB & TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác dự báo, cảnh báo mặc dù đã có nhiều bước tiến song chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Với sự tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là dự báo lượng mưa định lượng trong bối cảnh diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường; mật độ các trạm đo mưa, mực nước còn quá mỏng, theo dõi dòng chảy trên các hệ thống sông trong tỉnh, đo gió còn hạn chế.

Trước đó, tại buổi làm việc với Đoàn công tác Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai ngày 15/11 về diễn biến tình hình mưa lũ lớn trên diện rộng diễn ra tại địa bàn tỉnh (từ ngày 13 đến 16/11), ông Hoàng Hải Minh cho biết, công tác dự báo lượng mưa trong đợt này chưa sát với diễn biến thực tế. Do vậy, mặc dù địa phương đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó nhưng đến nay tình hình mưa lũ đã vượt qua mọi kịch bản…

Nằm ở hạ lưu 2 thủy điện A Lưới, Sông Bồ, xã Hồng Hạ (huyện A Lưới); nhiều người dân luôn lo lắng tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt bờ sông, sạt lở núi mỗi khi có mưa lớn, các thủy điện xả tràn, điều tiết lũ. Mới đây, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế đã có báo cáo kết quả kiểm tra công tác quản lý vận hành, an toàn điện, quản lý công tác ứng phó thiên tai tại 12 nhà máy thủy điện đang vận hành trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Theo đó, Sở Công thương yêu cầu, đối với Nhà máy Thủy điện A Lưới (huyện A Lưới), phải thực hiện cảnh báo cho hạ du khi phát điện, tăng giảm lưu lượng và xả lũ về hạ du bằng còi hụ và cắm biển cảnh báo. Đồng thời nhà máy sớm làm việc cụ thể với chính quyền địa phương (cụ thể là UBND xã Hồng Hạ, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới và các trưởng thôn, bản có liên quan) để thông tin, tuyên truyền, thống nhất về vị trí cảnh báo, hình thức, phương thức cảnh báo theo quy định của Thông tư số 9/2019/TTBCT của Bộ Công thương để đưa vào quy chế phối hợp năm 2023, thực hiện cảnh báo cho người dân phía hạ du, đảm bảo an toàn.

Cũng tại thủy điện A Lưới, quá trình cơ quan chức năng kiểm tra, cho thấy tuyến năng lượng, công trình đầu mối, nhà máy, đường quản lý vận hành công trình dài, với độ dốc lớn, khu vực công trình trải dài trên nhiều địa hình, nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão lớn, công ty phải thường xuyên rà soát các ngầm tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt trên phạm vi công trình để có phương án cụ thể gia cố kịp thời. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, quan trắc, mái taluy dương sau nhà ở vận hành khu vực đập, khu vực nhà máy, taluy dương mái đào sau nhà máy, đường vào đập... để có phương án di chuyển các cán bộ, công nhân viên đến nơi an toàn.

Ông Đặng Văn Hòa cho biết, hiện nay, Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đã yêu cầu các hồ đập thủy lợi, thuỷ điện tiếp tục vận hành đưa về mực nước thấp nhất trước lũ trước ngày 24/11 nhằm chủ động đón đợt mưa mới… Trước đó, Ban chỉ huy yêu cầu các chủ đập, đơn vị quản lý khai thác, các chủ đầu tư công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh chú ý kiểm tra, phát hiện các điểm nguy cơ sạt lở ven hồ, thượng và hạ lưu công trình đầu mối; kho bãi, lán trại của công nhân vận hành đối với công trình đang thi công. Kiểm tra tình hình trượt lở ven hồ phía thượng lưu đập dâng, đập tràn đề phòng đất đá sạt lở mạnh gây sóng lũ và nước hồ dâng đột ngột tràn qua đập gây sự cố công trình. Đề phòng hiện tượng sạt lở sườn đồi bờ sông phía hạ lưu đập dâng, đập tràn làm hạn chế thoát lũ và đe dọa đến vận hành an toàn công trình…

Hải Lan
.
.
.