Xã Sơn Lộc, Bố Trạch, Quảng Bình: Thiếu trầm trọng đất canh tác và phúc lợi

Thứ Sáu, 05/09/2008, 11:23
Sơn Lộc là một xã miền núi khó khăn của huyện Bố Trạch, hàng chục năm qua người dân nơi đây mòn mỏi trông chờ cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội, như: Chợ, xây dựng khu nghĩa địa, khu văn hóa, trường tiểu học... nhưng đành chịu bởi xã không có quỹ đất xây dựng. Trong lúc đó, hàng trăm hécta đất trên địa bàn xã Sơn Lộc lại được giao cho các công ty, lâm trường trồng cao su.

Từ sự bất hợp lý đó, lãnh đạo huyện Bố Trạch và xã Sơn Lộc đã nhiều lần gõ cửa lãnh đạo tỉnh để xin cấp một ít đất xây dựng nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng. Vì sao vậy?

Nỗi niềm xã “4 không”

Là một xã miền núi nằm cách trung tâm huyện lỵ Bố Trạch chỉ hơn 10km, nhưng người dân Sơn Lộc thực sự còn lắm gian truân. Những con số trần trụi mà chúng tôi nắm được từ Sơn Lộc đã phần nào phản ánh điều đó.

Nói là xã miền núi nhưng tổng diện tích tự nhiên của Sơn Lộc chỉ có 1.170 ha, trong đó 2 lâm trường đóng trên địa bàn đã chiếm mất 638,99ha và đất hoang hoá không thể sản xuất nông nghiệp là 245,11ha.

Như vậy, xã Sơn Lộc chỉ còn 212,5ha chia đều cho 2.500 người dân, trung bình mỗi nhân khẩu chỉ được 850m2 dùng để cả ở, sinh hoạt và sản xuất. Diện tích đất tính theo đầu người ở Sơn Lộc vào loại thấp nhất cả tỉnh Quảng Bình. Nhiều ngày ở với người dân nơi đây để tìm hiểu chúng tôi được biết, khả dĩ người dân Sơn Lộc còn gần một nửa hộ đói nghèo là vì thiếu đất canh tác.

Đất xã thì nhiều nhưng tỉnh lại giao cho các lâm trường trồng thông và trồng cao su nên người dân sở tại chẳng được hưởng lợi gì. Ở một số địa phương khác, các lâm trường nhận đất xong giao lại cho bà con trồng cao su, thông rồi quản lý khai thác, còn ở Sơn Lộc các lâm trường giao cho công nhân lâm trường làm, còn bà con nông dân đứng ngoài cuộc.

Do vậy, hàng ngàn người dân nơi đây chỉ biết thắt lưng buộc bụng trông chờ vào 80ha sản xuất lúa nước. Còn cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội như: trường học, chợ, đường liên xã, khu dân cư... cũng chẳng có. Nguyên do là xã chẳng biết xây dựng vào đâu, "người chết còn chẳng có một nghĩa địa tập trung, nên người dân chôn lung tung trong khu dân cư vừa gây ô nhiễm vừa vi phạm luật", ông Hoàng Đăng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết vậy.

Thiếu đất canh tác nên nghèo đói đeo đẳng, vì vậy không ít thanh niên Sơn Lộc học chưa hết cấp 2 đã phải bỏ học vào miền Nam tìm kiếm việc làm. Mấy năm qua, người dân Sơn Lộc và huyện Bố Trạch làm một con đường nhựa chạy qua xã rất đẹp, đường làm xong, xã đề nghị tỉnh cấp cho 18ha hai bên đường, do Công ty Lâm - Công nghiệp Long Đại (Công ty Long Đại) đang quản lý để xây dựng cơ sở hạ tầng, và khu dân cư phục vụ ý nguyện của dân nhưng không hiểu sao, tỉnh ậm ờ còn Công ty Long Đại lại thi nhau trồng cao su hưởng lợi...

Sớm thực hiện chỉ đạo của tỉnh

Việc đề nghị tỉnh cấp 18ha 2 bên đường mới mở để phục vụ dân sinh được Đảng ủy, HĐND, UBND xã Sơn Lộc nhất trí cao. Bên cạnh đó, trong văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Cẩm Sơn, Chủ tịch UBND nhân dân huyện Bố Trạch cũng đề nghị: "Sơn Lộc là một xã miền núi, đất nông nghiệp ít, ngành nghề không có gì. Kính đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường cho phép xã được cấp lại 2 dãy đất quanh trục đường liên xã để bố trí dân cư, các công trình phúc lợi và dịch vụ nhằm đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội xã Sơn Lộc".

Trước ý nguyện chính đáng của xã Sơn Lộc, ngày 1/4/2008, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình có văn bản chỉ đạo "Yêu cầu Lâm trường Bố Trạch (thuộc Công ty Long Đại) không chuyển đổi rừng thông sang trồng cao su ở các vùng xen kẽ trong khu dân cư và các trụ sở, cơ sở công cộng của xã. Trong khi chuyển đổi, yêu cầu Lâm trường ngoài giao khoán cho công nhân lâm trường phải dành một phần diện tích giao khoán cho nhân dân trên địa bàn xã Sơn Lộc trồng cao su".

Tiếp đó, ngày 27/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài tiếp tục cho ý kiến "Yêu cầu Công ty Long Đại nghiên cứu những đề xuất của UBND xã Sơn Lộc một cách công bằng, khách quan phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để cùng UBND huyện Bố Trạch, Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất phương án giải quyết. Trong quá trình trồng cao su phải hết sức ưu tiên cho nhân dân sở tại được nhận khoán trồng, bảo vệ, chăm sóc cây cao su để góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương".

Tỉnh chỉ đạo là vậy, nhưng khi sự việc chưa được giải quyết thì Lâm trường Bố Trạch đã cho công nhân đốt hàng chục hécta rừng thông ngay gần trong khu dân cư xã Sơn Lộc để tiến hành trồng cao su. Thông cháy nghi ngút, gặp trời nắng nóng, gió to đã đẩy mùn, khói bao phủ cả xã Sơn Lộc hàng tuần lễ.

Sơn Lộc vắng tanh vì nhà nhà đóng cửa tránh khói bụi. Bên cạnh đó, do lâm trường đốt rừng vào thời gian không hợp lý nên đã gây cháy lan ra nhiều khu rừng trồng bạch đàn, thông của người dân. Vì khói bụi không nhìn rõ đường nên 3 người dân của xã Sơn Lộc đã gặp tai nạn nặng...

Như vậy, do tỉnh chỉ đạo chưa rốt ráo sự việc, Công ty Long Đại lại đang hành xử theo kiểu việc mình mình làm nên người dân nghèo Sơn Lộc chỉ biết ngậm ngùi đứng nhìn các công ty thi nhau trồng cao su hưởng lợi. Còn giấc mơ các công trình phúc lợi xã hội như chợ, trường học, khu dân cư, nhà văn hóa... xem ra vẫn là ảo ảnh

Dương Sông Lam
.
.
.