Thu hồi đất của dân để làm... nghĩa địa

Thứ Tư, 21/05/2008, 17:03
Cánh đồng ấy thuộc ấp 2, xã anh hùng Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, từng liên tục cho năng suất kỷ lục từ 10 đến 14 tấn lúa/ha. Đặc biệt, nhờ có cánh đồng màu mỡ này mà nông dân Dương Văn Hữu được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý - Anh hùng Lao động, khiến hàng triệu nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long vui lây.

Song người dân ấp 2 cũng đang rất bức xúc về dự án nghĩa trang "mọc" lên ngay trên đất sản xuất của họ. Ngày 17/5, PV Báo CAND đã hỏi đường tìm đến Mỹ Phú và ghi nhận được nhiều điều hết sức khó ngờ…

Từ hương lộ 28 tôi tìm vào nhà nông dân Hai Hữu - tức Anh hùng Lao động Dương Văn Hữu. Vẫn cốt cách đặc sệt nông dân Nam Bộ, người nông dân 84 tuổi kể về chuyện ông cùng bà con nông dân ở đây đã nhân thành công nhiều giống lúa kháng rầy.

Trở lại với câu chuyện của thực tại, ông Hai Hữu trầm ngâm: Chuyện bắt đầu là vào ngày 11/9/2007, UBND xã có mời bà con đến, thông báo dự kiến quy hoạch cánh đồng này thành nghĩa trang sinh thái, sinh thiết gì đó. Lãnh đạo xã có lập danh sách những người dự họp rồi bảo bà con ký tên vào.

Chẳng ngờ, sau này, cái danh sách ấy bỗng dưng được biến thành danh sách kèm theo nội dung người dân ấp 2 đồng ý quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp của họ thành đất nghĩa trang(?). Bà con chưa rõ ngọn ngành về dự án kỳ lạ này nên cũng có người chạy lên gặp cán bộ hỏi, nhưng được khuyên là: An tâm, chờ. Chừng nào có gì xã sẽ mời họp.

Thời gian trôi qua, cho đến ngày 3/4 vừa qua, xã lại mời dân đến nhà ông Tư Ân, công bố chủ trương thu hồi đất do lãnh đạo UBND tỉnh ký. Vậy là không còn là tin đồn gì nữa.

Theo thông báo của UBND xã, cả cái nghĩa trang sinh thái này "ngốn" đến gần 25ha; có 26 hộ dân có đất bị dính đất vô đây. "Gần như số hộ dân nằm cặp theo kênh Tám Nết là dính hết trọi. Diện tích mà đất của tôi và các con của tôi dính vào cái nghĩa trang này hết 2ha" - ông Hai Hữu nhẩm tính.

Không phải chỉ ông Hai Hữu, hầu hết nông dân mà tôi gặp vào ngày trước đó cũng bày tỏ thái độ không đồng tình nếu quy hoạch nghĩa trang ngay trên đất nông nghiệp của họ.

Ông Nguyễn Văn Lình, 66 tuổi bức xúc: "Chúng tôi không chống lại chủ trương, chính sách của Nhà nước nhưng khi làm cái gì, Nhà nước phải bàn bạc với bà con chúng tôi chứ. Thà làm trường học, khu công nghiệp gì đó thì tụi tui có thể chấp nhận vì con cháu mình cũng có cơ may để xin vào đó làm công nhân, còn làm nghĩa trang thì dân chúng tôi phải làm gì đây khi đất đai chẳng còn"...

Chúng tôi tìm đến trụ sở UBND xã Mỹ Phú. Nghe tôi quan tâm đến dự án nghĩa trang sinh thái, một cán bộ xã cho biết: "Chủ tịch UBND xã - Châu Hải Ngạt chiều nay đã lên Sở Tài nguyên & Môi trường dự cuộc họp liên quan đến vụ các nghĩa trang này rồi".

Một cán bộ khác nhiệt tình chỉ cho tôi xem Quyết định 242/QĐ-UBND ngày 25/1/2008 của UBND tỉnh Long An (về việc phê duyệt bổ sung quy hoạch đất nghĩa trang huyện Thủ Thừa đến năm 2010) được dán trên tấm bảng trước phòng khách UBND xã. Thì ra, nghĩa trang rộng gần 25ha này ra đời là có phần liên quan khá mật thiết đến dự án sân golf.

PV Báo CAND trò chuyện với Anh hùng Lao động Dương Văn Hữu ngày 17/5.

Tại điều 1 của Quyết định cho biết, nghĩa trang này ra đời nhằm phục vụ nhu cầu di dời mồ mả của nhân dân từ dự án sân golf, khu dân cư, khu nghĩ dưỡng do Công ty TNHH một thành viên phát triển Hyoil đầu tư… Trong khi đó, được biết Công ty Hyoil chưa thực hiện làm xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng sân golf, lại tiếp tục được cấp đất làm nghĩa trang.

Trả lời báo chí, ông Lê Anh Thúy - Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa cho rằng, nghĩa trang này là cần thiết vì "lo cho người sống cũng phải lo cho người chết". Nghĩa trang ở Mỹ Phú chủ yếu là để phục vụ cho nhân dân 2 xã Mỹ Phú và Mỹ An (2 xã này trước kia là một - xã Mỹ An Phú, được tách ra năm 1983 - PV).

Khi chúng tôi đặt vấn đề: Sao lại lấy cánh đồng màu mỡ để làm nghĩa trang, ông Thúy cho rằng đất đai trên cả xã Mỹ Phú đều màu mỡ chứ chẳng riêng gì tại ấp 2 nên chọn chỗ nào cũng vậy thôi(?). Ông Thúy còn cho biết, trên địa bàn huyện còn được quy hoạch thêm 2 nghĩa trang nữa ở xã khác.

Cho tới thời điểm "gạo sắp nấu thành cơm" nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, trong nội bộ chính quyền xã Mỹ Phú cũng có nhiều ý kiến khác nhau về việc cấp có thẩm quyền quy hoạch một nghĩa trang rộng gần 25ha trên địa bàn mình.

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Tịnh kể, xã Mỹ Phú có diện tích tự nhiên khoảng 1.200ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp chỉ gần 800ha. Trước khi có quy hoạch nghĩa địa sinh thái này, tỉnh đã quy hoạch và đã giao đất cho doanh nghiệp thực hiện sân golf rộng 290ha nằm cặp theo quốc lộ 62 đổ ra sát mé sông Vàm Cỏ. Một số quy hoạch khác đang triển khai cũng… góp phần thu hẹp đất nông nghiệp của địa phương.

Theo chúng tôi được biết, sau khi Anh hùng Lao động Dương Văn Hữu cùng nhiều hộ nông dân khác ký vào đơn không đồng tình quy hoạch nghĩa trang trên cánh đồng màu mỡ, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Sở, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương tiếp tục lấy ý kiến của nhân dân, sau đó sẽ họp để mổ xẻ vấn đề, trình UBND có ý kiến kết luận

Binh Huyền
.
.
.