Xóc quẻ thẻ đầu năm: Lợi bất cập hại

Thứ Tư, 16/02/2005, 14:59
Nghe đồn rằng, xóc quẻ thẻ ở đền Sái thiêng lắm nên dường như người ta chỉ chăm chăm việc xóc quẻ thẻ mà quên mất rằng nơi đây có một truyền thuyết linh thiêng, vang vọng từ ngàn năm, gắn liền với di tích Cổ Loa lịch sử.

Núi Thất Diệu (bảy ngọn núi thiêng huyền diệu) nằm cách thành Cổ Loa chừng 15 cây số, thuộc địa phận huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Đông Anh (Hà Nội). Núi Thất Diệu nhìn từ xa như bảy con rùa mà con đầu đàn là ngọn núi cao nhất, dân gian gọi là núi Rùa Mẹ hoặc núi Sái.

Núi Sái thuộc địa phận thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh. Ngày xưa núi Sái có rừng lim già bao phủ. Tọa trên núi là đền Sái thờ đức Huyền Thiên Trấn Vũ, một vị thánh tối thiêng liêng của đạo lão, một trong bốn vị thần trấn giữ đất Thăng Long. Câu chuyện Rùa vàng gắn liền với sự kiện vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa, có liên quan chặt chẽ đến núi Sái. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có viết rằng, trên núi Thất Diệu có con quỷ quấy nhiễu dân lành, không cho vua xây thành.

Vua An Dương Vương đã đích thân đến vùng này để trừ yêu ma. Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử với biết bao cuộc biến đổi, đền Sái hôm nay vẫn uy nghi. Dân quanh vùng gọi đền Sái là đền thiêng, còn Nhà nước đã ghi nhận đền Sái là một di tích lịch sử gắn liền với thành Cổ Loa, một di tích lịch sử hiếm hoi còn lại từ buổi đầu dựng nước. Các nhà khảo cổ học, các nhà kiến trúc xác định Tam quan đền Sái là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất, cổ kính và hiếm hoi nhất ở miền Bắc còn lại sau nhiều thế kỷ chiến tranh. Bên trong đền có tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ được dựng từ thời vua Lý Thái Tổ, đúc bằng đồng đen, cao gần 4 mét, nặng 4 tấn được làm từ năm 1681.

Theo truyền thuyết, cảm kích trước công đức của Huyền Thiên Trấn Vũ, vua An Dương Vương đã cho xây cất đền Sái, đúc tượng đồng đen thờ ngài và hàng năm, vào mùa xuân lại đích thân xa giá về bái yết. Về sau, An Dương Vương cho phép dân làng Thụy Lôi "thực hành nghi việc Thiên tử, xung quan tước". Vì vậy mới có lễ hội rước vua giả, một sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo của làng, của cả một vùng rộng lớn. Hội rước vua giả làng Thụy Lôi tổ chức hàng năm vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch với nghi lễ cổ truyền cầu kỳ và độc đáo.

Trong lễ hội rước vua giả, tất cả các động tác, tình tiết đều nhằm diễn lại tích xưa. Đó là việc vua cùng đoàn tùy tùng về bái kiến đức thánh Huyền Thiên. Vì vậy các ngôi thứ, võng lọng đều phỏng theo lối của triều đình. Cùng với việc diễn tích vua bái yết đền Sái là tích diệt Bạch Kê tinh. Sau lễ rước là các trò vui như hát tuồng, hát quan họ, đấu vật... Hội rước vua giả từ lâu được ghi vào từ điển lễ hội Cổ Loa như là một trong những hội làng truyền thống độc đáo nhất.

Thật may mắn, những nét văn hoá truyền thống đó vẫn được nhân dân trong vùng lưu giữ đến ngày hôm nay. Nhiều người dân tìm đến cố đô Cổ Loa rồi  về đền Sái với lòng thành kính, với ước vọng tìm về chốn linh thiêng, trở về với cội nguồn từ thuở cha ông dựng nước. Nhưng cũng buồn thay, không ít người đến đền Sái với mục đích mưu cầu lợi lộc riêng cho mình, cho dù cái lợi đó chưa nhìn thấy trước mắt. Chúng tôi có mặt tại di tích lịch sử đền Sái và chứng kiến nhiều chuyện buồn trong ngày du xuân đầu năm.

Đến vấn nạn quẻ thẻ

Có lẽ, ngoài những truyền thuyết linh thiêng về đền Sái, thì nét văn hóa độc đáo của lễ hội ở đây còn có một đặc trưng riêng biệt, đó là xóc quẻ thẻ. Chẳng biết từ bao giờ, tin lành đồn xa, lan tới cả một vùng rộng lớn rằng, xóc quẻ thẻ ở đền Sái thiêng và đúng lắm. Người dân kéo nhau tìm về đây mong sao rút được cho mình, cho gia đình một quẻ thẻ thật đẹp, thật may mắn cho cả năm mới. Vì thế, những ngày đầu xuân này, du khách từ khắp nơi đổ về đông hơn những năm trước rất nhiều.

