Vụ nhiều nữ sinh viên “mất tích” ở TP HCM: Thủ đoạn của nhóm đa cấp

Thứ Bảy, 20/06/2020, 22:17
Trong cả tháng qua, chúng tôi phát hiện từ một chi nhánh đa cấp có tên là T.P tại quận 7 đã hình thành cả hệ thống các chi nhánh rải khắp TP HCM. Thậm chí lan xuống tận TP Cần Thơ. Số lượng nạn nhân lên đến hàng chục người, là sinh viên (SV) các trường đại học, cao đẳng.

.

Bị ép gọi về gia đình trấn an tinh thần

Qua tìm hiểu, nữ SV P.H.A (SN 2011, ĐH L.) “mất tích” vào trưa 24/5 ở nhà trọ tại quận 4. Cuối tháng 5, báo chí thông tin thì trong đêm khuya, A. dùng một số điện thoại lạ gọi về cho mẹ, van xin không cung cấp thông tin cho báo chí rồi cúp máy đột ngột.

Tương tự trường hợp của em A, nữ SV T.N.T.T (cũng SN 2011, SV ĐH M.) cũng chưa tìm thấy. 

Chiều 6/6, gia đình đã tìm đến chi nhánh đa cấp tại quận 9 và xảy ra xô xát với nhân viên của nhóm đa cấp. Ngay lập tức, nhóm này thấy “động” và điều khiển nạn nhân dùng số lạ gọi về gia đình để trấn an. Em T. cũng gọi về cho cha mẹ chỉ trong hai phút rồi cúp máy đột ngột, thông tin ngắn gọn là vẫn bình yên, khuyên gia đình đưa người về đi rồi em ấy sẽ về.

Năm ngoái, một nữ SV tên T., (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) tham gia “làm thêm” tại chi nhánh quận Bình Tân và “mất tích”. Người nhà đã tìm đến chi nhánh này tìm kiếm T. Quản lý nhóm tại đây là N.T.T dặn nhân viên không được tiết lộ thông tin về em T. Do không tìm ra con mình, gia đình nạn nhân bực tức đã đập phá chi nhánh. Và ngay trong đêm, T. cũng dùng số điện thoại lạ gọi về để trấn an gia đình, hứa hẹn quay về nhưng chưa phải là lúc này.

Tiền của gia đình cho đi du học, các nạn nhân mang lên chi nhánh để được “thăng hạng” và hàng đa cấp mà nạn nhân mua của một chi nhánh.

Sự hối hận muộn màng

Nữ SV L.N.T (cựu SV trường Cao đẳng C, quận Thủ Đức) xem qua mạng xã hội thấy quảng bá về cơ sở đa cấp hấp dẫn nên bị hút theo. Họ nói với em T. là “phi thương bất phú”. T đã đầu tư 20 triệu vào mua hàng đa cấp nhưng điều kì lạ là hàng không bán ra ngoài mà phỉnh dụ thành viên mới vào nhóm. Mỗi lần như vậy, T. sẽ được “bôi trơn” 500 nghìn đồng. Sau đó, để thăng hạng bạc hay thương gia thì T. sẽ được làm giả hồ sơ đi du học Hàn Quốc để lấy 400 triệu đồng.

Tuy nhiên, T. là bị gia đình phát hiện nên không cho tiền. Sau đó, T. bị đuổi học và phải về làm việc tại chi nhánh Bình Tân của nhóm đa cấp này. Lương chỉ 500.000 đồng/tháng, chỉ ăn mì gói, không được gặp bạn bè, không có thời gian đi chơi. 

Làm việc từ sáng sớm đến nửa đêm nên nhân viên làm cho nhóm đa cấp này đều xuống sức. Họ không cho nạn nhân yêu đương và phải viết giấy cam kết vì sợ gãy đổ cả hệ thống. Sau đó, T. quyết định nghỉ việc tại đây, tìm việc làm thêm bên ngoài. 

“Tới giờ em không hiểu sao lại nghe theo lời họ suốt ngần ấy thời gian? Hiện em vẫn che giấu việc bị đuổi học mà gia đình ở tỉnh thì không hề hay biết ?” – T. nói.

Ngoài nữ SV, nam SV cũng là nạn nhân của nhóm này, trong đó có T.V.M (cựu SV một trường CĐ). Khi mới vào năm 1, thấy nhóm đa cấp này rao tuyển làm thêm nên xin vào làm. Người đầu tư lớn thì được vào câu lạc bộ, người đầu tư nhỏ thì xin gia đình du học ở nước ngoài, bảo lãnh cho người nhà đi nước ngoài. 

Họ sẽ cho nạn nhân học, tìm hiểu gia đình có kinh doanh, cho thuê phòng trọ…, cho đi ăn, xem phim, tạo quan hệ thân tình. Sau đó, họ sẽ kiểm tra lại “kiến thức” để đối phó với gia đình. M từng bị gia đình tìm ra và đưa về nhà. 

Sau đó, M. vào trung tâm thương mại với ba nhưng nhanh chân trốn thoát để về với… nhóm đa cấp. Họ sẽ đưa nạn nhân đi giấu (thậm chí chuyển xuống cả chi nhánh TP Cần Thơ), cắt điện thoại liên lạc với gia đình để không bị tác động tâm lý. M. làm việc tại chi nhánh Bình Tân từ năm 2017, bị đuổi học, sau đó nhận thức được điều đúng đắn và lập tức nghỉ việc, đi tìm công ty mới. 

Theo điều tra của chúng tôi, nhóm đa cấp này có tên rất mỹ miều là công ty S.V. G, (tọa lạc quận Bình Thạnh), do ông P.N.B làm đại diện pháp luật. Hiện công ty này có nhiều chi nhánh tại quận 7, quận 9, Thủ Đức, Gò Vấp…Đứng đầu công ty hiện nay là P.V.K (quê Ninh Bình), từ khi tham gia công ty đã có tiền mua nhà tại TP HCM.

Liên quan đến việc lo hồ sơ du học giả để đưa các nạn nhân về gia đình đòi 200-500 triệu đồng để “thăng hạng” trong từng chi nhánh, vai trò lớn nhất là P.V.S, từng tốt nghiệp ĐH K., được công ty đánh giá là thông minh. S. sẽ đeo bao tay (không để lại dấu vết – PV), đưa hồ sơ cho nạn nhân, nạn nhân chỉ việc điền tên vào và mang về gia đình để “moi tiền”. Ngoài ra, Đ.T.T.T được cho là tổng quản lý các chi nhánh.

Sau khi “bào” được tiền từ cha mẹ, các nạn nhân sẽ mang những bó tiền đến các chi nhánh đa cấp của công ty S.V.G để được “thăng hạng” là nhà đầu tư kim cương hoặc hạng vàng. Sau đó, các em sẽ được chụp hình và quay phim lại, “quăng” lên mạng để chiêu dụ… “con mồi” mới. Điều này rất giống với lúc được nhận vào chi nhánh với danh ảo là “nhà đầu tư”, các em sinh viên sẽ đọc môt tờ giấy cam kết tham gia đa cấp là “tự nguyện, trong trạng thái minh mẫn, không bị ép buộc…”. Nhân viên các chi nhánh của công ty đa cấp này sẽ ghi hình lại để làm bằng chứng, hòng tính chuyện đối phó với cơ quan chức năng.

C.Bình-X.Hòa
.
.
.