Tiềm ẩn những hiểm họa trên tuyến thủy nội địa Hải Phòng

Thứ Bảy, 16/04/2005, 07:21
Hải Phòng có 20 tuyến sông với tổng chiều dài gần 500km, 7 bến phà vượt sông, 3 cầu phao, 6 bến tàu khách, 68 bến đò ngang, 54 bến cảng thủy. Đây là một tiềm năng lớn để thành phố phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong những năm qua, tiềm năng thuận lợi trên vẫn đang tiềm ẩn những nỗi lo. Trước hết, là các vụ vi phạm về luồng, tuyến giao thông tại một số địa phương.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng, sai phạm phổ biến nhất hiện nay là tình trạng mở bến thủy nội địa không giấy phép để tập kết hàng bán vật liệu xây dựng; tự ý san lấp bến bãi, lấn chiếm thu hẹp lòng sông, cản trở dòng chảy, gây xói lở, bãi bồi làm mất an toàn giao thông đường thủy. Có nơi đã lấn ra sông tới 25m. Điển hình như khu vực cầu Rào, cầu Niệm, cầu An Dương, Quán Trữ, cầu Kiến An (sông Lạch Tray); phà Khuể (sông Văn Úc). Đặc biệt là trên tuyến sông Hàn, sông Phi Liệt (thuộc 2 xã An Sơn, Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên).

 

Tại 2 tuyến này, có vô số cơ sở khai thác, nghiền sàng đá nung vôi ngay vệ sông nhưng không có bờ chắn, các mạt đá và vật liệu phế thải cứ vậy tự do trôi xuống sông gây bồi lắng, làm hẹp luồng. Đó là chưa kể nhiều trường hợp lấn chiếm luồng lạch, thả đăng, đáy đánh bắt hải sản, gây cản trở giao thông, thậm chí để "bẫy" tàu, thuyền vướng mắc vào nhằm "phạt vạ" hoặc kiếm cớ trấn cướp hàng, tư trang của thủy thủ thuyền viên. Các hộ tự ý làm liều, song cũng có không ít đơn vị tập thể vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước.

 

Một ví dụ, Công ty Cổ phần vận tải và du lịch Hải Phòng sau khi được chấp thuận tu bổ, sửa chữa cầu tàu (bến tàu khách Bến Bính) với điều kiện chỉ thay thế kết cấu thép cũ, giữ nguyên vị trí, kích thước, đã công nhiên xây kè lấn chiếm hành lang sông Cấm (rộng 10m, dài 20m). Ngày 21/2, CSGT đường thủy đã lập biên bản. Ngày 8-3, Thanh tra GTCC xử phạt hành chính và yêu cầu phải tháo dỡ toàn bộ phần lấn chiếm trái phép nhưng đến thời điểm này vẫn không được công ty trên thi hành.

Phương tiện không đăng ký, người điều khiển không bằng lái


Cũng theo cơ quan chức năng của thành phố, hiện ở Hải Phòng có 2.074/2.500 tàu, thuyền tham gia giao thông đã được đăng ký, đăng kiểm. Chưa tính đến 426 đầu phương tiện còn lại ngay trong số này, sai phạm vẫn khá phổ biến. Năm 2003, đã có tới 131 phương tiện bị xử lý, gồm: 560 trường hợp chở hàng, chở khách quá tải; 228 trường hợp thiếu giấy tờ, thiếu thiết bị an toàn và 373 người điều khiển phương tiện không có bằng lái, không có chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật. Năm 2004, tình hình không khả quan hơn.

 

Qua kiểm tra 894 lượt phương tiện, có 361 lượt phương tiện chở hàng quá tải, 158 lượt phương tiện vẫn thiếu giấy tờ và thiết bị an toàn. Đặc biệt, phát hiện 353 thuyền trưởng, máy trưởng không có bằng cấp. Cùng với đó, nhiều phương tiện từ khắp các địa phương (kể cả Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi trở ra) cũng về ngư trường Hải Phòng khai thác, đánh bắt thủy sản, làm tăng mật độ phương tiện lưu thông, rất khó cho công tác tuần tra, kiểm soát. Nhiều tàu, thuyền nhỏ và vừa là phương tiện làm ăn sinh sống của ngư dân chưa có quy chế, chế tài xử lý. Có những phương tiện đã bị CSGT đường thủy xử lý nhiều lần song vẫn tái phạm...

Để đưa công tác quản lý đi vào nề nếp


Theo ông Bùi Minh Thủy, Trưởng ban Thanh tra GTCC thành phố Hải Phòng, để đưa công tác bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến thủy nội địa Hải Phòng đi vào nề nếp, đẩy lùi những ẩn họa, các đơn vị, ban, ngành chức năng, nhất là cấp chính quyền cơ sở cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, không thể mạnh đâu đó làm.

 

Đặc biệt cần hết sức chú ý trong khâu đào tạo, cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu sông hạng ba và chứng chỉ chuyên môn trong bối cảnh thực tế là mặt bằng về trình độ văn hoá của nhiều đối tượng hành nghề còn rất thấp (đến nay, Sở GTCC mới chỉ cấp được 555 bằng thuyền trưởng, 228 máy trưởng hạng ba và 478 chứng chỉ chuyên môn) trong khi còn khoảng 254 phương tiện tàu cá có công suất lớn đánh cá xa bờ và 845 thuyền nan chưa đăng ký, đăng kiểm.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động các phương tiện và các chủ phương tiện không có đủ các yêu cầu cần thiết khi tham gia giao thông. Việc bức xúc tiếp theo là công tác xử lý các công trình vi phạm luồng lạch, quy hoạch bến thủy nội địa, các bến đò ngang.

Thành phố cần lập các đội chuyên đề về công tác, kiểm tra trật tự an toàn giao thông đường thủy. Các đội này phải thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an, Cảng vụ Hải Phòng, Đoạn QLĐS số 8, Công ty Bảo đảm giao thông đường thủy Hải Phòng, đặc biệt là các xã, phường trọng điểm có tuyến sông chạy qua.

Bộ Giao thông vận tải cần hỗ trợ kinh phí nạo vét luồng, lạch cho các tuyến sông của Hải Phòng và khu vực bến tàu khách cảng Cửa Cấm sau khi các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hiện nay, biện pháp xử lý vi phạm hành chính các phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm, chở quá trọng tải quy định vẫn thực hiện xử phạt cho tồn tại. Để không còn tái diễn tình trạng trên, đề nghị phải có biện pháp xử lý nghiêm, quy định cụ thể nơi tạm giữ phương tiện, kinh phí phục vụ cho việc tạm giữ phương tiện vi phạm, đồng thời có biện pháp bắt buộc các phương tiện tham gia giao thông phải mua bảo hiểm thân tàu.

Đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cơ quan thuế địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ phương tiện nộp thuế trước bạ (chủ yếu là những phương tiện nhỏ lắp máy Trung Quốc công suất nhỏ đã qua sử dụng)

Sỹ Nhiếp
.
.
.