UBND huyện Đồng Phú, Bình Phước: Giải quyết khiếu nại nhưng... không cho dân biết

Thứ Tư, 02/04/2008, 16:18
Khi tiếp nhận đơn khiếu nại của 18 hộ dân quanh việc nhận giao khoán rừng ở Ban Quản lý rừng kinh tế Suối Nhung (BQLRKTSN), UBND huyện Đồng Phú nhiều lần tổ chức họp các ban, ngành để bàn hướng giải quyết và đi đến quyết định thanh lý tất cả 18 hợp đồng này. Nhưng điều lấy làm lạ là những kết luận này chẳng có văn bản trả lời cho người dân.

Thấy khiếu nại của mình không được UBND huyện ra quyết định giải quyết theo quy định của pháp luật, người dân gửi đơn đến UBND tỉnh Bình Phước.

Nơi này cũng tổ chức họp và có kết luận của ông Trương Tấn Hiệu, Chủ tịch UBND tỉnh về quan điểm giải quyết vụ việc này nhưng rồi cũng không trả lời cho dân biết. Thế là sau hơn 2 năm trời khiếu nại, người dân không nhận được văn bản trả lời nào khiến họ không biết đâu mà lần. 

Tháng 3/2003, BQLRKTSN có hợp đồng "giao khoán quản lý bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh trồng rừng và chăm sóc rừng trồng" với 18 hộ dân (tổng cộng 485ha) trong thời hạn 20 năm. Hợp đồng này có sự phê duyệt của Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú lúc bấy giờ. Thế nhưng đến năm 2006, 2 trong số 18 hộ dân đã bị chính quyền tổ chức cưỡng chế san bằng cây cối, hoa màu nhà cửa mà không có quyết định cưỡng chế, không được đền bù.

Đến giữa tháng 10/2007, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú ra thông báo thanh lý tất cả các hợp đồng giao khoán và cũng chẳng nói năng gì đến quyền lợi của người dân. Lý do mà UBND huyện Đồng Phú đưa ra là do 18 hộ dân nói trên đã để mất rừng, cụ thể là 139ha rừng lồ ô và gỗ.

Trong khi đó, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bình Phước vào năm 2005 xác định rừng bị mất trước khi giao khoán cho dân. Mặt khác, theo thông báo của UBND huyện Đồng Phú thì đất rừng bị thu hồi này sẽ giao lại cho Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú để thực hiện trồng rừng và trồng cao su.

Và có lẽ thấy bị động nên trong thông báo về việc "Ý kiến kết luận của ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú" ngày 19/3/2008, UBND huyện Đồng Phú cho hay: "Sau khi thu hồi, dự kiến giao lại cho Ban chỉ huy Quân sự huyện 30ha, giao 100ha thực hiện dự án theo Quyết định 33, phần diện tích còn lại giao cho Công ty Cao su Đồng Phú".

Điều này cũng có nghĩa là, cho đến hôm nay, 18 hộ dân cũng chưa tường tận đất rừng mà mình được giao khoán nay bị UBND huyện đơn phương thanh lý được giao cụ thể cho ai và sử dụng như thế nào?

Trong khi đó, một vấn đề hết sức cốt lõi mà họ cần được giải quyết trong khiếu nại của mình là trong số 18 hộ dân này ai đúng (thực hiện theo đúng hợp đồng giao khoán), ai sai (phá rừng) cần được tách bạch rõ ràng và phải trả lời bằng văn bản theo đúng quy định của Luật Khiếu nại tố cáo...

Việc các cấp chức năng tỉnh Bình Phước cố tình kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Khiếu nại tố cáo, cần được xử lý theo quy định của pháp luật

M.T.P.
.
.
.