Trách nhiệm điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ

Thứ Ba, 25/12/2007, 11:02
Tùy theo mức độ thiệt hại do TNGT gây ra, lực lượng CSGT hoặc CSĐT sẽ được phân công và phối hợp điều tra vụ TNGT...

Bạn Hoài Nam (Cù Lao Dung, Sóc  Trăng) hỏi: Khi có vụ TNGT xảy ra, tôi thấy có cả Cảnh sát áo xanh và Cảnh sát giao thông (CSGT) áo vàng cùng đến khám nghiệm điều tra, có vụ lại chỉ có CSGT khám nghiệm?

Việc phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra giải quyết TNGT của lực lượng Cảnh sát nhân dân được quy định tại Quyết định số 768/2006/QĐ-BCA (C11) ngày 30/6/2006 của Bộ Công an cụ thể như sau:

1. CSGT phải có mặt ngay sau khi TNGT xảy ra, bất kể là loại nào để giải quyết các sự việc ban đầu như cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, giải tỏa ùn tắc giao thông (nếu có)...

2. Khi có vụ TNGT xảy ra gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên, cơ quan được phân công thụ lý điều tra phải thông báo cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết để kiểm sát việc điều tra theo quy định của pháp luật.

3. Đối với vụ TNGT không có người chết ở hiện trường thì lực lượng CSGT tổ chức ngay việc khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ TNGT; nếu xác định có dấu hiệu của tội phạm thì khởi tố vụ án, củng cố tài liệu, hồ sơ và chuyển cho cơ quan CSĐT có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

4. Đối với vụ TNGT có người chết tại hiện trường (kể cả chết trên đường đi cấp cứu) thì lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH thụ lý điều tra ngay từ đầu.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, tùy theo mức độ thiệt hại do TNGT gây ra, lực lượng CSGT hoặc CSĐT sẽ được phân công và phối hợp điều tra vụ TNGT

Trần Sơn (Cục CSGT ĐB-ĐS)
.
.
.