Một số vấn đề đóng góp ý kiến trong quá trình sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự 2015

Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại: Điều chỉnh để áp dụng thống nhất

Chủ Nhật, 21/05/2017, 09:04
Lần đầu tiên vấn đề mang thai hộ được luật hóa tại mục 2, Chương V, Luật Hôn nhân Gia đình số 52/2014/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2014 (Luật HNGĐ) và Nghị định số 10/2015/NĐ-CP, ngày 28-1-2015. 


Theo đó, pháp luật đã mở cánh cửa pháp lý cho những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn những tia hy vọng mà từ trước tới nay đang bị nghiêm cấm và chưa có bất kỳ quy định nào ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các bên trong việc mang thai hộ.

Theo xu hướng đó, nhằm điều chỉnh hiện tượng lạm dụng việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đi ngược với bản chất nhân văn của việc mang thai hộ, Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS) đã bổ sung điều “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” (Điều 187). 

Đây là một điều luật mới nhằm đấu tranh, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng quy định của Luật HNGĐ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để trục lợi. Tuy nhiên, Điều 187 BLHS đang phát sinh một số vấn đề liên quan cần được điều chỉnh cho phù hợp theo quan điểm chủ quan dưới đây:

Về chủ thể tội phạm, Điều 187 BLHS quy định đối với cá nhân có hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục thương mại là những cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. 

Xét trong mối tương quan giữa tên tội danh “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” với chủ thể tội phạm theo tinh thần điều luật thì đối tượng chủ thể của điều luật này không chỉ hướng tới cá nhân trực tiếp mang thai hộ mà còn cả những người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. 

Tuy nhiên, cả tên điều luật và chủ thể phạm tội quy định tại khoản 1 điều này đang tạo ra các cách hiểu khác nhau theo chiều hướng thu hẹp đối tượng phạm tội chỉ đối với “người tổ chức”, còn người mang thai hộ đơn thuần (không có yếu tố tổ chức) thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của tội danh này. 

Để có cách hiểu và áp dụng thống nhất, cần khắc phục hạn chế này bằng cách sửa lại tên điều luật theo hướng mở rộng tối đa chủ thể phạm tội như “Tội mang thai hộ vì mục đích thương mại”, đồng thời quy định dấu hiệu “tổ chức” trong tên tội danh thành tình tiết định khung tăng nặng trong cùng điều luật.

Khó phân định ranh giới giữa “mang thai hộ vì mục đích thương mại” với “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” để đánh giá chứng cứ, truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặc dù, khoản 22 và khoản 24 Điều 3 Luật HNGĐ đã quy định rõ nội dung này, nhưng trên thực tế việc mang thai hộ có nhiều biến tướng nên việc phân định mục đích của người tổ chức mang thai hộ chỉ dựa vào tiêu chí có hay không việc “hưởng lợi ích kinh tế và lợi ích khác” là khó khăn. 

Việc mang thai diễn ra trong thời gian không ngắn và chi phối sức khỏe, tâm lý, tình cảm cũng như tài sản của người trực tiếp mang thai. Ngay quy định tại Điều 97 và Điều 98 của Luật HNGĐ đã quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ đã đề cập đến vấn đề “chi phí thực tế” để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản trong suốt quá trình mang thai hộ. Do vậy, ngoài quy định trong Luật HNGĐ, để áp dụng có hiệu quả điều luật này cần có hướng dẫn khá chi tiết nội dung này.

Tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại khoản 2, Điều 187 quy định “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Đối với 2 người trở lên; Phạm tội 2 lần trở lên; Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức; Tái phạm nguy hiểm”. 

Nếu giữ nguyên tên tội danh thì tại điểm a của khoản này cần bổ sung thêm cụm từ “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại đối với 2 người trở lên” bởi quy định như hiện tại chưa rõ ý trong vấn đề xác định đối tượng là người trực tiếp mang thai hộ hay người có nhu cầu mang thai hộ. 

Đồng thời, để xử lý các hành vi của một số đối tượng đặc biệt trong tội danh này cần bổ sung các tình tiết tăng nặng mới tại khoản 2 như “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, “cưỡng ép người mang thai hộ”, “gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm nghiêm trọng tới quy định của pháp luật về HNGĐ và kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, do vậy cần điều chỉnh Điều 187 quy định về tội danh này nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh của xã hội và phát huy giá trị nhân văn của hình thức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Ths, luật sư Lê Văn Quý
.
.
.