Tuyển sinh và đào tạo tại ĐHSP TDTT Hà Tây: Nhiều chuyện kỳ khôi

Thứ Tư, 25/05/2005, 15:38
Thoạt nghe, nhóm phóng viên chúng tôi cứ tưởng đó chỉ là chuyện phiếm. Nhưng tận mắt chứng kiến một buổi tập của các em học sinh ở đây, mới thấy những điều bạn đọc phản ánh là hoàn toàn có cơ sở và nhiều khi đến nực cười. Nếu như số đông các em có thể hình cân đối, đủ sức khỏe của một VĐV của thầy, cô giáo trong tương lai thì cũng có nhiều học sinh thấp bé, nhẹ cân và có những lệch lạc về thể chất.

Nhiều em nói ngọng đến nỗi mỗi lần cất lời là cả lớp lại được một trận cười. Còn có em mỗi khi xuống đường chạy là cắm cổ phi như trắc đạc viên vẽ bản đồ nhưng cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ môn học vì những khuyết tật về thể chất ngay từ khi vào trường. Điều đáng nói là họ - những người không thể hoàn thành môn học hoặc phải bỏ cuộc phần nhiều lại rơi vào số những học sinh thuộc diện tuyển thẳng hay có số điểm kiểm tra đầu vào rất cao.

 

Đi sâu vào vấn đề, có thể thấy, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng này là những bất hợp lý trong khâu tuyển sinh mà nhà trường vẫn trung thành áp dụng trong nhiều năm qua. Thông thường, học sinh muốn vào trường phải qua hai khâu bắt buộc là kiểm tra thể hình (bao gồm cả cân nặng, chiều cao, giọng nói...). Sau đó là thi bật xa tại chỗ và chạy rích rắc (luồn 6 cột trên độ dài 15m). Điểm hai nội dung trên cộng với điểm thi hai môn văn hóa (toán và sinh) làm cơ sở xét tuyển theo độ dốc từ trên xuống.

 

Nhìn tổng thể, thì cách tuyển sinh này có vẻ toàn diện và khoa học. Nhưng với nội dung thi thực hành kiểu này, theo nhiều chuyên gia là không đủ điều kiện để đánh giá tố chất của học sinh theo các tiêu chí nhanh, mạnh, bền, khéo của một trường thể thao. Chỉ riêng nội dung bật xa tại chỗ cũng đã bộc lộ tính chất không khách quan và là kẽ hở lớn cho tiêu cực trong xét tuyển đầu vào.

 

Cụ thể thí sinh dự thi được quyền bật xa tại chỗ 3 lần, kết quả được hai giám khảo ghi nhận và ký tên. Điều này không hợp lý ở chỗ, thí sinh được xác nhận có tham gia dự thi nhưng không được ký xác nhận vào phiếu ghi thành tích thi của chính mình. Nếu có thắc mắc thì cũng không có quy định nào cho phép kiểm tra đánh giá lại kết quả thi đó. Như thế, nói không quá là kết quả thi đỗ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hai vị giám khảo. Vì những lý do trên, mà bản thân các vị giám khảo cũng chịu nhiều sức ép từ phía gia đình các thí sinh.

 

Cũng đã có sự mời gọi làm "cơ chế" đối với một vài giám khảo để cho con em họ vào trường. Nhưng có một điều dễ hiểu, là kẽ hở tuyển sinh "to như quốc lộ" được áp dụng nhiều năm qua thì tiêu cực phát sinh là điều khó tránh khỏi. Kết quả của phương pháp tuyển sinh này đã để "lọt lưới" khá nhiều học sinh không đảm bảo yêu cầu, mà cụ thể như lớp đại học 2 A4 có cả học sinh khuyết tật giọng nói, có cả học sinh yếu kém đến mức chạy 1.500 m thành tích là trên 8 phút, trong khi nếu chạy hết 6 phút đã là điểm 0 rồi.

Nói đến công tác tuyển sinh ở đây, không thể không nhắc đến các đối tượng được tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Trong ngành Thể thao, những VĐV cấp I và kiện tướng quốc gia là đối tượng được tuyển thẳng, điều đó không có gì phải bàn. Nhưng, theo phản ánh của giáo viên thì chính các em trong diện tuyển thẳng lại có nhiều điều đáng bàn về chất lượng.

 

Chúng tôi không muốn dẫn ra đây nhiều trường hợp cụ thể, nhưng như em Hải (lớp A1 K36) là VĐV cấp I cầu mây mà không biết đá cầu, sau đó học kém và đến nay đã rời trường, là không thể chấp nhận. Hay như VĐV bóng bàn vào khoá 35 cao đẳng nhưng không chơi nổi bóng bàn ở giải nghiệp dư và không thể hiện được phẩm chất như những học sinh bình thường khác. Điều đó  khiến người ta phải đặt dấu hỏi: Con đường vào trường của những VĐV này có trong sáng hay không? Và nhà trường đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Có hay không những tiêu cực trong tuyển sinh và đào tạo?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Bằng - Phó Hiệu trưởng phụ trách tuyển sinh và đào tạo khẳng định, những bất cập trong một số khâu tuyển sinh là có. Nhưng xuất phát từ thực tế sức ép số lượng lớn (7- 8 ngàn) thí sinh dự vòng sơ loại và thi thực hành trong một khoảng thời gian ngắn thì không thể làm tốt hơn được. Nếu là trời mưa thì việc thi thực hành cũng khó thực hiện. Vì thế, nhà trường đang hoàn thiện đề tài cấp Bộ về việc tổ chức thi xét tuyển học sinh trong nhà. Ông cũng thừa nhận việc thi, ghi nhận thành tích nội dung bật xa như trên là có kẽ hở để nảy sinh tiêu cực.

 

Nếu như vậy, phải chăng đó chính là một trong những lối vào trường khá dễ dàng cho không ít học sinh yếu kém? Về những học sinh tuyển thẳng không đáp ứng yêu cầu, ông cũng khẳng định nhà trường đã làm đúng quy chế. Nhưng nếu chỉ cần làm đúng quy chế thôi, để rồi sau 3 - 4 năm cho ra lò những thầy, cô giáo có khuyết tật hình thể hoặc không vững chuyên môn thì liệu đã tròn trách nhiệm? Và thực tế, những năm qua, với cách tuyển sinh còn nhiều bất cập như thế này, chắc không ít giáo viên ra trường mà chất lượng chưa thể yên tâm.

 

Đó là chưa kể đến những vấn đề nảy sinh rất khó hiểu ở một số lớp liên kết đào tạo đại học và trung học mà nhà trường tham gia. Khi chúng tôi viết bài này, có nhiều thông tin phản ánh về lớp liên kết đào tạo trung học thể dục - thể thao với Sở Giáo dục - Đào tạo Bắc Kạn. Trong đó, theo chúng tôi được biết, đã có ít nhất 3 hồ sơ giả bị phát hiện cùng các khoản thu của học sinh rất đáng xem xét mà cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ

Nhóm PV điều tra
.
.
.