Vì sao nhận tiền 6 năm chưa giao đất cho dân?
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, sau khi san lấp mặt bằng, Dự án bỗng nhiên đóng băng. 171 hộ dân có trong danh sách được cấp đất ở dự án này đã nộp tiền từ 6 năm trước (2003) đến nay chưa ai được bàn giao một mét đất làm nhà.
Dân trông chờ mỏi mắt
Theo đơn thư của bạn đọc, phóng viên Báo CAND tới xã Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng để tìm hiểu về Dự án 5A - 5B. Tìm được Ban quản lý Dự án đã là việc khó, đến khi đứng trên đất dự án rồi, mà chúng tôi vẫn không thể nhận ra nếu như không phát hiện một số cống bi thấp thoáng sau bụi cỏ cây.
Được biết, ngay sau khi thu hồi hơn 90 nghìn m2 đất canh tác từ các hộ dân, Ban quản lý dự án đã cho san lấp mặt bằng, vận chuyển một số cống bi đến chân công trình. Tuy nhiên, công việc đến đây thì dừng lại. 171 hộ dân hầu hết thuộc xã Hồng Phong có nhu cầu nhà ở, người vay mượn, người bán vàng và tài sản để nộp tiền, hy vọng sớm có được một chỗ ở khang trang.
Thế nhưng nộp tiền cho chính quyền địa phương rồi, ngày này qua tháng khác, không thấy bóng dáng một nhà thầu nào đến triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng. Rất nhiều hộ dân gặp khó khăn về chỗ ở, song vẫn hy vọng, khắc phục khó khăn chờ đợi...
Ngày ngày đi qua khu dự án nhìn cảnh đồng ruộng hoá sa mạc, người dân trong xã không khỏi xót xa rồi người nọ rủ người kia ra trồng lạc trồng vừng để vớt vát những thiệt hại mà họ đang phải hứng chịu. Đến nay, DA 5A - 5B vẫn là khu cỏ hoang, xen kẽ một số luống lạc và lưa thưa mấy căn nhà chưa giải phóng mặt bằng. Người dân thì trông chờ việc triển khai dự án đến mỏi mắt.
Chủ dự án không đủ năng lực
Kế hoạch giao đất làm nhà ở cho tổng số 296 hộ dân thuộc Dự án 5A - 5B xã Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 1274/QĐ-UB ngày 29/6/2003. Tiếp đó UBND huyện An Dương cũng đã ra Quyết định số 197/QĐ-UB ngày 28/8/2003 về việc giao đất cho các hộ gia đình làm nhà ở.
Theo ông Phạm Văn Nhường - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện An Dương cho biết, dự án được UBND huyện giao cho Phòng Công thương nghiệp (nay là Phòng Công thương) làm chủ đầu tư, song nguồn vốn 100% lại huy động từ dân. Theo tính toán, với mức thu thời điểm năm 2003 là 410.000đ/m2, thì tổng số tiền thu được của 58.383,2m2, sẽ là 23,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên cho đến nay, mới có 171/296 hộ dân nộp tiền, trong đó cũng chỉ 82 hộ là nộp đủ, còn lại là nộp một phần (hoặc khoản nộp về quyền sử dụng đất, hoặc tiền xây dựng cơ sở hạ tầng). Chính vì vậy, UBND xã Hồng Phong chỉ thu được vẻn vẹn có 4,9 tỷ đồng.
Số tiền này năm 2003 và 2004 đã chi hết vào việc giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng và một vài hạng mục xây lắp. Dự án rơi vào thế bế tắc, nhà thầu nhổ trại đi nơi khác. Tháng 5/2005, thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy và Quyết định của UBND huyện An Dương, Phòng Công thương nghiệp bàn giao dự án cho Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện, ông Nguyễn Thế Son được giao làm Giám đốc.
Tuy nhiên, kinh phí đã hết sạch, BQL chỉ còn loay hoay với 2 bàn tay trắng. Song điều đáng nói là trong suốt 4-5 năm trời, trách nhiệm đối với 171 hộ dân xã Hồng Phong không được chính quyền huyện An Dương thể hiện bằng sự tập trung chỉ đạo, tìm giải pháp giải quyết dứt điểm. Còn dân không biết tương lai dự án sẽ đi về đâu...
Cần có sự vào cuộc của huyện
Tháng 9/2009, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện An Dương có sự thay đổi nhân sự. Ông Phạm Văn Nhường là người kế nhiệm ông Nguyễn Thế Son. Trước những bức xúc của gần 2 trăm hộ dân xã Hồng Phong, đây có thể coi như là một động thái tích cực mới.
Làm việc với phóng viên Báo CAND, ông Nhường cho rằng "đây là một dự án khả thi, sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành vào quí II, chậm nhất là quí III/2009". Cơ sở khẳng định bởi ông cho đây là một địa thế đẹp, mặt khác BQL đã tìm ra giải pháp mới và đã dự kiến mời được những nhà thầu có năng lực tham gia đấu thầu mở rộng, trong đó có sự cam kết không thực hiện theo qui định tạm ứng của chủ đầu tư nữa, mà nhà thầu sẽ tự bỏ vốn vào.
Về kinh phí đóng góp của dân, trừ những hộ đã nộp đủ theo qui định, còn lại đối với các hộ chưa nộp đủ, thì khoản thiếu sẽ phải đóng tiếp theo áp giá phù hợp thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, để hoàn thành dự án theo kế hoạch, sớm đáp ứng yêu cầu cấp bách, chính đáng của 171 hộ dân xã Hồng Phong, không thể không có sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương và sự phối hợp tích cực của các ban, ngành chức năng, bởi được biết dự án còn vướng mắc tới 7 hộ dân với 1.600m2 chưa thể giải phóng mặt bằng…