Tội cản trở giao thông đường sắt

Thứ Sáu, 11/09/2009, 09:18
Hỏi: Vừa qua, trên báo chí đưa tin ba thanh niên ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đặt vật cản trên đường sắt, làm gián đoạn hành trình của tàu, may mắn là tàu kịp dừng lại không thì hậu quả rất lớn sẽ xảy ra. Xin cho biết hành vi của mấy thanh niên này có bị coi là phạm tội không và nếu có thì hình phạt thế nào? (Vũ Đức Long, Cẩm Giàng, Hải Dương)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 209 Bộ luật Hình sự về tội cản trở giao thông đường sắt thì người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường sắt gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm: Đặt chướng ngại vật trên đường sắt; làm xê dịch ray, tà vẹt;  khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt, mở đường trái phép qua đường sắt; làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu của công trình giao thông đường sắt; để súc vật đi qua đường sắt không theo đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển; đưa trái phép phương tiện tự tạo, phương tiện không được phép chạy lên đường sắt; lấn chiếm phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt; hành vi khác gây cản trở giao thông đường sắt.

Trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm; phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Theo như quy định trên thì hành vi đặt vật cản trên đường sắt của ba thanh niên này thuộc vào trường hợp "có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời" nên những người này có thể bị truy tố theo quy định tại khoản 4 Điều 209 BLHS với mức phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm

Công ty Luật Hồng Hà (Hà Nội)

.
.
.