Xuất khẩu lao động trái phép sang Angola:

Trở về trắng tay, nợ nần chồng chất

Thứ Sáu, 26/06/2015, 09:59
Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, một số đối tượng cầm đầu đường dây xuất khẩu lao động “chui” đã dẫn dắt hàng trăm lao động ở huyện Phú Vang (Thừa Thiên- Huế) sang Angola để lao động theo con đường hộ chiếu du lịch. Và, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều người buộc phải trắng tay trở lại quê nhà, nợ nần chồng chất...

Hơn 4 năm trước, cuộc sống của người dân ở xã Vinh Hà (Phú Vang) gặp nhiều khó khăn, khi thu nhập chủ yếu dựa vào việc sản xuất nông nghiệp. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng ở Huế và Hà Tĩnh đã móc nối, rủ rê nhiều thanh niên sang đất nước Angola làm việc, với lời hứa mức lương từ 1.000-1.200USD/tháng.

Đang sống cảnh thất nghiệp, nên nhiều người ở thôn 4 và thôn 5, xã Vinh Hà đã đăng ký làm hộ chiếu để xuất khẩu lao động “chui”. Thế nhưng, do không cầm cự với cuộc sống khắc nghiệt ở đất khách, sau ít tháng làm việc, không ít người đành bỏ về nước, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất…

Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, anh Nguyễn Văn Định (trú thôn 5, Vinh Hà), một trong những người vừa trở về từ Angola buồn bã khi nhớ lại những ngày tháng lao động vất vả ở xứ người.

Anh Định tâm sự: “Khi thấy một số người trong thôn sang Angola làm ăn “phất lên” nên vợ chồng tui quyết định đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đăng ký làm hộ chiếu, sau đó vay mượn bà con lẫn ngân hàng được 6.000USD (trên 120 triệu đồng) để nộp làm chi phí rồi sang đó lao động. Nhưng qua bên ấy rồi mới biết cuộc sống khắc khổ là như thế nào; bởi tần suất lao động ở Angola khác ở Việt Nam rất nhiều...”.

Theo lời anh Định: Do đi lao động chui nên ban ngày anh và những người cùng quê làm thợ xây tại nhà chủ ở thủ đô Luanda, mỗi ngày công được trả 30USD; còn ban đêm nằm ngủ luôn tại chỗ, không dám ra ngoài vì sợ bị trấn lột, cướp. Nhưng, họ sợ nhất là gặp cảnh sát sở tại bắt giữ, trục xuất về nước.

Tuy nhiên, chỉ mới cầm cự được 7 tháng ở Angola thì anh Định buộc phải quay về. Sau khi trừ các khoản chi phí, thủ tục đi lại, hiện anh Định còn nợ ngân hàng 60 triệu đồng… Ngoài trường hợp của anh Định, ở xã Vinh Hà còn có hàng chục người dân đã xuất cảnh sang Angola lao động bằng con đường hộ chiếu du lịch, thăm người thân và sau đó là ở lại bất hợp pháp.

PV Báo CAND trò chuyện với anh Đặng Duy Tiến  (bìa phải), vừa trở về nước sau thời gian xuất khẩu lao động “chui” ở Angola.

Đem vấn đề trên trao đổi với ông Đặng Ngọc Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hà, được trả lời: “Do người dân móc nối với các đối tượng có đường dây để đi xuất khẩu lao động chui nên địa phương không thể nào kiểm soát được” (?!). Theo ông Thu, hiện trên địa bàn xã có hàng trăm người đang theo diện xuất khẩu lao động các nước, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia.

Trong đó, chỉ tính riêng xuất khẩu lao động “chui” qua Angola đã trên 100 người, tập trung chủ yếu ở thôn 4 và thôn 5 của xã. “Ngoài những hộ dân trở nên giàu có do sang Angola làm việc từ 2-3 năm, thì phần lớn những người mới đi chưa đầy 1 năm đã trở về nước và phải ôm nợ, người ít thì vài chục triệu, người nhiều cả trăm triệu đồng”, ông Thu cho hay.

Ngoài xã Vinh Hà, tình trạng xuất khẩu lao động chui sang Angola còn diễn ra ở một số địa phương khác trên địa bàn huyện Phú Vang. Cũng vì tình hình an ninh bất ổn, tiền chuyển về nước được tính cước phí “cắt cổ” nên nửa tháng qua, nhiều lao động chui tại Angola quê ở xã Vinh Thái (Phú Vang) cũng lần lượt về nước.

Ông Đỗ Viết Tư, Chủ tịch UBND xã Vinh Thái nhận định, thực trạng người dân đi xuất khẩu lao động chui qua Angola luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, đó là chưa kể đến chuyện bà con trở về nước phải còng lưng trả nợ, lãi vay ngân hàng... Biết vậy nhưng địa phương đành bất lực trong công tác theo dõi, kiểm tra và không thể nào ngăn chặn được, chỉ còn cách tuyên truyền người dân cảnh giác trước những thông tin mời đi xuất khẩu lao động.

“Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất lên Công an huyện Phú Vang, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế để kiểm tra các công ty đến địa phương tuyển dụng lao động đi nước ngoài và hợp tác về thông tin khi người dân làm hộ chiếu. Mình phải biết họ làm hộ chiếu đi đâu, với mục đích gì thì mới có biện pháp ngăn chặn được chứ nếu tình trạng bà con cứ đóng từ 5.000-6.000 USD rồi kéo nhau sang Angola lao động được vài ba tháng lại bỏ về thì người bị thiệt thòi, gánh hậu quả chính là người dân”, ông Tư bày tỏ quan điểm.

Bàn đến giải pháp ngăn chặn tình trạng người dân sang Angola lao động “chui”, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: “Nếu trong 100 người sang Angola bằng hình thức hộ chiếu du lịch thì có đến 98 người đi lao động “chui”.

Trước tình hình xuất khẩu lao động đi nước ngoài, đặc biệt là Angola có nhiều biến động và phức tạp nên Sở đang phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế để ra văn bản hướng dẫn về các cấp huyện, xã, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân nhận thức được hệ quả khôn lường từ việc xuất khẩu lao động trái phép”.

Anh Khoa
.
.
.