Trở lại việc xử lý sai phạm về đất đai, xây dựng tại TP HCM:

Tràn lan chuyện xây dựng trái phép và sang nhượng nền đất nông nghiệp

Thứ Sáu, 20/08/2010, 09:25
Vấn nạn xây dựng trái phép vẫn diễn ra nhức nhối ở các địa bàn vùng ven và ngoại thành TP HCM sau khi Luật Xây dựng có hiệu lực (1/7/2004). Bởi từ đó tới nay, cả thành phố tiếp tục có trên 10 ngàn căn nhà xây dựng không phép trên đất quy hoạch hoặc đất nông nghiệp.

Để lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng, đầu năm 2007, chính quyền thành phố đã phải yêu cầu quận Bình Tân tổ chức 4 - 5 đợt cưỡng chế tháo dỡ hoặc "ủi" sập tổng cộng 360 căn nhà xây dựng trái phép ở phường Bình Hưng Hòa. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, răn đe này lại không được tiến hành đồng loạt, đã khiến các hộ nghèo và dân nhập cư vẫn tiếp tục vi phạm.

Xây cất nhà trái phép vẫn tràn lan 

Điểm nóng về xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở TP HCM phải kể đến địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Theo thống kê sơ bộ thì trong vòng 5 năm, từ sau thời điểm Luật Xây dựng có hiệu lực đến giữa năm 2009 xã này đã có 1.000 căn nhà mọc lên trái phép trên đất nông nghiệp, bình quân mỗi năm địa bàn này đã phát sinh thêm 200 căn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đang tiếp tục trở thành vấn đề nhức nhối trên địa bàn, ngoài 16 thanh tra viên, cộng tác viên Thanh tra xây dựng của xã, lúc cao điểm xã Vĩnh Lộc A còn được Thanh tra xây dựng huyện tăng cường thêm 5 người. Việc quản lý xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu cũng đã được UBND xã triển khai trách nhiệm tới từng cán bộ Tổ nhân dân, Ban nhân dân ấp…

Tuy nhiên, vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra khi theo báo cáo của ông Võ Hoàng Triều, Phó Chủ tịch UBND xã: 6 tháng đầu năm 2010 này, cả xã Vĩnh Lộc A vẫn tiếp tục xảy ra tới 218 vụ vi phạm về xây dựng, trong đó có tới 190 căn nhà được người dân xây cất trái phép. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù các quy định về quản lý xây dựng khá chặt chẽ sau khi Luật Xây dựng được ban hành, nhưng số lượng nhà xây cất trái phép trên đất nông nghiệp tại địa bàn trên vẫn cứ liên tục gia tăng.

Một điểm rao bán đất nền được cắt ra từ vườn, ruộng.

Để lách luật, người vi phạm đã được một số cán bộ địa phương tiếp tay bằng cách: Với đất quy hoạch treo, người xây cất trái phép chỉ cần làm cam kết tự tháo dỡ, không đòi hỏi bồi thường là công trình được xem xét cho tồn tại; với đất nông nghiệp, việc làm nhà ở được lái thành… nhà canh giữ vườn để được xã cho phép. Và đằng sau việc phù phép để một số lượng rất lớn nhà xây cất trái phép được tồn tại này, từ lâu dư luận người dân địa phương đã cho rằng để khỏi bị đập, mỗi căn phải chung chi vài chục triệu đồng không phải không có cơ sở.

Đất nông nghiệp vẫn được xẻ thành nền để bán 

Một điều hết sức vô lý tồn tại nhiều năm qua tại một số huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh là mặc dù không cho phép xây dựng trên đất quy hoạch hoặc đất nông nghiệp, nhưng tình trạng để người dân tự phân lô, tách thành những thửa nhỏ… bằng một nền nhà rồi mua bán giấy tay với nhau đã không được ngăn chặn.

Một số địa phương như xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Chủ tịch xã nhiệm kỳ trước còn hào phóng xác nhận cho một loạt các trường hợp chuyển nhượng nền đất nông nghiệp kiểu này mà không hề đặt câu hỏi: Đất 2 vụ lúa, đất hoa màu, đi chuyển nhượng vài chục mét vuông thì trồng cấy gì được? Hiện tại, trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A, phần lớn diện tích đất nông nghiệp đã không còn nằm trong tay các hộ nông dân mà đã được "xẻ" thành lô, cất nhà cấp 4 hoặc chia thành nền và được mua bán chuyển nhượng bằng giấy tay qua nhiều chủ sở hữu.

Bóng dáng nông thôn ở khu vực này đang dần mất hẳn, thay vào đó là tốc độ đô thị hóa trên nền tảng hạ tầng chắp vá nhà cấp 4 lụp xụp. Giao dịch nền nhà từ đất nông nghiệp, nhà xây trái phép ở khu vực này từ lâu đã trở thành thị trường hết sức sôi động, nền đất giá trên dưới 200 triệu đồng được các cò đất rao bán đầy rẫy. Nếu trên đất đã được cất nhà cấp 4 trái phép, giá mua bán đã ở mức trên dưới 300 triệu đồng/căn.  

Để ngăn chặn tình trạng này, tháng 3/2010, UBND huyện Bình Chánh đã cho ngưng giải quyết hồ sơ "nâng cấp" đất ruộng thành đất vườn, lợi dụng vào việc lập vườn rồi tiến hành san lấp, xây nhà giữ vườn hoặc cắt nền ra bán đối với nông dân 2 xã Vĩnh Lộc A, B.

Về phía Thanh tra xây dựng xã Vĩnh Lộc A, các trường hợp chủ đất nông nghiệp đã phân lô có dấu hiệu tiến hành phân lô đều được lập danh sách để theo dõi sát. Song đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn một phần hiện tượng "xẻ thịt" đất nông nghiệp để xây dựng, chuyển nhượng trái phép cho người khác mua… chờ thời với hy vọng sẽ được địa phương công nhận, nhất là trước chủ trương cho phép cả chục ngàn căn nhà xây trái phép sau 1/7/2004 được tồn tại vừa được chính quyền thành phố cho triển khai áp dụng.

Trong khi đó, cho tới thời điểm này dù việc "xẻ" đất nông nghiệp để phân lô, bán nền rồi tiến hành xây cất trái phép cả ngàn căn nhà gây náo loạn trật tự kỷ cương cho cả khu vực chủ yếu do một số đầu nậu, cò đất ở địa phương thực hiện... 

Làm gì để ngăn chặn tình trạng "xé rào" xây cất nhà trái phép ở các quận vùng ven và huyện ngoại thành? TP HCM đã có nhiều cuộc ra quân hòng dẹp vấn nạn này nhưng có một thực tế ai cũng thấy mà không sao xử lý được đó là lực lượng Thanh tra xây dựng các phường, xã làm gì, ở đâu và vì sao không thể thực thi được quyền hạn cho phép theo luật định?

Nhóm PV điều tra
.
.
.