Việc công nhận bằng cấp đào tạo ở nước ngoài:

Tránh mỗi nơi mỗi cách

Thứ Sáu, 25/12/2009, 08:56
Hàng chục sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ở nước ngoài gọi điện tới Báo CAND băn khoăn khi đơn vị quản lý trực tiếp không chịu thừa nhận bằng cấp mà họ đã dày công học tập ở nước ngoài.

Nơi thừa nhận, nơi chờ xin ý kiến!

Vướng mắc này có thể xuất xứ từ chỗ khung pháp lý giữa nước ta với quốc gia người đó được đào tạo chưa đầy đủ, nhưng nổi lên lại là sự thiếu thống nhất về nhận thức giữa các cơ quan chức năng trong đào tạo và sử dụng cán bộ đã ảnh hưởng tới vấn đề thu hút nhân lực và quyền lợi chính đáng của người đi học.

Anh Nguyễn Quý Hoàng, sau 5 năm học đã tốt nghiệp Trường Đại học Y Quảng Tây, chuyên ngành Đa khoa lâm sàng. Sau thời gian dài thử việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, đến khi cần có hồ sơ để ký hợp đồng dài hạn hoặc tuyển dụng viên chức, thì anh nhận được câu trả lời là chờ xin ý kiến cấp trên.

Lý do được nêu ra, là đối với bác sĩ đa khoa hệ 5 năm, Bộ Y tế đang có kế hoạch làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuẩn hóa theo hệ 6 năm của Việt Nam. Văn bản của Bộ Y tế nêu rõ, trong lúc chưa có chỉ đạo cụ thể, những đối tượng đó tạm thời chưa để thi tuyển vào các cơ sở khám chữa bệnh của Bộ Y tế.

Chờ đợi mãi chẳng có ý kiến chính thức, anh Hoàng chuyển đến Viện Y dược học TP HCM với hy vọng mới. Tại đây, theo anh Hoàng cho biết, thì anh được hành nghề với tư cách là bác sĩ lâm sàng nhưng chưa ký được hợp đồng dài hạn mà vẫn hoạt động với tư cách là nhân viên học việc.

Cũng đào tạo như anh Hoàng, anh Lê Mạnh Hùng (hiện công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương) lại được ký hợp đồng dài hạn và hành nghề ngay với tư cách là bác sĩ lâm sàng. Anh Hùng cho biết, ở đây không có phân biệt gì cả, mọi chế độ công tác và quyền lợi được hưởng như một bác sĩ bình thường.

Trường hợp anh Võ Hoàng Lương lại khác, sau khi học đại học y tại nước ngoài 5 năm, anh đã chủ động học thêm một năm trong nước khi về nhận công tác tại Bệnh viện 108. Như anh Lương cho biết, thì những vướng mắc chủ yếu nằm ở chỗ chương trình đào tạo y bên Trung Quốc là 5 năm, còn tại Việt Nam là 6 năm.

Lịch trình học tập các môn cũng có phần khác nhau, nên Bộ Y tế có văn bản nói là để "chuẩn hoá theo hệ 6 năm của Việt Nam". Không ít trường hợp rơi vào tình trạng trên, không chỉ trong lĩnh vực y tế, mà nhiều lĩnh vực khác bởi lượng học sinh đi du học bằng nhiều con đường về nước ngày một đông.

Cần tìm hiểu kỹ thông tin, trước khi đến học tại nước ngoài

Theo thông tin mới nhất, giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp tháo gỡ vướng mắc cho hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đại học y hệ 5 năm ở nước ngoài, theo hướng công nhận văn bằng đó có giá trị như hệ đại học y 6 năm trong nước.

Đồng thời đề nghị với Bộ Nội vụ ban hành văn bản chính thức làm cơ sở xét tuyển công chức, viên chức cho số học sinh trên. Ông Trần Văn Nghĩa - Cục trưởng Cục Khảo thí Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác nhận thông tin.

Để có thêm thông tin, bạn đọc nên tìm hiểu quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp ban hành kèm theo Quyết định 77/2007/QĐ-BGDĐT.

Trong đó, điều 3 quy định rõ văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp: Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng; văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên…

Cần phải nói thêm rằng, thời gian qua xuất hiện nhiều thông tin không đúng sự thật về việc học tập của các học sinh Việt Nam tại nước ngoài. Chẳng hạn như có ý kiến nói thời gian học sinh học ngành Y chỉ có 4 năm, 1 năm dành cho học tiếng. Thực chất, tất cả các học sinh đều thừa nhận họ học 5 năm chuyên môn, chưa tính 1 năm học tiếng. Lại có thông tin nói chương trình học không đủ như "chuẩn" ở Việt Nam...

Điều cần với bạn đọc trước khi đi du học là: Để được công nhận văn bằng (từ phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến đại học, sau đại học) thì văn bằng đó phải được cấp bởi các cơ sở giáo dục, đào tạo có chương trình đã được cơ quan kiểm định chất lượng hợp pháp của nước đó công nhận.

Cần lưu ý, Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực chưa công nhận đối với văn bằng của các chương trình đào tạo từ xa, đào tạo qua mạng. Chính vì thế, học sinh trước khi đi du học ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ trường, quốc gia nơi định đến, nhất là chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục định đến có được công nhận hay không

Nhóm phóng viên
.
.
.