Hà Nội thử nghiệm áp dụng bán xăng 40.000đ/lần:

Tôn trọng quyền lựa chọn của khách hàng

Thứ Sáu, 18/03/2011, 08:45
Những ngày này, dư luận người tiêu dùng đang có phản ứng nhiều chiều xung quanh cách "bán hàng một giá" ở một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Hà Nội. 40.000đ là con số mà Công ty Xăng dầu Petrolimex Hà Nội khuyến khích khách hàng mua một lần. Việc áp dụng phương thức bán hàng mới này có hợp lý và nhận được sự ủng hộ của khách hàng hay không?

Mua xăng 40.000đ/lần giờ cao điểm

Mấy ngày vừa qua, khách mua xăng tại Cửa hàng Xăng dầu số 30 trên phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội khá bất ngờ khi nhìn thấy tấm băng rôn có dòng chữ: "Nhằm giảm thời gian mua hàng của quý khách, cửa hàng khuyến khích khách hàng mua một mức 40.000đ/lần, thời gian từ 7 - 9h và từ 16h30' - 18h30' hằng ngày".

Cách bán hàng này còn được áp dụng ở 7 điểm khác trên địa bàn Hà Nội như: Cửa hàng xăng dầu số 1 Trần Quang Khải, số 9 Trần Hưng Đạo, số 1 Hàng Bún, quận Hoàn Kiếm; Cửa hàng số 31, 37 trên phố Đường Láng, quận Đống Đa; Cửa hàng Xăng dầu số 60 ở Đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy; Cửa hàng Xăng dầu số 85 ở số 549 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên.

Khi các cửa hàng đồng loạt triển khai cách bán hàng này, có luồng dư luận phản ứng cho rằng việc ép khách hàng mua mức giá cố định như vậy là không đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, một luồng dư luận khác lại cho rằng phương pháp bán hàng như thế là hiệu quả và tiết kiệm thời gian cho cả bên bán xăng và người mua xăng.

Một trong 8 cửa hàng dành riêng một cột bơm cho mức 40.000đ/ lần.

Chị Trần Thị Hồng ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội nêu ý kiến: "Hàng ngày tôi thường mua xăng vào giờ cao điểm khi đi làm hoặc lúc hết giờ làm. Những lúc đó cây xăng tôi thường mua ở Nguyễn Lương Bằng luôn ùn ứ. Người bán thì phải mất thêm thời gian trả lại tiền, đưa máy bơm xăng về số 0. Cũng bởi thêm những thao tác ấy nên càng góp phần làm quá tải mua bán xăng giờ cao điểm".

Ông Nguyễn Hùng Cường ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm cũng phản ánh: "Tôi thường mua xăng ở Cửa hàng xăng dầu số 4 trên phố Trần Hưng Đạo. Ở đây luôn xảy ra tình trạng quá tải. Người mua xăng đông, người bán cũng tốn thêm thời gian trả lại tiền khách, phải bấm số khi chuyển sang khách mới nên khá mất thời gian".

Khi nói về việc cố định một mức giá tại một cột bơm xăng, ông Cường và chị Hồng đều đồng tình cho rằng, khi nhân viên bán xăng không phải chỉnh máy, khách hàng cũng có thể chuẩn bị trước số tiền mua xăng thì tất nhiên việc mua bán sẽ nhanh chóng hơn. Còn nếu khách hàng muốn mua xăng với mức tiền nhiều hoặc ít hơn thì tự chuyển sang cột bơm xăng khác tại điểm mua xăng này.

Tại Cửa hàng xăng dầu số 85 ở số 549 phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên sáng 17/3, trời mưa phùn rả rích nên vắng khách mua xăng. Cột xăng đầu tiên đặt tấm biển trên nóc: "Cột bơm phục vụ khách hàng mua một mức 40.000 đồng/lần".

Một khách hàng đã chuẩn bị sẵn 40.000 đồng nên thời gian mua xăng của ông diễn ra rất nhanh. Tuy vậy, vị khách đi sau lại mua mức giá khác,  nhưng lúc này đang vắng khách nên cô nhân viên vẫn bán. Điều đó cho thấy cửa hàng bán xăng này không hề ép khách phải mua cố định mức 40.000 đồng như nhiều người lầm tưởng.

Chỉ áp dụng bán tại một cột bơm

Trao đổi vấn đề này với chúng tôi, ông Lưu Tiến Dũng - Phó Giám đốc Xí nghiệp Bán lẻ xăng dầu (Công ty Xăng dầu khu vực I) cho biết: "Chúng tôi đã nghiên cứu đặc thù ở khu vực đô thị và tham khảo một số nước như Trung Quốc, Malaysia… Ở Hà Nội mật độ dân cư đông, lượng khách mua xăng tăng đột biến vào giờ cao điểm nên chúng tôi đã nghiên cứu đưa ra một mức giá phù hợp là 40.000 đồng cho một cột bơm tại cửa hàng có nhiều cột bơm. Chúng tôi đã có kế hoạch và triển khai từ trước Tết. Cách bán hàng này là văn minh, tạo thuận lợi cho cả nhân viên bán hàng và khách mua xăng. Cột bơm xăng một mức đã cài đặt chế độ chuẩn cho máy, tiết kiệm được thời gian cho cả hai bên, giảm sự ùn tắc tại điểm bán xăng khi đông khách, rất hiệu quả trong giờ cao điểm. Cửa hàng chỉ khuyến khích khách mua xăng một mức giá tại giờ cao điểm chứ không ép khách. Nếu khách hàng muốn mua nhiều hơn hay ít hơn số tiền 40.000đ thì chuyển qua bơm xăng ở cột khác".

Ông Dũng cũng giải thích phương pháp bán hàng này là chuyên nghiệp, chuyên môn hóa. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện chưa có thói quen mua hàng cách này. "Bước đầu chúng tôi làm để tạo thói quen mua xăng cho người dân. Sau một thời gian áp dụng cách bán hàng này, chúng tôi sẽ đánh giá lại, xem xét hiệu quả và nếu nhận được sự ủng hộ sẽ tiếp tục triển khai trên diện rộng, tiến tới áp dụng cột bán xăng riêng cho ôtô hoặc xe máy, bước tiếp theo sẽ sử dụng thẻ mua xăng và khách hàng tự bơm xăng".

Tuy nhiên, dưới góc độ của người mua hàng, liệu cách làm này có tạo kẽ hở cho cửa hàng gian lận số lượng xăng bán cho khách hàng khi mặc định con số nhất định cho máy? Bởi, thực tế đã từng xảy ra những vụ việc gian lận liên quan đến cài đặt trong máy gây bức xúc dư luận. Doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều cách bán hàng, nhưng phải đảm bảo việc thuận mua vừa bán và không xâm phạm đến quyền lợi của khách hàng. Khi mặc định một mức bán xăng, doanh nghiệp phải loại trừ hiện tượng gian lận xăng thì mới mong được khách hàng ủng hộ

Việt Hà - Cao Hồng
.
.
.