Mới là ngày mùng 4 Tết, tuy chưa đến ngày hội, nhưng cả một quãng đường dài non nửa cây số vào đền Sái đã đỗ chật cứng xe máy, ôtô. Người chật như nêm. Nhân dân địa phương được dịp bung ra các loại hình dịch vụ trong dịp này. Nơi tập trung đông người nhất chính là cửa vào nơi xóc quẻ thẻ. Hình thức xóc quẻ thẻ ở đây rất quy mô, tương xứng với những lời đồn đại về cái thiêng trong mỗi quẻ thẻ. Trước hết, người muốn xóc quẻ thẻ phải đến một gian nhà riêng biệt để mua vé vào với giá 3.000 đồng.

Vé là một tờ giấy nhỏ in dòng chữ đỏ "Ban Quản lý di tích đền Sái". Sau một hồi chen lấn mới mua được vé, anh bạn tôi phải chào thua không lấy được số thẻ. Tôi cầm tấm vé đó, chen vào đám đông đang xô đẩy nhau qua cửa gian chính của đền. Chiếc lọ độc bình để trên bàn thờ gian ngoài cũng bị sức người xô đẩy làm đổ nghiêng sang một bên. Cuối cùng thì tôi cũng vào được gian trong để xóc thẻ không phải vì chen được mà vì bị người đằng sau đẩy lên. Mấy chục bàn tay cầm vé giơ lên, tranh nhau thò tay rút thẻ. Hai cụ già xóc thẻ chỉ kịp xóc ống thẻ nhẹ một cái cho khách rút thẻ lấy số.

Dòng người đổ vào ngày một đông. Khách vừa đọc được số thẻ đã bị một cụ già đuổi ra ngoài rất dứt khoát: "Ra đi". Rồi tôi cũng lấy được số thẻ và tiếp tục luồn ra ngoài trước sự ngạc nhiên của anh bạn. Bởi đông thế cơ mà! Để có được nội dung quẻ thẻ, tôi lại tiếp tục theo dòng người đi qua rừng cây đến một gian nhà nằm khuất trong khu di tích. Nhưng trên dọc đường vốn vắng vẻ mọi khi nay đã chật kín người. Những tấm lều bạt dựng vội của một số người dân địa phương cũng chứa đầy người ngồi chờ "thầy phán".

Tôi tiếp tục một cuộc chen lấn nữa mới lấy được quẻ thẻ số 37. Giở ra… thất vọng quá! Quẻ thẻ chỉ nói toàn những điều xấu nhưng chữ nghĩa thì không thể tả được, vừa khó hiểu, lại mông lung. Tôi nhìn ra xung quanh thì thấy rất nhiều vẻ mặt khác nhau. Người sung sướng, kẻ buồn chán vì chẳng may nhận được quẻ thẻ xấu.

Đi liền với việc xóc quẻ thẻ, một loại hình dịch vụ mới xuất hiện như vấn nạn ở đây. Nhiều năm trước tôi đã chứng kiến cảnh những người dân địa phương tranh thủ ngày xuân để kiếm tiền bằng cách giải quẻ thẻ. Và năm nay, hiện tượng đó vẫn tồn tại như một cái gai trước mắt khách du xuân. Dưới những tấm bạt căng tạm, nhiều ông thầy xem bói bằng đường chỉ tay, tướng số hoặc giải quẻ thẻ đang thao thao bất tuyệt trước những khuôn mặt ngơ ngác của thanh niên, phụ nữ luống tuổi.

Chúng tôi đã dừng lại nghe và thật khó chịu khi lời lẽ của các ông thầy chỉ toàn lặp lại hoặc nói một cách chung chung giống nhau. Trên tay các vị này đều có một cuốn sách nhàu nhĩ, điều đó chứng tỏ công suất sử dụng nó lớn tới cỡ nào! Tất nhiên, sau vài lời nói "không ảnh hưởng tới ai" ấy, mỗi vị đút túi vài nghìn đồng.

Nếu nhân nó lên con số hàng trăm người thì mỗi ngày các ông thầy kia thu được khoản tiền không nhỏ chút nào. Tôi chỉ đếm sơ sơ trong khoảng 100 mét chiều dài đoạn đường mà có tới hơn chục ông thầy như thế. Điều đáng nói là những lời giải quẻ thẻ của các ông thầy không đáng tin cậy, thế nên du khách nào tin tưởng tuyệt đối vào lời giải ấy thì tai họa thật khó lường!

Việc rút quẻ thẻ kiểu xô bồ ở đền Sái hiện nay có lẽ không hợp với chốn linh thiêng này. Và sự có mặt của các ông thầy bói theo "mùa vụ" lại càng không hợp với không khí lễ hội truyền thống. Mong rằng, Ban Quản lý di tích đền Sái sẽ có cách tổ chức tốt hơn làm vừa lòng khách du xuân và tránh tình trạng tái diễn hình thức xóc quẻ thẻ theo kiểu mê tín dị đoan như hiện nay

Việt Hà
.
.
.