Xưởng sản xuất gỗ đặt trong chùa Trăm Gian

Thứ Tư, 23/09/2015, 09:38
Giữa năm 2012, ngôi chùa vốn đã là một di sản quý giá nổi tiếng, càng trở nên “nổi tiếng” sau khi sư trụ trì cho hạ giải và xây mới hoàn toàn gác Khánh và nhà Tổ của ngôi chùa cổ, làm biến mất những nét kiến trúc cổ kính của di tích.
Dưới sức ép của dư luận, đặc biệt là của các nhà nghiên cứu, các ngành chức năng đã vào cuộc, để rồi cả chục tỷ đồng được đầu tư vào chùa Trăm Gian nhằm “cấp cứu” những gì còn lại, để một di sản quý giá có gần 1.000 tuổi không bị biến mất hoàn toàn.“Vết thương” cũ về công tác quản lý lỏng lẻo của địa phương, của cơ quan quản lý Nhà nước còn chưa kịp “liền da”, dư luận cũng chưa nguôi được nỗi buồn về “tai tiếng” của một ngôi chùa nổi tiếng, thì giờ đây, người dân lại thêm một lần bức xúc khi trong khuôn viên của chùa, ngay cổng vào là một xưởng sản xuất gỗ nằm chình ình, ngày ngày hoạt động ầm ầm.

Hàng trăm cây gỗ lớn có đường kính 40-50cm nằm ngổn ngang trong chùa. Xưởng gỗ được làm kiên cố, tiếng máy cưa máy xẻ át cả tiếng tụng kinh, gõ mõ. Chùa chiền vốn là nơi linh thiêng, luôn cần sự tĩnh lặng nhưng sự  ồn ào của xưởng mộc này từ lâu đã phá vỡ không gian cần có của một ngôi chùa cổ, đặc biệt là phá vỡ cảnh quan của một Di sản cấp Quốc gia.

Bà Trần Thị Tấm ở quận 1, TP Hồ Chí Minh, sau khi đến đây đã phàn nàn: “Nghe danh tiếng chùa, tôi và các con về thăm và làm lễ dâng hương. Cứ hình dung một ngôi chùa thật tĩnh lặng, thanh bình trong tiếng chuông thỉnh và tiếng gõ mõ, thậm chí nghe rõ cả tiếng chim hót. Nhưng thật bất ngờ khi lại thấy khung cảnh ồn ào, bụi bặm như một công trường xây dựng, khiến không còn có thể tịnh tâm để làm lễ, dâng hương. Ầm ĩ như thế, tôi cũng không hiểu nhà sư và phật tử ở ngôi chùa này làm sao có thể tập trung cho việc tụng kinh, niệm Phật được?”.

Xưởng gỗ ngổn ngang trong ngôi chùa (chụp ngày 21/9/2015).

Ông Nguyễn Văn T., một người cao tuổi ở xã Tiên Phương, bày tỏ: Việc cưa xẻ gỗ cứ làm ầm ầm cả ngày rồi mùi sơn quanh năm như thế quả là không thể chấp nhận được ở chốn tâm linh. Đó là chưa kể người dân ở quanh khu vực cũng không thể chịu nổi ô nhiễm môi trường lẫn không khí này. Chả có thánh nào, Phật nào chịu nổi sự ồn ào, bụi bặm như thế cả!

Tuy nhiên, giải thích cho việc xưởng gỗ hoạt động đã nhiều năm, đặc biệt là sau khi việc trùng tu ngôi chùa đã kết thúc, sư trụ trì Thích Đàm Khoa cho rằng, bà trụ trì 9 ngôi chùa, nhiều chùa cần sửa chữa, nhưng chật chội, nên đặt xưởng gỗ ở đây để làm mộc phục vụ việc tu sửa ở các chùa khác! Không giống như cách giải thích của bà, một số người thợ đang làm việc tại đây lại cho biết, các sản phẩm gỗ họ đang làm của khách hàng đặt để làm nhà thờ họ.

Mặc dù xưởng gỗ đã tồn tại khá lâu và UBND xã chỉ cách ngôi chùa không xa, nhưng phải đến khi người dân phản ánh, báo chí vào cuộc, ngày 11/9/2015, chính quyền xã Tiên Phương mới ra tay bằng việc lập biên bản và yêu cầu vị trụ trì của chùa phải di dời xưởng gỗ ra khỏi khu vực Di tích cấp Quốc gia này trước ngày 26/9.

Nếu để phục vụ việc sửa chữa các chùa khác cũng vẫn không được phép đặt trong chùa, mà chùa nào sửa chữa thì phải đưa xưởng gỗ về nơi đó. Tuy nhiên, đến ngày 21/9, khi chúng tôi có mặt ở chùa, dù chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn di dời, nhưng xưởng gỗ vẫn chưa có dấu hiệu di chuyển dù dã tạm ngừng hoạt động.

Có thể nói rằng, việc để xưởng gỗ hoạt động thời gian dài trong khu vực một ngôi chùa cổ là Di tích cấp Quốc gia đã thêm một lần nữa cho thấy công tác quản lý và bảo vệ di sản ở Hà Nội có vấn đề. Bởi đây là một ngôi chùa nổi tiếng, một Di sản văn hóa quan trọng, đặc biệt là câu chuyện sư trụ trì cho phá dỡ để tự ý xây dựng mới năm 2012 còn chưa nguôi trong dư luận mà vẫn bị buông lỏng như thế, thử hỏi, những di tích khác sẽ ra sao?

Bên cạnh đó, việc bất cập, chồng chéo trong phân cấp quản lý di tích đã được xếp hạng của Bộ VH,TT&DL khiến cho các di tích dù có nhiều cấp, nhiều cơ quan quản lý nhưng khi qui trách nhiệm, lại thấy chỉ còn mỗi cấp xã. Trong khi quyền hạn của xã lại rất giới hạn. Trách nhiệm quản lý di tích cấp quốc gia là cấp xã và cấp sở, nhưng trách nhiệm trùng tu di tích lại thuộc Cục Di sản và Bộ VH,TT&DL, còn địa phương quản lý di tích thì lại không chịu trách nhiệm.

Việc chùa Trăm Gian không chỉ một lần bị xâm hại trong trùng tu lẫn cảnh quan trong vòng vài năm đã cho thấy sự thiếu trách nhiệm của những người trực tiếp trông coi di tích ở các cấp. Khi di tích liên tục bị xâm phạm, đã đủ là điều cấp báo trong quản lý di tích khi cho thấy cảnh “mất bò vẫn không lo làm chuồng”. Không lẽ vi phạm vẫn chỉ là “rút kinh nghiệm” rồi thôi?        

Chùa Trăm Gian nằm ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, đã có gần 1.000 năm tuổi. Chùa được xây dựng năm 1185 từ đời Lý Cao Tông nên đã mang trên mình bao dấu ấn thăng trầm của lịch sử. Đây cũng nơi hiếm hoi còn lại kiến trúc sắc sảo của một thời kỳ vàng son trong quá khứ, một hình ảnh Thăng Long ẩn dấu dưới những phù điêu tinh tế của những tài năng điêu khắc. Với những giá trị đặc sắc, chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Thanh Hằng
.
.
.