Uống rượu, bia gây tai nạn: Xử lý không nghiêm sẽ 'nhờn' luật

Thứ Sáu, 10/07/2015, 10:04
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề “Hành vi người điều khiển phương tiện khi sử dụng rượu bia” do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức ngày 8/7. 

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có xu hướng gia tăng về mức độ tiêu thụ rượu bia, tỷ lệ người dân uống rượu bia ngày càng tăng, nhưng lực lượng chức năng phát hiện và xử lý lại yếu, không nghiêm.

Tại hội nghị, số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2014, tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia chiếm 36,5% trong đó riêng nam giới là 35,7%. Một con số thống kê của Hiệp hội rượu bia, sản xuất rượu bia ngày càng tăng, ước tính 15%/năm, sản lượng bia dự kiến đạt 3 tỷ lít năm 2015 và 350 triệu lít rượu. Việt Nam được xếp là một trong số 25 quốc gia đứng đầu trong danh sách có mức tiêu thụ bia gia tăng nhiều nhất.

Ông Hoàng Đình Ban, Trưởng khoa Cảnh sát giao thông, Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng, việc phát hiện các hành vi vi phạm và xử lý nồng độ cồn rất hạn chế. “Tỷ lệ gây tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia gây ra không dưới 40% nhưng xử lý thấp dẫn đến tình trạng “nhờn” luật trong lĩnh vực vận tải rất lớn. Vì thế, cần xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, xử lý hình sự các hành vi sử dụng rượu bia tham gia giao thông gây tai nạn đồng thời phải sửa đổi Bộ luật Hình sự, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạo tiếng răn đe lớn của pháp luật,” ông Ban nhấn mạnh.

Khẳng định nhiều chính sách đưa ra bị thất bại do vấn đề giao thông liên quan tới đông đảo tầng lớp người dân nên dễ động chạm, phản ứng, nhiều chuyên gia nhìn nhận, khi chủ trương đưa ra đúng thì cần kiên quyết bảo vệ lập trường, quan điểm, không nên lúng túng khi xử lý tình huống. Đặc biệt, nên hình sự hóa đối với hành vi uống rượu bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. 

Vì thế, ông Trần Hữu Minh, chuyên viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị, cơ quan chức năng cần hạ “ngưỡng” nồng độ cồn trong máu xuống mức thấp nhất là 20mlg/100ml máu. Người vi phạm lần đầu không nên xử phạt quá nặng, cho cơ hội để sửa đổi hành vi. Với những hành vi nghiêm trọng thì phải xử lý thật nghiêm. Phản bác quan điểm này, ông Hoàng Đình Ban cho rằng, trong điều kiện thực tế ở nước ta, cấm sử dụng rượu bia có nồng độ cồn trong máu ở mức trên 50mlg/100ml máu khi tham gia giao thông như quy định hiện nay là hợp lý.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, đưa ra các giải pháp đối với những vi phạm nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng; bổ sung trang thiết bị đo nồng độ cồn cho Cảnh sát giao thông…

Bên cạnh đó, Bộ Công an và Bộ Y tế cần phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch quy định chung về quy trình kiểm tra nồng độ cồn trong máu và hơi thở. Bộ Tài chính nghiên cứu tăng thuế đối với các loại đồ uống có cồn.

Đặng Nhật
.
.
.