Tìm ‘vắc xin’ trị tín dụng đen

Thứ Tư, 23/09/2015, 08:17
Tín dụng đen đang hoành hành khắp nơi thông qua hình thức cho vay nặng lãi, từ vay nóng lãi suất cao đến “bốc họ”, cầm đồ, thế chấp...

Nạn nhân của tín dụng đen là những người có hoàn cảnh khốn khó. Tín dụng đen thường liên quan đến các đối tượng côn đồ hung hãn tụ tập thành băng nhóm, bắt giữ người trái pháp luật để siết nợ, đòi nợ thuê... làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và trật tự an toàn xã hội.

Nhận diện tín dụng đen

Mặc dù được đề cập đến tại nhiều diễn đàn nhưng khái niệm tín dụng đen chưa có một định nghĩa rõ ràng. Người thì cho rằng đó là hoạt động tín dụng vượt quá các quy định của pháp luật, cho vay với lãi suất cao, người lại quan niệm đó là những hành vi phi đạo đức, được cung cấp bởi các tổ chức và cá nhân không có giấy phép hoạt động. Có người lại “vơ đũa cả nắm” khi gộp cả những hoạt động tín dụng tiêu dùng hợp pháp. Thực tế, nhu cầu vay và cho vay tiêu dùng là tất yếu và phổ biến trong xã hội. Cùng với sự phát triển của xã hội thì các hoạt động này ngày càng chuyên nghiệp…

Tín dụng tiêu dùng được kỳ vọng là “liều thuốc” đẩy lùi tín dụng đen vốn tiềm ẩn tiêu cực về an ninh trật tự bởi các hoạt động cầm đồ, cho vay nặng lãi.

Vậy hành vi vay mượn nào thì được liệt vào danh sách tín dụng đen? Trong cuộc hội thảo mới đây với chủ đề “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy tín dụng đen” của Trung tâm nghiên cứu Truyền thông phát triển, luật sư Nguyễn Thế Truyền nhận xét: “Đa số người đi vay mắc bẫy tín dụng đen không có kiến thức tối thiểu về tài chính cá nhân, đôi khi sẵn sàng đi vay nóng vì những lý do chưa thiết yếu như vay làm đám cưới cho con, hay lo công ăn việc làm”…

Trung tá Lê Khắc Sơn, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, trong rất nhiều trường hợp cơ quan bảo vệ pháp luật muốn bảo vệ người dân nhưng rất khó bởi các tài liệu, chứng cứ đều phản bác lại người đi vay. Ông Chu Quang Tiến, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, cũng đồng tình với quan điểm trên: “Quá trình xử lý nhiều vụ án cho thấy, hiểu biết của người dân rất hạn chế, dẫn đến không rõ nội dung giấy tờ mình ký. Thậm chí có tâm lý chủ quan, ký bừa, miễn là vay được tiền và cho rằng không ai lấy được nhà của họ. Vì vậy, việc xét xử, thi hành án gặp nhiều khó khăn”…

Như vậy, khái niệm chuẩn tín dụng đen rất khó, trừ một cụm từ thường được nhắc đến như “cho vay nặng lãi”, hoặc “lãi cắt cổ”... Bản thân việc quản lý các hoạt động như vậy cũng rất khó khăn, bởi người dân thường tự vay mượn lẫn nhau, tiếp cận các đối tượng cho vay tín dụng đen và chỉ một phần rất nhỏ các hoạt động này được phát hiện khi tranh chấp xảy ra. Vì vậy, có thể ví tín dụng đen như một loại vi rút có hại cho xã hội mà các loại “kháng sinh” khó bề khắc trị.

Liệu có “vắc xin” đặc trị?

Theo chuyên gia ngân hàng, TS Trần Hoàng Ngân, một trong những giải pháp để người dân thoát khỏi tín dụng đen là việc hỗ trợ phát triển tín dụng tiêu dùng (TDTD). TDTD ở Việt Nam hình thành khoảng gần chục năm trở lại đây và đang trên đà phát triển.TS Trần Hoàng Ngân cho biết, tính bình quân 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/năm. Những số liệu ấn tượng trên củng cố vững chắc dự đoán cho vay tiêu dùng tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ vượt qua con số 10% GDP vào năm 2020.

Hoạt động của TDTD khắc phục được những nhược điểm của các ngân hàng trong phân khúc thị trường này như là thủ tục cho vay đơn giản, thời gian giải ngân nhanh, các khoản tín dụng có quy mô nhỏ và kỳ hạn ngắn, rất phù hợp với tính chất các hoạt động tiêu dùng. Đặc biệt là với đặc tính của hoạt động TDTD, cho phép phục vụ một lượng khách hàng tương đối rộng, bao gồm cả những khách hàng chưa có lịch sử tín dụng, thu nhập chỉ ở mức trung bình thì ngay cả những người dân không thể vay được từ ngân hàng cũng có thể đi vay tại các tổ chức cho vay tiêu dùng hợp pháp, có đăng ký và được quản lý bởi các cơ quan quản lý nhà nước, do vậy, hoàn toàn có thể đẩy lùi những hoạt động của tín dụng đen.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO chia sẻ: “Có tổ chức tín dụng còn cam kết xét duyệt, giải ngân tiền vay chỉ trong 24h kể từ khi tiếp nhận hồ sơ. Hồ sơ có khi chỉ cần vài ba loại giấy tờ đơn giản, bản sao photocopy, bằng lái xe, bảng lương. Theo đó, khoản vốn mà khách hàng cần có thể chỉ là vài triệu đến vài chục triệu với tính chất ngắn hạn và cấp thiết rõ nét”.

Điều nhiều người còn nghi ngại hình thức tín dụng này chỉ một lẽ là lãi suất cho vay cao. Đó là điều dễ hiểu bởi lẽ, các tổ chức cung cấp TDTD không huy động vốn trực tiếp từ dân cư mà phải vay lại từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác (nhằm đảm bảo an ninh tài chính xã hội) nên chi phí giá vốn đầu vào cao hơn; một phần vì các công ty này phải xây dựng đội ngũ đi sâu vào các khu vực dân cư để phục vụ khách hàng, quản lý và thu hồi nợ; một phần trích quỹ dự phòng rủi ro cao.

Tuy nhiên, một khi TDTD phát triển trong một môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện, tạo ra sự minh bạch và công bằng trong cạnh tranh thì lãi suất tất yếu sẽ được thị trường điều chỉnh phù hợp. Và khi TDTD đã phát triển một cách lành mạnh và hiệu quả, cũng như người dân đã được cung cấp cơ chế để có thể đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng một cách an toàn, tiện lợi - tương tự như một liều vắc xin phòng sẵn - thì  “tín dụng đen” sẽ bị đẩy lùi.

Nguyễn Minh Vân
.
.
.