Trù dập người tố cáo dẫn đến hai bản án oan sai?

Thứ Năm, 23/12/2004, 14:17

Vì dám nêu rõ những vi phạm diễn ra tại đơn vị mình, bà Nguyễn Thị Phú, nguyên giáo viên Trường Trung học Nghiệp vụ du lịch Hà Nội đã phải buộc thôi việc. Chỉ đến tháng 9/2004 vừa qua, khi Thanh tra Nhà nước kết luận, một phần sự thật về những vấn đề này mới hé lộ.

Phải sau rất nhiều thời gian đắn đo lựa chọn, cuối tháng 9/2004, bà Nguyễn Thị Phú, nguyên là giáo viên của Trường Trung học Nghiệp vụ du lịch (THNVDL) Hà Nội, hiện trú tại 267/23/1, Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội mới tìm đến Toà soạn Báo CAND gửi đơn khiếu nại.

 

Câu chuyện này được bắt đầu từ tháng 2/2000, khi bà Nguyễn Thị Phú đã có đơn đề nghị gửi lên các đơn vị chức năng và lãnh đạo Tổng cục Du lịch đề nghị xem xét 5 vấn đề tồn tại của Trường THNVDL Hà Nội: Đó là những bất cập trong chất lượng đầu tư của Dự án VIE/002; tình trạng các chương trình môn học và giáo trình chưa có, đặc biệt là các môn nghề, dẫn đến giáo viên giảng dạy tùy tiện, không theo đúng chương trình môn học, giảng sai nghiệp vụ; quyết định hội đồng xét duyệt chương trình môn học; công tác đề bạt cán bộ chưa theo đúng nguyên tắc của Nhà nước; thiếu công khai trong việc thu chi tài chính.

Những đơn khiếu tố này sau khi được gửi đi đã quay vòng về ngay đơn vị đang bị tố cáo để tự xem xét giải quyết. Mặc dù sau đó, Ban Thanh tra nhân dân Trường THNVDL Hà Nội có báo cáo nội dung bà Phú khiếu nại có 15 vấn đề hoàn toàn sai, 15 vấn đề không hoàn toàn đúng và 1 vấn đề có cơ sở. Thế nhưng, sau đó Tổng cục Du lịch đã có công văn giải quyết khiếu nại gửi nhà trường và bà Phú trong đó khẳng định: "Trên 30 sự việc bà Phú phản ánh là sai, chỉ có một nội dung quản lý chưa khoa học là có căn cứ", yêu cầu Trường THNVDL Hà Nội và bà Phú phải nghiêm khắc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo kết luận Thanh tra.

 

Chính những nội dung mà Tổng cục Du lịch đã khẳng định bà Phú phản ánh sai thì sau này, trong kết luận thanh tra của Thanh tra Nhà nước tháng 9/2004 đã khẳng định có nhiều nội dung tố cáo nêu trên là hoàn toàn có cơ sở và căn cứ.

Sốt sắng xử lý người tố cáo, bao che người vi phạm

Từ năm 1999, quần chúng đã có đơn thư tố cáo đích danh 4 cán bộ tại Trường THNVDL Hà Nội là các ông Kiều Đức Tình, Hà Văn Sinh, Đào Ngọc Liên và Đỗ Thế Vĩnh dùng bằng phổ thông trung học giả để thi vào đại học. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cho rằng "đó là đơn thư nặc danh" nên không xử lý.

 

Tới tháng 7/2000, sau bà Phú có đơn phản ánh những vi phạm của nhà trường gửi đi nhiều nơi thì việc xử lý bằng cấp giả đột nhiên được xới lại. Điều hết sức khó hiểu là người có đơn thư phản ánh như ông Hà Văn Sinh thì không được xem xét, trong lúc bà Phú không hề có tên thì đã được liệt vào danh sách đề nghị Bộ GD-ĐT xác minh làm rõ. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là cũng với hành vi sử dụng bằng không hợp pháp, nhưng ông Đỗ Thế Vĩnh, một người không học trung học lại có bằng và đã sử dụng văn bằng đó thi vào Đại học tại chức luật thì chỉ bị hạ ngạch từ chuyên viên xuống cán sự. Còn bà Nguyễn Thị Phú đã bị ông Hiệu trưởng cách chức Phó trưởng ban Bàn - Bar - Buồng.

Đặc biệt, ông Hà Văn Sinh - một cán bộ sử dụng bằng cấp giả đã bị tố cáo đích danh từ năm 1999 và đã được cấp bằng tốt nghiệp đại học, vẫn không hề bị nhà trường kiểm tra xử lý. Bức xúc trước tình trạng xử lý nặng nhẹ khác nhau, bao che cho người sai phạm, bà Phú đã làm đơn tố cáo về vấn đề này.

 

Đây chính là nội dung mà Tổng cục Du lịch cho rằng, bà Phú tố cáo không đúng sự thật và là một trong những nguyên nhân để ông Hiệu trưởng Trường THNVDL Hà Nội ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với bà Phú.

Như vậy rõ ràng nội dung bà Phú tố cáo việc xử lý kỷ luật thiếu công bằng, có tính trù dập cố tình bao che cho người sử dụng bằng giả mà trong đó cụ thể là trường hợp ông Hà Văn Sinh là có thật. Thế nhưng, bất chấp sự thật đó, Thanh tra Tổng cục Du lịch vẫn khẳng định bà Phú đã tố cáo sai sự thật. Do vậy, ngày 31/12/2002, Hiệu trưởng Trường THNVDL Hà Nội đã ra Quyết định số 860 kỷ luật bà Phú bằng hình thức buộc thôi việc.

Ngày 24/1/2003, bà Phú đã làm đơn khởi kiện vụ án hành chính tại TAND TP Hà Nội với yêu cầu tòa án hủy bỏ quyết định kỷ luật buộc thôi việc của Hiệu trưởng Trường THNVDL Hà Nội đối với bà. Tại phiên sơ thẩm và phiên phúc thẩm, các cấp tòa đã ra quyết định bác đơn khởi kiện của bà Phú và giữ nguyên hiệu lực của quyết định kỷ luật buộc thôi việc nêu trên.

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc kết luận sai sự thật?

Sau những phiên tòa trên, bà Nguyễn Thị Phú vẫn tiếp tục đội đơn gõ cửa đến các cấp cao hơn để yêu cầu làm sáng tỏ vụ việc. Ngày 23/9, sau nhiều tháng làm việc, đoàn thanh tra của Thanh tra Nhà nước đã đưa ra kết luận: Đối với 10 nội dung tố cáo sai phạm trong công tác quản lý chuyên môn của Trường THNVDL Hà Nội như chúng tôi đã nêu ở phần trên, qua xem xét toàn diện, có hệ thống, đoàn thanh tra đã khẳng định phần lớn nội dung đơn nêu là đúng, có cơ sở.

 

Nội dung có liên quan khác, đoàn thanh tra cũng đã kiến nghị Tổng Thanh tra Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan làm rõ. Kết luận nói trên chỉ riêng về lĩnh vực chuyên môn, đào tạo - một trong những nội dung tố cáo của bà Nguyễn Thị Phú đối với Trường THNVDL Hà Nội. Tuy nhiên, qua kết luận đó đã thấy được phần nào bản chất sự thật của vụ việc - điều đã bị cố phớt lờ để đẩy người dám tố cáo những sai phạm vào chỗ mất việc

Nhóm PV PL - BĐ
.
.
.