Vượt phá Tam Giang 'đổi' chữ cho con

Thứ Hai, 02/03/2015, 00:01
Đã nhiều năm qua, những người mẹ này cần mẫn chở gạo vượt phá Tam Giang để bán cho ngư dân đi biển. Nhọc nhằn, vất vả; thậm chí có lúc phải đánh đổi bằng cả sinh mạng, song họ vẫn bám níu lấy “nghề” để mưu sinh, “đổi” chữ cho con...

Buổi trưa tháng 2, trời nắng chang chang, sau khi chất gần 1 tạ gạo lên con đò nhỏ, bà Nguyễn Thị Lược (59 tuổi, ở thôn Thai Dương Thượng Tây, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) chuẩn bị vượt phá Tam Giang.

Đưa tay quệt vội mồ hôi lấm tấm trên trán, bà cho biết, số gạo này được một ngư dân ở thôn Hải Tiến (thị trấn Thuận An) đặt mua để làm lương thực cho chuyến biển đầu năm mới. Hơn 40 năm qua, bà Lược không thể nào nhớ hết mình đã chở bao nhiêu tấn gạo vượt phá Tam Giang để bán cho các ngư dân ở huyện Phú Vang làm nghề đánh bắt hải sản trên biển.

“Sau ngày đất nước giải phóng, vợ chồng tui chuyển về xóm Cồn Cát dựng nhà sát bên mép phá Tam Giang; ông nhà đánh bắt tôm cá còn tui buôn bán gạo. Mỗi sáng sớm, tui chèo đò xuống Hương Phong mua gạo rồi lại vượt gần chục cây số đưa gạo đi bán. Thời gian đầu, việc buôn bán gặp rất nhiều khó khăn do trắc trở sông nước, nay thì quen rồi…”, bà Lược bồi hồi nhớ lại những ngày đầu một mình cùng chiếc đò tròng trành trên phá Tam Giang với “nghiệp” bán gạo mưu sinh.

Điều đáng để bà Lược tự hào, đó là từ một hộ thuộc diện khó khăn ở địa phương, bằng nghề bán gạo, bà đã cùng chồng chắt chiu, dành dụm xây được một ngôi nhà lớn khang trang và đặc biệt nuôi được 4 người con ăn học nên người…

Những người mẹ ở xã Hải Dương vượt phá Tam Giang đi bán gạo mưu sinh.

Ngoài bà Lược, ở xã Hải Dương còn có nhiều phụ nữ khác theo “nghề” vượt phá Tam Giang bán gạo, có cuộc sống khấm khá. Điển hình như bà Phạm Thị Toàn (60 tuổi, ngụ ở thôn Thái Dương Thượng Tây). Trước đây, vì cuộc sống nghèo khó nên chồng bà Toàn bỏ vào Nam biền biệt, để lại bà một mình cùng 3 người con thơ. Quyết tâm không để cái nghèo, cái khó đeo bám, cản đường học hành con cái, năm 1990, bà Toàn dành dụm được ít vốn rồi mua lại một con đò nhỏ để làm nghề bán gạo.

Theo lời bà Toàn, phụ nữ vượt phá Tam Giang bán gạo cũng chẳng dễ dàng, có nhiều lúc thời tiết không thuận lợi sóng to gió lớn đe dọa đến tính mạng. Bà kể rằng, có một lần bà suýt phải bỏ mạng trên phá Tam Giang, khi cùng 5 phụ nữ ở xóm đi trên 6 chiếc đò để đến chợ Sịa mua gạo nước mặn. Trên đường về đến bến đò Vĩnh Tu thì bất ngờ gặp trận cuồng phong khiến sóng trên phá cao gần cả thước, làm đò chao đảo liên hồi. May mà lúc ấy mọi người bình tĩnh nhắc nhau giữ vững tay chèo mới đưa mấy con đò về đến thôn an toàn. Khó khăn, nguy hiểm là thế, nhưng đã theo “nghề” chẳng ai bỏ gánh nửa chừng.

Bà Trần Thị Tâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Dương cho biết, so với các địa phương ven vùng đầm phá, như Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Thái... thì hiện chỉ có phụ nữ Hải Dương vẫn còn lưu giữ “nghề” buôn gạo vượt phá Tam Giang và có khoảng 20 người theo “nghề” này.      

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương, cho biết: Xã Hải Dương có 55ha diện tích đất lúa, ngoài cung cấp lương thực cho người dân trong xã thì những người buôn bán gạo như bà Lược, bà Toàn, bà Phạm Thị Măng, Phạm Thị Khuyến... còn vận chuyển gạo vượt phá Tam Giang để đưa đi các nơi khác bán. Chẳng những cho thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình, nuôi con cái ăn học đến nơi, đến chốn, nhưng phụ nữ vượt phá Tam Giang buôn bán gạo còn góp phần đẩy mạnh việc giao thương, quảng bá các giống lúa cho gạo ngon, thơm, dẻo của địa phương...

Anh Khoa
.
.
.