Thư của nhân vật trong bài hát "Lê Quang Vịnh - người con quang vinh”

Thứ Tư, 14/09/2005, 15:41
VNCA số đặc biệt tháng 8/2005 có đăng bài viết về nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ với nhan đề: “Đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy xấu hổ”. Bài báo được đông đảo bạn đọc hoan nghênh và chính nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã gọi điện đến BBT VNCA cảm ơn trang viết về những cống hiến trong chặng đường sáng tác âm nhạc của ông. VNCA cũng nhận được lá thư của giáo sư Lê Quang Vịnh, nhân vật đã được nhạc sĩ Nguyễn

Qua thư của giáo sư Lê Quang Vịnh chúng tôi thêm thấu tỏ một sự kiện lịch sử mà ông và các đồng chí của mình đã trải qua trong những ngày sống dưới chế độ lao tù hết sức hà khắc của Mỹ - ngụy. Nhân ngày Thu lịch sử, VNCA xin được đăng bài viết của giáo sư Lê Quang Vịnh về sự kiện này.

“Tôi bị bắt ở chiến khu vào ngày 20/8/1961 trong khi đang chuẩn bị cho “Hội nghị quốc tế sinh viên vì hòa bình và phát triển” sắp họp tại Hà Nội. Tòa án quân sự đặc biệt của ngụy quyền Sài Gòn mở phiên tòa xét xử chúng tôi từ 7 giờ 30 ngày 23/5/1962 cho đến gần 1 giờ ngày hôm sau (24/5/1962). Trước tòa, 12 người chúng tôi quả thật đã là một tiểu đội đoàn kết chiến đấu kiên cường, giữ vững khí tiết của người cách mạng và đã bị bọn chúng xử tử hình.

Ngày 20/7/1962 chúng tôi bị chúng đưa ra Côn Đảo và bị nhốt vào ngục tử hình được trá danh bằng một cái tên khá mĩ miều là “Khu tu dưỡng”, chứ hoàn toàn không phải là được giảm án thành chung thân rồi đưa ra đảo thụ án.

Chúng tôi bị nhốt ở ngục tử hình hơn 3 năm, chịu không biết bao nhiêu là cực hình kềm kẹp. Cho đến năm 1965 tức là sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ 2 năm, địch mới tự ý hoán chuyển bản án tử hình của chúng tôi thành chung thân khổ sai. Điều tôi muốn nói ở đây là đời tù tử hình của tôi đã khổ nhưng đời tù chung thân khổ sai của tôi còn khổ hơn nhiều. Tôi phải chịu tra tấn đánh đập trong xà lim cấm cố liên miên trong suốt những năm 1965, 1966. Từ năm 1967, tôi vĩnh viễn bị chúng nhốt trong các khu biệt lập như Hầm đá lao II, Chuồng cọp cũ (của Pháp) để lại, Chuồng cọp mới (Mỹ), Chuồng bò… Tính ra, 8 năm ròng rã, tận đến ngày giải phóng 30/4/1975, phải sống và chịu đựng mọi cực hình trong tù ngục, tôi ở tình trạng gần như hấp hối. Mang bản án chung thân khổ sai nhưng tôi đâu có được đi làm khổ sai. Tôi bị nhốt trong hầm, chuồng liên tục.

Tôi không dám so sánh những cực hình mà tôi phải chịu trong nhà tù với các đồng chí khác. Tất nhiên là có những đồng chí phải đau đớn quằn quại hơn tôi nhiều. Nhưng tôi có thể khẳng định là 8 năm ở chốn hầm, chuồng kèm theo những trận đòn kinh khủng, có lẽ vượt quá sức chịu đựng của tôi và tôi không thể nào sống sót, nếu không có sự bí mật giúp đỡ thuốc thang của các bạn tù bên ngoài, những người làm lao dịch đưa cơm nước cho tù nhân và cả một số giám thị có cảm tình với cách mạng. Tôi nghĩ rằng nếu ngày giải phóng đến chậm hơn chút nữa thì chắc chắn không còn Lê Quang Vịnh, Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam sau này…

Tôi bị kẻ địch căm ghét tột độ. Lý do là vì chúng ra sức mua chuộc tôi mà không được. Mỗi lần lung lạc tôi không được, chúng lại áp đặt lên tôi những cực hình tàn bạo. Trong tết Mậu Thân, chúng đưa tôi về Sài Gòn, ép phải chào cờ ba que, hô khẩu hiệu chống cộng sản. Không được thì chúng đánh chúng tôi thật tàn nhẫn. Tôi đã bị đánh chết đi sống lại nhiều lần, đi không nổi, phải khiêng, phải cõng, mà đâu phải một hai lần.

Trong thời gian thi hành Hiệp định Paris 1973, chúng không trao trả, cũng không thả tự do cho tôi mà chuyển tôi thành thường án với cái tên lừa bịp là “Gian nhân hiệp đảng”. Và tôi vẫn bị chúng hành hạ cho tới giờ phút trót của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.

Tôi xin nói như thế này: mặc dù chúng không hành quyết tôi cũng như hàng trăm người tù tử hình khác và sau đó tự ý hoán giảm án tử hình thành án chung thân nhưng tôi không thấy hổ thẹn gì về cuộc sống và chiến đấu trong lao tù đế quốc của mình. Cũng có lúc trong lòng tôi nổi lên tâm trạng sợ chết, sợ đau nhưng rồi thấy đồng bào đồng chí hăng hái chiến đấu kiên cường, tôi lại cố gắng đứng dậy, đi lên. Có lẽ lúc bên ngoài không được tin tức gì về tôi và nghĩ tôi đã bị giết, chính là lúc tôi bị giam biệt lập, sống một mình trong còng xiềng đòn bọng, xung quanh hầu hết là những tên lính ngụy hung ác như beo sói.

Tuy nhiên, hạnh phúc thay cho tôi, mặc dù phải để lại trong nhà tù gần 2/3 cơ thể (tôi là thương binh nặng hạng 2/4), tôi đã được tặng thưởng các Huân chương cao quý của Đảng và Nhà nước như Huân chương độc lập hạng II, Huân chương Quyết thắng hạng I, Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng I. Trong hòa bình xây dựng, tôi cũng được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất”

Lê Quang Vịnh
.
.
.