Chấn chỉnh ngay hoạt động của hàng loạt trạm cân thu mua gỗ rừng trồng

Thứ Sáu, 20/10/2023, 05:20

Hàng loạt trạm cân thu mua gỗ rừng trồng, chủ yếu là cây keo tràm (viết tắt là trạm thu mua gỗ) ở Thừa Thiên Huế gây nguy cơ mất an toàn giao thông khi các vị trí đặt trạm chưa được đấu nối giao thông với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường Hồ Chí Minh; môi trường không đảm bảo; thủ tục pháp lý về đất đai còn bất cập…

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, keo tràm được xác định là cây kinh tế chủ lực của người dân ở các huyện, thị: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy… Nhằm thu mua khối lượng lớn gỗ rừng trồng được người dân thu hoạch hàng năm, nhiều năm nay, hàng loạt trạm thu mua gỗ đã "mọc" lên. Điều đáng nói, hầu hết các trạm thu mua gỗ này hoạt động mà chưa có các thủ tục pháp lý theo quy định gây ra nhiều hệ lụy.

tram-can1.jpg -0
Trạm thu mua gỗ rừng trồng của ông Nguyễn Quang Mỹ ở xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) đưa vào hoạt động nhưng thiếu nhiều thủ tục pháp lý.

Tại xã Hồng Hạ, huyện miền núi A Lưới, tình trạng các hộ dân tự ý san ủi mặt bằng, lập trạm thu mua gỗ đã bị chính quyền địa phương đình chỉ hoạt động. Tại khu đất ở thôn A Rom (xã Hồng Hạ), ông Nguyễn Thái Pháp (trú huyện A Lưới) đã tiến hành san ủi, đào đắp nền và xây dựng một số công trình phụ trái phép để xây dựng trạm thu mua gỗ. Vị trí này nằm trong khu vực đường liên thôn, dẫn vào khu tái định cư của xã Hồng Hạ với nền đường bằng bê tông. Nếu trạm cân đi vào hoạt động sẽ gây xung đột giao thông từ tuyến đường này khi dẫn ra Quốc lộ 49 với nhiều phương tiện vận tải lớn lưu thông khiến người dân địa phương bức xúc…

Ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho biết, qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, điểm kinh doanh của ông Nguyễn Thái Pháp đang xây dựng trái phép thuộc khu vực đất ở và đất trồng cây lâu năm.

Trên cơ sở đó, chính quyền yêu cầu chủ hộ nếu muốn mở trạm cân đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Ngoài ra, khi san lấp mặt bằng chủ hộ chưa có đơn xin phép chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Qua kiểm tra cho thấy, giấy đăng ký môi trường của điểm kinh doanh còn sơ sài, đối với khuôn viên của cơ sở cần bổ sung trồng cây xanh, nơi xử lý rác thải, nơi ở cho công nhân cần có nhà vệ sinh tự hoại, hệ thống nước thải, có biện pháp xử lý bụi khi trời nắng và bùn đất rơi vãi trơn trượt khi trời mưa…

Chính quyền địa phương đình chỉ hoạt động xây dựng và yêu cầu bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định, yêu cầu trạm cân không được hoạt động. 

"Hiện trên địa bàn xã có diện tích gỗ rừng trồng (keo, tràm) hơn 1.000ha, là loại cây chủ lực kinh tế tại địa phương. Từ khi hình thành các trạm thu mua gỗ trên địa bàn diễn ra thuận lợi, giảm chi phí cước vận chuyển, tạo việc làm thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều cơ sở tự ý đấu nối với Quốc lộ 49, lưu lượng phương tiện ra vào các điểm thu mua gia tăng nên nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao…", Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho biết them.

Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, hiện trên địa bàn còn nhiều trạm thu mua gỗ chưa hoàn thiện thủ tục đấu nối giao thông với các tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 49 thuộc thẩm quyền của Sở GTVT và Văn phòng Quản lý đường bộ II.5 (Bộ GTVT). Việc đấu nối với đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 49, nhiều hộ dân không đảm bảo các quy định nên bị Văn phòng Quản lý đường bộ II.5 đã lập biên bản vi phạm hành chính.

Hiện nay, một số hộ không đăng ký nhu cầu đấu nối. UBND huyện A Lưới vừa chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn rà soát nhu cầu của các hộ kinh doanh để UBND huyện đề xuất cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đấu nối giao thông. Về vấn đề môi trường, Phòng TN&MT huyện đã hướng dẫn các chủ cơ sở bố trí người và máy xịt rửa xe ra vào để hạn chế bụi bẩn kéo theo xe ra lòng đường tại các cơ sở thu mua. Bố trí hợp lý phương tiện vào - ra, đồng thời trồng cây xanh quanh phạm vi hoạt động để hạn chế bụi khuếch tán ra môi trường…

Tương tự, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền là địa bàn tập trung nhiều trạm thu mua gỗ nhưng hầu hết các trạm này đều hoạt động… "chui".

Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, huyện đã có văn bản yêu cầu UBND xã Phong Mỹ nghiêm túc thực hiện quản lý, giám sát các trạm thu mua gỗ trên địa bàn xã này. Đồng thời, yêu cầu một số trạm thu mua gỗ phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Theo ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, qua kiểm tra, rà soát các hồ sơ pháp lý thì 4 trạm thu mua gỗ rừng trồng trên địa bàn xã đều không đạt yêu cầu, thiếu hồ sơ pháp lý theo quy định. Cụ thể, hầu hết các trạm này đều chưa đấu nối giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh, chưa thực hiện các thủ tục về đất đai…

Trước tình hình đó, tháng 3/2023, UBND xã Phong Mỹ từng lập biên bản đình chỉ 4 trạm thu mua gỗ và yêu cầu bổ sung hồ sơ pháp lý theo các văn bản chỉ đạo của UBND và các phòng, ban chuyên môn của huyện mới cho hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sau đó, các trạm thu mua gỗ này vẫn bất chấp hoạt động dù chưa bổ sung hồ sơ pháp lý và các thủ tục.

Mới đây, UBND xã Phong Mỹ tiếp tục có văn bản gửi Ban quản lý thôn Hòa Bắc và Đông Thái (nơi đặt các trạm thu mua gỗ) và 4 chủ cơ sở, gồm: Đặng Văn Hải, Lê Đình Thiền, Nguyễn Quang Mỹ và Trần Hữu Phước về việc yêu cầu bổ sung hồ sơ pháp lý các trạm thu mua gỗ trên địa bàn. UBND xã Phong Mỹ đề nghị 4 chủ cơ sở nói trên dừng hoạt động cho đến khi bổ sung đầy đủ các hồ sơ, thủ tục theo quy định mới hoạt động trở lại. Hiện, UBND xã giao Công an xã và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, theo dõi và tham mưu UBND xã xử lý nghiêm túc đối với các trạm thu mua gỗ không chấp hành bổ sung các hồ sơ, pháp lý nói trên…

Tại huyện miền núi Nam Đông, nhiều năm nay, hoạt động thu mua, xay dăm gỗ và vận chuyển keo tràm tại các trạm thu mua gỗ trên tuyến Tỉnh lộ 14D qua địa bàn xã Hương Phú, xã Hương Hòa có nhiều dấu hiệu hoạt động không đúng quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục pháp lý về: sử dụng đất, đấu nối giao thông, an toàn phòng cháy và chữa cháy. Điều khiến người dân địa phương lo lắng là hoạt động của nhiều xe tải tải trọng lớn tại các khu vục này.

Hải Lan
.
.
.