Xử lý chủ đầu tư chây ì làm “sổ hồng” cho cư dân: Không thể đánh trống bỏ dùi

Thứ Hai, 23/11/2020, 08:33
Theo con số của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, hiện nay có đến 135 chung cư chưa được cấp “sổ hồng”. Trong số đó, tại nhiều khu chung cư, cư dân bức xúc đã tạo ra những cuộc tranh chấp kéo dài. Chế tài xử lý không thiếu, thế nhưng tình trạng này vẫn tồn tại nhiều năm qua. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thiếu sự quản lý, giám sát, “đánh trống bỏ dùi” từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.


Cư dân bức xúc

“Chung cư vạn dân” là cụm từ nhiều người dùng để nói về tổ hợp chung cư HH Linh Đàm. Đây cũng là điểm nóng về việc người dân đang bức xúc do chậm trễ làm "sổ hồng" cho từng căn hộ của chủ đầu tư thời gian qua.

Trong một diễn biến mới nhất, UBND phường Hoàng Liệt đã có văn bản gửi Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên và Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) đề nghị 2 doanh nghiệp này sớm liên hệ với Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội để thực hiện thủ tục cấp "sổ hồng" cho người dân theo hướng dẫn. Theo UBND phường Hoàng Liệt, hiện nay gần 4 vạn dân tại khu HH, tòa VP6 chưa được cấp “sổ hồng”. Mới chỉ một số hộ ở tòa VP3, VP5 được cấp sổ, tuy nhiên cũng chỉ thực hiện đến những tầng vi phạm quy hoạch thì phải tạm dừng.

Rất nhiều khu chung cư hiện đang bị tắc trong việc cấp sổ hồng.

“Người dân sống ở đây rất khổ, căn nhà là tài sản chính đáng nhưng đến nay không biết số phận đi về đâu. Sai phạm của chủ đầu tư, các cơ quan chức năng phải xử lý, tuy nhiên quyền lợi của người dân cũng cần phải được đảm bảo. Mua nhà bằng tiền mồ hôi nước mắt, nhưng những vướng mắc khiến căn hộ không được cấp sổ làm chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi còn nghe phong thanh, chủ đầu tư dùng căn hộ hình thành trong tương lai để thế chấp, không biết rồi sự việc sẽ đi về đâu”, anh Phạm Minh Tuấn, cư dân HH4B chia sẻ.

Cư dân xuống đường biểu tình đòi “sổ hồng” là câu chuyện không hiếm thời gian qua. Thậm chí những tranh chấp này đã trở thành điểm nóng. Hàng loạt cư dân tại các chung cư như: Chung cư New Horizon City (87 Lĩnh Nam - phường Mai Động - Hoàng Mai), chung cư Hồ Gươm Plaza Hà Đông… suốt một thời gian dài, người dân kêu cứu bởi sau khi mua căn hộ và sinh sống tại đây, mặc dù các nghĩa vụ về tài chính với chủ đầu tư đã hoàn thành nhưng chờ dài cổ vẫn không được cấp “sổ hồng”.

Theo thông tin của Sở Tài và Môi trường TP Hà Nội, hiện đang có 135 chung cư chưa được cấp “sổ hồng”. Đại diện cơ quan này cho biết, đang rà soát từng chung cư, thúc từng chủ đầu tư để sớm cấp “sổ hồng” cho người dân. Theo lý giải của đơn vị này, có nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong việc cấp sổ cho dân là do các sai phạm của chủ đầu tư như: Xây sai thiết kế, quy hoạch, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính…

Bên cạnh đó, còn có một số chủ đầu tư xây dựng sai quy hoạch, dẫn đến vượt quá mật độ dân cư, do đó phải có cập nhật quy hoạch, có những việc vượt thẩm quyền, phải gửi thành phố xin ý kiến.

Lỗi không chỉ ở chủ đầu tư

Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều quy định được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà. Thế nhưng, tại sao câu chuyện vẫn diễn ra một thời gian dài mà chưa có những “phương thuốc đặc trị”.

Mới đây, ngày 9/11, trả lời trước Quốc hội câu hỏi liên quan đến việc nhiều chủ đầu tư không chịu bàn giao sổ đỏ cho khách hàng sau khi hoàn thiện thủ tục mua nhà, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, theo quy định, thời hạn cấp sổ đỏ cho cư dân là 50 ngày sau khi bàn giao nhà ở cho người mua nhà. Pháp luật cũng đã quy định chế tài xử phạt lên đến 1 tỷ đồng đối với những chủ đầu tư chậm trễ việc này.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các chủ đầu tư chậm trễ làm sổ đỏ cho cư dân. Nếu chủ đầu tư vẫn cứ cố tình chây ì, đề nghị các địa phương chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật về hình sự. Rõ ràng, những sai phạm của chủ đầu tư đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều người dân và tạo ra những bức xúc trong xã hội.

Theo Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội), về chế tài xử phạt đến 1 tỷ đồng đối với các chủ đầu có tình chây ì, chậm trễ trong việc hoàn thành các thủ thục cấp “sổ hồng” cho người dân là hợp lý và thể hiện sự nghiêm minh của các quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo phân tích của Luật sư Bùi Quang Hưng, hiện nay nguyên nhân chính dẫn đến việc chủ đầu tư không thực hiện việc này là do vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến xây dựng. Chủ đầu tư bám vào việc do các vi phạm này mà chính quyền chưa cấp được sổ cho dân và đây là nguyên nhân khách quan.

“Vi phạm là của chủ đầu tư, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước người dân về việc chậm trễ cấp sổ. Tuy nhiên, nhìn kỹ lại thì nguyên nhân để xảy ra tình trạng này có một phần trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Chẳng hạn đối với những hành vi vi phạm các quy định về xây dựng như xây sai phép, không phép, vượt phép… mà xử lý nghiêm ngay từ đầu thì đã không dẫn đến tình trạng này và không gây ra những hệ lụy lớn cho người dân như hiện nay”, Luật sư Bùi Quang Hưng lý giải.

Theo Luật sư Bùi Quang Hưng, chủ đầu tư đã vi phạm thì phải xử lý nghiêm, chứ không thể vi phạm thì xử lý qua loa rồi để đó, sau đó thì không cấp sổ, làm ảnh hưởng đến người dân.

Bên cạnh đó, còn một lý do quan trọng nữa là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, phía cơ quan nhà nước lại cho nợ, thế nên khi chủ đầu tư bán xong nhà không chịu nộp phần còn lại tiền sử dụng đất này. Phía cơ quan nhà nước dừng việc cấp sổ đỏ đối với dự án của doanh nghiệp, nhưng thực ra việc này là dừng đối với người dân bởi chủ đầu tư đã bán xong nhà, thu xong tiền.

“Đến đây câu hỏi đặt ra là pháp luật có được các cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm túc hay không, việc này nhìn từ vụ nhà 8B Lê Trực thấy rất rõ. Nếu thực hiện nghiêm các quy định thì sẽ không có hậu quả hiện nay. Chúng ta đề ra các quy định nhưng không thực hiện nghiêm, chỉ nói khơi khơi, "đánh trống bỏ dùi" mới phát sinh những việc như thế, cho nên ở đây không chỉ có trách nhiệm của chủ đầu tư mà có cả trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Do đó các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải chung tay vào việc này”, Luật sư Bùi Quang Hưng phân tích.

Phan Hoạt
.
.
.