Tp.HCM: Giải quyết nạn lang thang, xin ăn

Thứ Năm, 26/05/2005, 07:44
Từ nhiều năm qua, lượng dân ngoại tỉnh đến Tp. Hồ Chí Minh ngày càng đông. Trong đó, số người may mắn kiếm được việc làm ổn định không nhiều. Đa phần còn lại không có công ăn việc làm ổn định, không nơi trú ngụ, sống lang thang nay đây mai đó…

Cuộc sống khó khăn trôi nổi là thế, nhưng nhiều người nhất định không chịu trở về quê nhà để "an cư lập nghiệp" mà lại chọn cảnh sống lang thang tại thành phố này.

Trong số dân sống lang thang ở Tp. Hồ Chí Minh, có cả người già, trẻ em và thanh niên ở độ tuổi lao động. Có thời điểm, trên địa bàn thành phố có khoảng 8.000 trẻ em lang thang (trong đó 82% trẻ em ở các tỉnh) làm đủ mọi nghề, phần đông là ăn xin. Những em này, phần lớn gia đình kinh tế khó khăn, nên đã bắt ép các em phải đi kiếm việc làm để phụ giúp gia đình. Số còn lại thường buồn chán cảnh gia đình (bố mẹ không hoà thuận, bố dượng, mẹ kế quá khắc nghiệt…) nên bỏ nhà đi bụi. Không có việc làm, không có tiền gửi về nhà, nhiều em không dám trở về quê, đã ở lại thành phố kiếm sống.

Các công viên, gầm cầu, sạp chợ… thường là chỗ trú ngụ của những trẻ em lang thang. Để giải quyết nạn trẻ lang thang, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước đã xây dựng nhiều "nhà mở, mái ấm" để đưa những mảnh đời bất hạnh về đây. Hàng đêm, các tình nguyện viên là sinh viên, thanh niên đã đến chỗ ở của trẻ lang thang để động viên các em về các nhà mở, mái ấm. Như mái ấm Hoa Hồng Nhỏ (quận 7), mái ấm Tre Xanh (quận 1), mái ấm Hướng Dương (quận 6), nhà mở Niềm Tin (quận 4), nhà mở Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ)…

Tại đây, các em được học hành, được trang bị kiến thức trong cuộc sống và được hướng nghiệp, đào tạo việc làm như: nhiếp ảnh, nghiệp vụ nhà hàng, may thêu… để các em có việc làm, tạo thu nhập ổn định. Trong quá trình nuôi dạy, mục đích cuối cùng của các nhà mở, mái ấm vẫn là hướng các em trở về với gia đình. Tp. Hồ Chí Minh có khoảng 40 nhà mở, mái ấm như vậy. 

Ngoài trẻ lang thang, Tp. Hồ Chí Minh hiện vẫn còn rất nhiều người hành nghề ăn xin đang trong độ tuổi lao động. Trong một đợt thu gom đối tượng lang thang của Trung tâm Bảo trợ xã hội (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) với 3.857 lượt người thì trong đó "ăn xin" ở độ tuổi lao động là 2.054 người. Và cũng theo ước tính của Công an TP Hồ Chí Minh thì cứ 446 người từ các tỉnh đến Tp. Hồ Chí Minh sống lang thang thì có 40 người sống bằng nghề ăn xin (chiếm 11,6%).    

Để giải quyết nạn lang thang, ăn xin, các lực lượng kiểm tra đã thường xuyên tổ chức những đợt thu gom, nhưng từ trước đến nay, mặc dù số người bị thu gom rất lớn, nhưng nạn lang thang, ăn xin vẫn không hề giảm. Họ hoạt động trá hình với nhiều hình thức như bán vé số hoặc bán kẹo cao su…

Còn các trung tâm bảo trợ xã hội của Tp. Hồ Chí Minh thì luôn trong tình trạng quá tải. Vì ngoài chức năng nuôi dưỡng người già, tàn tật, trẻ mồ côi, tâm thần, các trung tâm này còn tiếp nhận thêm đối tượng lang thang, xin ăn ở độ tuổi lao động. Sau rất nhiều đợt "cao điểm" thu gom đối tượng lang thang, các cơ quan chức năng của Tp. Hồ Chí Minh đã "trao trả" tận nơi ở của người lang thang để gia đình và chính quyền địa phương quản lý, nhằm hạn chế tình trạng "tái" lang thang tại địa bàn thành phố.

Nhưng thực tế, do buông lỏng trong công tác quản lý ở địa phương, có không ít trường hợp coi ăn xin như một "nghề" để kiếm sống nên phần lớn các đối tượng sau khi bị "trả" về, không những không chịu ở quê làm ăn mà còn "vận động" thêm số người mới, tiếp tục trở lại thành phố, nên số người lang thang, xin ăn ngày càng nhiều hơn.

Để giảm đối tượng lang thang, xin ăn tại Tp. Hồ Chí Minh, thiết nghĩ chỉ có nỗ lực từ phía thành phố không thì chưa đủ, mà quan trọng nhất là các địa phương cần có sự phối hợp để quản lý chặt chẽ nhân khẩu của địa phương mình. Hầu hết những người đi lang thang xin ăn ở Tp. Hồ Chí Minh do kinh tế khó khăn, hoặc không có việc làm (đối với người ở độ tuổi lao động). Vì vậy, chính quyền địa phương cần có những chính sách hỗ trợ việc làm tại chỗ, để giải quyết nguồn lao động này.

Còn với người già và trẻ em, trách nhiệm lớn nhất vẫn là phía gia đình. Đặc biệt là những người lang thang xin ăn, phải hiểu được họ đang làm một việc gây nhiều tác hại cho gia đình và xã hội. Phải có thái độ kiên quyết và sớm chấm dứt lối suy nghĩ coi việc "ngửa tay xin ăn" như một "nghề" kiếm sống. Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng bùng phát nạn lang thang, xin ăn như hiện nay tại địa bàn Tp. Hồ Chí Minh

Thúy Hà
.
.
.