Trốn đóng bảo hiểm tai nạn cho người lao động xử lý như thế nào?

Thứ Năm, 03/09/2015, 09:21
Hỏi: Tôi là công nhân làm việc tại mỏ đá, nơi tai nạn lao động luôn rình rập, nếu Công ty chậm hoặc trốn đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho công nhân thì việc làm này có vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động hay không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi? (Nguyễn Hữu Dũng, Hà Nam)
Trả lời: Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động vừa được công bố và có hiệu lực vào 1/7/2016, tại Điều 90 về “Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động” có quy định như sau:

Người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Người nào vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động quy định trong Luật này.

Ban PLBĐ
.
.
.