Tp.HCM: Thịt sạch vẫn còn quá ít
Chỉ riêng lượng thịt heo, mỗi ngày thị trường Tp. Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 220 - 250 tấn. Trong đó chỉ một số ít đơn vị cung cấp thịt sạch và thực phẩm chế biến từ thịt sạch như Vissan, Cầu Tre, Công ty Nông sản thực phẩm hay Công ty Cofidec… số còn lại do thị trường tự do phân phối. Nhưng chất lượng sản phẩm trên thị trường này vẫn chưa được quản lý chặt chẽ…
Theo quy định về vệ sinh thú y, lò giết mổ phải ở xa khu dân cư, xa công trình công cộng, có hai cổng riêng biệt để nhập động vật và sản xuất thực phẩm. Khi giết mổ bắt buộc phải đặt trên bệ hoặc giá đỡ có độ cao ít nhất 0,2m so với nền nhà và gia súc trước khi đưa vào giết mổ phải qua kiểm dịch. Tuy nhiên, tại Tp. Hồ Chí Minh, lượng thịt được tiêu thụ lớn như vậy, nhưng số lò giết mổ đạt tiêu chuẩn quy định chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Các chủ cơ sở giết mổ lậu vẫn biết rằng, một khi bị lực lượng kiểm tra phát hiện thì ngay lập tức cơ sở sẽ bị phạt và nghiêm cấm hoạt động. Nhưng trên thực tế, do nhu cầu tiêu thụ thịt trên thị trường quá lớn, thịt mổ lậu khi lưu thông trên thị trường được người bán để lẫn với thịt đã qua kiểm dịch nên dễ dàng tiêu thụ. Chính vì vậy, nhiều điểm giết mổ lậu vẫn cứ lén lút mọc lên.
Hơn nữa, giết mổ lậu có rất nhiều "ưu thế": Gia súc, gia cầm khi đưa vào giết mổ trốn được kiểm dịch và chỉ có các điểm lậu mới dám giết mổ động vật đã chết hoặc bị bệnh truyền nhiễm (theo quy định những loại này sẽ bị tiêu hủy). Ngoài ra, tại các điểm giết mổ lậu sẽ tiết kiệm được chi phí giết mổ (khoảng 20.000đ/con heo) và không phải chịu bất kỳ loại thuế nào. Họ lén lút giết mổ vô tội vạ, bất kể giờ giấc nên rất ít khi bị phát hiện.
Làm sao "tìm" được thịt sạch trên thị trường?
Hiện nay, ngoài Vissan và một số ít đơn vị khác đạt yêu cầu về tiêu chuẩn lò mổ, có hệ thống trữ lạnh, vận chuyển thịt từ lò giết mổ đến điểm tiêu thụ bằng xe đông lạnh và thịt bán đựng trong tủ chuyên dùng. Nơi kinh doanh chính của những sản phẩm này là hệ thống siêu thị và các cửa hàng tự giới thiệu. Ngoài ra, phần lớn lượng thịt lưu thông trên thị trường đều không đạt tiêu chuẩn vệ sinh ngay từ khâu giết mổ. Khi đến tay người tiêu dùng, thì mức độ vệ sinh thực phẩm thật sự trong tình trạng… báo động.
Chẳng hạn, khi vận chuyển thịt từ nơi giết mổ đến nơi tiêu thụ, nếu thịt từ các tỉnh đưa về thì ít nơi sử dụng xe chuyên dùng mà thường sử dụng xe khách, xe tải để vận chuyển. Hoặc tại các lò mổ trong địa bàn thành phố, phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe thô sơ nhưng không có dụng cụ chứa đựng để giữ vệ sinh. Tại các điểm kinh doanh, nhất là các chợ bán sỉ như chợ An Lạc, chợ Phạm Văn Hai, điều kiện vệ sinh quầy sạp còn quá nhếch nhác. Chợ tự phát, chợ ở lòng, lề đường mọc lên ngày càng nhiều, tập trung ở các khu vực ngoại thành chưa được xoá bỏ thì chưa thể nói chất lượng thịt được đảm bảo (?!). Ngoài ra, để bảo quản thịt được tươi lâu, nhiều nơi kinh doanh đã cố tình tẩm ướp hoá chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Thực tế cho thấy, với số lượng lò mổ lậu nhiều như vậy thì khả năng cung ứng thịt kém chất lượng cho thị trường không phải là ít. Và cũng rất nguy hiểm cho người sử dụng nếu những loại thịt của những con vật bị bệnh hoặc chết thì lượng thịt đó sẽ nhiễm bệnh sang những loại thịt được bán kèm theo đã qua kiểm dịch chất lượng sản phẩm. Mặc dù các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra thịt và những sản phẩm chế biến từ thịt trên thị trường, nhưng vẫn không ngăn chặn nổi tình trạng thịt kém chất lượng đang bày bán hàng ngày.
Ông Nguyễn An Hòa - Chánh Thanh tra Chi cục Thú y Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Thịt kém chất lượng bán ở thị trường chủ yếu từ các lò mổ lậu. Vì thế, ngành Thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương, tăng cường "dẹp" các điểm giết mổ lậu với mức phạt rất cao, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng đối với mỗi điểm giết mổ lậu (trước đây chỉ phạt 100.000đ về việc giết mổ trái phép). Cho dù xử lý kiên quyết như vậy, nhưng số lượng lò giết mổ lậu từ hơn 150 điểm trước đây, vẫn còn tới 136 điểm hoạt động. Tập trung chủ yếu ở các quận, huyện ngoại thành.
Tuy nhiên, để tránh sự truy quét của các lực lượng kiểm tra, những cơ sở giết mổ lậu hoạt động không công khai như trước đây (chủ yếu hoạt động của các hộ gia đình) nhưng quy mô lớn hơn, đáp ứng nhu cầu rất lớn trên thị trường. Điều đáng lo ngại nhất là các chốt, trạm kiểm tra động vật, rất nhiều nơi chỉ làm chiếu lệ, buông lỏng, để cho gian thương mặc sức hoành hành, gây bất bình đối với người tiêu dùng.
Hiện nay, có đến 90% heo sống, 30% heo xẻ thịt và một lượng lớn trâu, bò từ các tỉnh nhập vào Tp. Hồ Chí Minh. Vì vậy để ngăn chặn tình trạng gia súc bị bệnh, chết, và thịt kém chất lượng trước khi đưa vào địa bàn thành phố thì việc tăng cường kiểm tra tại các cửa ngõ đi vào thành phố rất cần thiết. Nếu công tác quản lý, kiểm soát này làm chặt chẽ sẽ góp phần giảm số lượng cơ sở giết mổ lậu. Để ngăn tận gốc phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, việc cần làm ngay là phải kiểm tra nghiêm ngặt, phạt thật nặng để tiến tới loại bỏ vấn nạn giết mổ lậu