Viết tiếp bài “Hiu hắt bảo tàng ngàn tỉ”: Giám đốc Bảo tàng Hà Nội nói gì?

Thứ Tư, 13/09/2017, 11:04
Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội lý giải, sở dĩ có tình trạng “Hiu hắt bảo tàng ngàn tỉ” là do toàn bộ trưng bày của bảo tàng là trưng bày tạm thời chứ chưa phải là trưng bày thường xuyên. Bảo tàng chưa tiến hành bán vé tham quan, vì vậy chưa có nguồn thu để tái đầu tư và tổ chức các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan.

Ngày 10-9, Báo CAND có bài viết “Hiu hắt bảo tàng ngàn tỉ”, trong đó phản ánh Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hà Nội đã cho thuê khuôn viên làm quán bia, quán cà phê, gây lãng phí nghiêm trọng.

Ngay sau khi đăng bài, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội để ghi nhận những phản hồi của đơn vị này trước thực trạng trên.

Cụ thể, trong bài “Hiu hắt bảo tàng ngàn tỉ”, phóng viên đề cập đến 3 vấn đề chính đang tồn tại tại Bảo tàng Hà Nội, gồm: một phần của Bảo tàng bị xuống cấp, mối mọt gặm nhấm; một góc khuôn viên của Bảo tàng được dành cho quán cafe Helio hoạt động và thực trạng “hiu hắt” khách tham Bảo tàng.

Ông Nguyễn Tiến Đà cho biết đã đọc bài báo phản ánh trên Báo CAND và cung cấp thông tin, đến ngày 1-8-2017, UBND thành phố Hà Nội chính thức giao cho Bảo tàng Hà Nội làm chủ đầu tư công trình Bảo tàng Hà Nội. Sở dĩ có việc này là do từ khi triển khai dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội giao cho Sở Xây dựng làm chủ đầu tư.

Khu vực trưng bày phố cổ của Bảo tàng Hà Nội đang sửa chữa, bảo hành (ảnh chụp sáng 9-9).

Trong quá trình thực hiện giai đoạn II, có nhiều công việc liên quan đến chuyên môn bảo tàng nên thành phố Hà Nội đã điều chỉnh, chuyển giao cho Sở Văn hóa – Thể thao quản lý. Hiện tại, Ban quản lý dự án (Bảo tàng Hà Nội) đã được sáp nhập, trở thành 1 trong 5 đơn vị cấp phòng của Bảo tàng Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Tiến Đà, Bảo tàng Hà Nội được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10-2010 theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) giữa Sở Xây dựng với Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) với số vốn đầu tư của Vinaconex hơn 1.000 tỉ đồng. Đến năm 2012, sau 24 tháng bảo hành, bảo trì, Sở Xây dựng Hà Nội tiến hành lập và ký biên bản bàn giao bảo tàng cho Sở Văn hóa – Thể thao, sau đó Sở Văn hóa - Thể thao giao cho Bảo tàng Hà Nội quản lý công trình này.

Đến năm 2013, Bảo tàng Hà Nội tiến hành xây dựng nội dung và thiết kế chi tiết trưng bày. Nguồn ngân sách để hoàn thành các hạng mục, công việc trưng bày thường xuyên được giao cho dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội là hơn 700 tỉ đồng.

Từ năm 2016, thực hiện chủ trương của UBND thành phố Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội tiếp tục điều chỉnh một phần kế hoạch nội dung và thiết kế chi tiết trưng bày cho phù hợp với nguồn tài liệu hiện vật đã có của bảo tàng, đảm bảo được nội dung khoa học và tiết kiệm chi phí ngân sách nhà nước. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, công việc triển khai trưng bày thường xuyên sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2019. Đến đầu năm 2018, Bảo tàng Hà Nội sẽ đóng cửa để tiến hành thi công trưng bày trong gần 2 năm.

Phản hồi lại nội dung Bảo tàng Hà Nội thưa vắng khách trong bài viết “Hiu hắt bảo tàng ngàn tỉ”, ông Nguyễn Tiến Đà xác nhận tình trạng này. Ông Đà cho biết, theo thống kê của Bảo tàng, tổng lượng khách trung bình hàng năm đến tham quan Bảo tàng Hà Nội ước tính khoảng từ 100.000 đến 110.000.

Ông Đà lý giải, sở dĩ có tình trạng này là do tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ trưng bày của Bảo tàng Hà Nội là trưng bày tạm thời chứ chưa phải là trưng bày thường xuyên. Bảo tàng chưa tiến hành bán vé tham quan, vì vậy chưa có nguồn thu để tái đầu tư và tổ chức các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan.

Để khắc phục khó khăn này, Bảo tàng Hà Nội đã từng bước xã hội hóa các hoạt động làm phong phú thêm nội dung trưng bày và thu hút công chúng. Theo kế hoạch cuối năm 2017, Bảo tàng Hà Nội sẽ phối hợp với Hội màu nước quốc tế, Group Đình làng Việt, họa sĩ Ngô Xuân Bính... để tổ chức các hoạt động triển lãm tại Bảo tàng.

Vấn đề thứ 2 trong bài viết “Hiu hắt bảo tàng ngàn tỉ” Báo CAND đề cập là tình trạng một phần trưng bày của Bảo tàng bị xuống cấp, mối mọt gặm nhấm, ông Nguyễn Tiến Đà giải thích: Công trình bị xuống cấp như Báo CAND phản ánh nằm trong khu vực trưng bày tái hiện khu nhà phố cổ nằm trong khuôn viên Bảo tàng. Công trình được khởi công xây dựng cuối năm 2016 và có thời hạn bảo trì đến cuối năm 2017.

Từ ngày xây dựng xong đến nay, Bảo tàng cũng tiến hành một số hoạt động trưng bày ở khu vực này. Tuy nhiên, do không thường xuyên hoạt động, cộng thêm khí hậu, thời tiết, độ ẩm, mối mọt… đã khiến công trình xuống cấp. Khi phát hiện ra sự xuống cấp này, Bảo tàng Hà Nội đã yêu cầu đơn vị thi công tu sửa lại theo đúng hợp đồng bảo hành, bảo trì trước khi tiến hành nghiệm thu, bàn giao vào cuối năm nay.

Vấn đề thứ 3 trong bài viết được Báo CAND đề cập là tình trạng khoảng 200m2 trong khuôn viên của Bảo tàng được dành cho quán cafe Helio, ông Nguyễn Tiến Đà xác nhận hiện Bảo tàng đang cho quán cafe Helio thuê. Ông Đà lý giải, trong Điều 48 của Luật Di sản có qui định các bảo tàng được phép bố trí không gian dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn uống, giải khát cho du khách.

Chủ trương của UBND thành phố Hà Nội trong việc xây dựng và hoàn thiện Bảo tàng Hà Nội là tối ưu hóa việc xã hội hóa vì ngân sách nhà nước có hạn. Về lâu dài, sau khi hoàn thành các phần việc vào cuối năm 2019, Bảo tàng sẽ bố trí khu vực ăn uống phục vụ du khách ra phía ngoài tòa nhà, nằm trong khuôn viên sân vườn của Bảo tàng.

Dự kiến, đến cuối năm 2019, Bảo tàng Hà Nội đi vào hoạt động với nội dung trưng bày thường xuyên theo 7 chủ đề. Hiện các công việc để triển khai chi tiết nội dung trưng bày đang được các cán bộ của Bảo tàng Hà Nội tiến hành khẩn trương, gấp rút.

Cảnh Vũ
.
.
.