Xe “nhái” chất lượng cao

Chủ Nhật, 04/06/2006, 08:35

Phía trong bến xe phía Nam, hổ lốn các loại xe chất lượng cao (CLC), xe thường, tuyến huyện, xe ba bánh... đỗ tùy tiện. Khách có tinh mấy cũng bị lừa, bởi không CLC cũng treo biển CLC, chẳng phải đi Thái Bình cũng tự gán cho xe mình tuyến Thái Bình mà không hề hấn gì.

Tình trạng nhộm nhoạm có thể thấy ngay tại bến xe phía Nam (Hà Nội). Vào 7-8h sáng là thời điểm có lượng xe xuất bến đông nhất trong ngày. Tận mắt thấy cả chục xe chen chúc khu vực cổng để đám "cò" lôi kéo, ép khách làm tắc nghẽn lối ra vào bến. Nhiều khách chưa kịp định thần đã bị lôi lên xe.

Mạnh ai nấy làm

Lãnh đạo bến xe thừa nhận, không thể kiểm soát hết tình hình trật tự bến. Chỉ riêng ngày 26 và 27/5, Ban Quản lý bến đã lập biên bản "đình tài" 7 ngày đối với một chục xe bao gồm 6 xe tuyến Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Thanh Hóa như 18N-1266 của Công ty Đức Lượng, 18N-4799 của Công ty cổ phần NĐ, 36N-9783 của HTX Tấn Thành, 29L-6205 đi Giao Thủy...

Hầu như ngày nào cũng có xe vi phạm, nhưng xử lý xong chỉ như "ném đá ao bèo". Phía trong sân, hổ lốn các loại xe CLC, xe thường, tuyến huyện, xe ba bánh... đỗ tùy tiện. Khách có tinh mấy cũng bị lừa, bởi không CLC cũng treo biển CLC, chẳng phải đi Thái Bình cũng tự gán cho xe mình tuyến Thái Bình mà không hề hấn gì.

Cán bộ trật tự bến đã phát hiện, lập biên bản quả tang nhiều trường hợp, như Công ty Anh Đào là ví dụ. Họ trương biển Transeco chỉ khác thương hiệu nổi tiếng Transerco có một chữ "r", hỏi ai đủ tỉnh táo để không nhầm!

Đó là ở bến. Khi có mặt thị sát trên một số tuyến đường, chúng tôi còn được chứng kiến những cảnh bức xúc hơn nhiều. Chị Trương Thị Dịu ở Lý Nhân, Hà Nam vì người nhà ốm phải đi chuyến cuối ngày tuyến cố định Hà Nội - Nam Định trên chiếc xe hiệu Transit. Phụ xe yêu cầu chị đưa tiền vé mức 20.000 đồng về Phủ Lý, mặc dù quy định chỉ có 15 ngàn đồng. Đến đầu đường Pháp Vân, xe dừng lại nhận thêm 3 khách. Chỗ chị ngồi có 3 ghế đã đủ người, nhưng tiếp tục bị nhồi thêm 2 khách nữa. Đã có cả hai hành khách bị đánh trắng trợn trên tuyến QL1B mà Cảnh sát 113 Bắc Ninh, Bắc Giang phối hợp bắt giữ, xử lý gần đây cho thấy vấn nạn này đã đến mức báo động.

Lộn xộn trước cổng ra của bến xe Giáp Bát.

Chưa hết, hầu hết các xe tư nhân chạy về các huyện đều có hành vi gian lận tuyến. Lái xe Công ty Xe khách CLC Transerco khẳng định, tuyến cố định Hà Nội - Vinh thường có 4 xe nhái thương hiệu nổi tiếng này từ màu sơn, lôgô, chỉ khác có một chữ nào đó như "er" thành "en" rất khó nhận ra. Điều này Ban Quản lý bến hai đầu tuyến biết, thanh tra trên đường biết nhưng không hiểu sao nhiều tháng qua không được chấn chỉnh.

Cùng chung tâm trạng bức xúc như trên, một số lái xe Công ty Hoàng Long cũng cho hay, các xe thường luôn có hai, ba biển đề tuyến chạy. Chỉ có điều, khi trả khách không bao giờ đúng nơi quy định vì xe đó không đăng ký trong bến, đồng thời phải lo trốn chạy lực lượng chức năng.

Các cơ quan chức năng cần vào cuộc

Nhận xét về tình trạng vận tải hành khách hiện nay, đa số người được hỏi đều khẳng định: Khách đi đường bao giờ cũng chịu phần thiệt. Đơn cử như tuyến Hà Nội - Hải Phòng, nhiều xe khách ở bến Gia Lâm cố tình sang cổng bến Lương Yên để đón khách trái phép. Giá vé quy định là 35.000 đồng, nhưng số lái, phụ xe này sẵn sàng chở với mức 30.000 đồng, thậm chí 20.000 - 25.000 đồng cũng sẵn sàng chạy.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bến xe phía Nam cho biết: Nguyên nhân trước hết là do các đơn vị đăng ký vận tải hành khách CLC nhưng không đăng ký bản quyền. Vì thế, ngay Ban Quản lý bến cũng không có cơ sở pháp lý nào để bảo vệ. Trong khi thẩm quyền và phạm vi xử lý của lực lượng quản lý bến rất hạn hẹp: phát hiện vi phạm thì lập biên bản, nhắc nhở, "đình tài" 3 ngày hoặc cao nhất là 15 ngày.

Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp muốn kinh doanh vận tải hành khách phải được sự chấp thuận của hai sở giao thông đầu tuyến, Công ty Quản lý bến xe ký hợp đồng và các doanh nghiệp trên cùng tuyến phải hiệp thương với nhau... Nhưng thực tế, các đơn vị vận tải tìm mọi cách để có giấy phép hoạt động (số này có 60-70 xe tại bến phía Nam). Còn toàn bộ hành trình trên các tuyến đường dường như bỏ ngỏ, tự lái và phụ xe tung tác.

Phức tạp về trật tự xảy ra chủ yếu ở khâu này mà Công an các địa phương thường xuyên phải xử lý. Hơn nữa, mức xử lý cũng không đủ sức răn đe. Nhưng nguyên nhân trực tiếp phải kể đến trách nhiệm của ban quản lý bến xe. Tình trạng lộn xộn ra vào đón trả khách, đỗ đậu như hiện nay là không chấp nhận được, tạo tâm lý không an toàn cho hành khách.

Để giải quyết vấn đề này, trước hết các tuyến xe CLC phải đăng ký thương hiệu, giá vé rõ ràng; phải rành mạch nơi đỗ xe CLC với các xe khác ngay tại bến để dân dễ nhận biết. Đồng thời, phải ngăn chặn tình trạng "cò mồi" xung quanh khu vực bến, bố trí luồng đường cho xe ra vào thuận lợi... Thế nhưng, điều quan trọng và có ý nghĩa quyết định là Thanh tra giao thông, lực lượng Công an các địa phương có tuyến xe đi qua phải thường xuyên theo dõi, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định, tránh tình trạng buông lỏng như hiện nay

Nhóm PV PL-BĐ
.
.
.